Các nhà lãnh đạo ASEAN của 9 nước thành viên gồm Brunei, Campuchia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Việt Nam, Thái Lan và lãnh đạo quân đội Myanmar - Thống tướng Min Aung Hlaing tham dự Hội nghị hôm 24/4. (Nguồn: TTXVN) |
Theo một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đức, tại Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN hôm 24/4 tại Indonesia, ASEAN đã thành công trong nỗ lực mở ra cánh cửa hướng tới một tiến trình hòa bình, dựa trên đối thoại và bao trùm, góp phần đưa Myanmar thoát khỏi khủng hoảng.
Chính phủ Liên bang Đức hoan nghênh bản “Đồng thuận 5 điểm” giúp mang lại cho người dân Myanmar hy vọng chấm dứt bạo lực.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức, điều quan trọng là thiết lập đối thoại mang tính xây dựng trên cơ sở này, với sự tham gia của tất cả các bên và dọn đường trở lại các thể chế hợp pháp hóa một cách dân chủ.
Chính phủ Đức cho hay, sẵn sàng hỗ trợ ASEAN và Đặc phái viên Liên hợp quốc Schraner Burgener trong các nỗ lực giải quyết vấn đề Myanmar.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cho rằng, đồng thuận 5 điểm về Myanmar là một "bước tiến đáng khích lệ" trong nỗ lực không ngừng của ASEAN nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay tại quốc gia Đông Nam Á này.
Trong một tuyên bố, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell kêu gọi chấm dứt bạo lực ngay lập tức ở Myanmar và ủng hộ các cam kết đưa ra tại Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN nhằm bắt đầu đối thoại mang tính xây dựng với tất cả các bên, trong đó có Ủy ban Đại diện cho Pyidaungsu Hluttaw (CRPH)/Chính phủ thống nhất quốc gia (NUG), nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình.
Theo ông Josep Borrell, việc bổ nhiệm phái viên ASEAN nhằm tạo điều kiện hòa giải giữa các bên là một "cam kết quan trọng", đòi hỏi người này thực sự có khả năng thu hút tất cả các bên tại Myanmar. ASEAN cũng đã cam kết cung cấp hỗ trợ nhân đạo bổ sung cần thiết cho Myanmar.
Đại diện cấp cao EU cho hay, khối sẵn sàng hỗ trợ đối thoại với tất cả các bên liên quan chủ chốt ở Myanmar muốn giải quyết tình hình một cách thiện chí.
Trước đó, tại Hội nghị Các nhà lãnh đạo ASEAN tại thủ đô Jakarta (Indonesia) hôm 24/4, các nhà lãnh đạo ASEAN đã đạt được đồng thuận 5 điểm về tình hình Myanmar, trong đó có: Yêu cầu chấm dứt ngay lập tức bạo lực và tất cả các bên phải hết sức kiềm chế; tiến hành đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên liên quan nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình; cử đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN làm trung gian thúc đẩy tiến trình đối thoại; và cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar thông qua Trung tâm AHA.
ASEAN cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực không ngừng của Myanmar trong việc giải quyết tình hình ở bang Rakhine, trong đó có việc bắt đầu quá trình hồi hương tự nguyện, an toàn theo các thỏa thuận song phương của nước này với Bangladesh.