Phương pháp điều trị có tác dụng đảo ngược các dấu hiệu bệnh lý của bệnh Alzheimer trên mô hình động vật và hiện đang tìm cách bắt đầu các thử nghiệm trên người sau hai năm nữa.
Thuốc xịt mũi được phát triển để ức chế một cơ chế não - nguyên nhân sớm gây ra bệnh Alzheimer. (Nguồn: New Atlas) |
Các giả thuyết cho rằng sự tương tác của protein tau và amyloid beta trong não có thể gây suy giảm nhận thức. Vì vậy, phần lớn biện pháp can thiệp dược phẩm trong những thập niên qua đều tập trung vào việc đảo ngược hoặc ngăn chặn sự kết tụ 2 protein độc hại này.
Tuy vậy, hầu hết sáng chế mới đều thất bại ở một giai đoạn thử nghiệm nào đó trên người, nhiều công ty dược phẩm lớn đã hoàn toàn rút khỏi lĩnh vực nghiên cứu thuốc chữa bệnh Alzheimer, và liệt nghiên cứu vào danh mục khó.
Đột phá mới này, được công bố trên tạp chí Alzheimer’s & Dementia: Nghiên cứu tịnh tiến & can thiệp lâm sàng, thuộc về một công ty công nghệ sinh học có tên là Neuro-Bio. Người sáng lập công ty vào năm 2013 là nhà tâm lý học Susan Greenfield của Đại học Oxford, nghiên cứu về nguồn gốc của bệnh Alzheimer.
Nghiên cứu của Neuro-Bio dựa trên một giả thuyết cho rằng phương pháp điều trị bệnh Alzheimer thành công phải nhắm vào các cơ chế trước khi tích tụ amyloid và tau trong não.
Một khi những protein độc hại này tích tụ trong não và gây ra tổn thương tế bào thần kinh thì đã quá muộn để ngừng hoặc đảo ngược quá trình tiến triển bệnh bằng thuốc.
Một giả thuyết khác làm cơ sở cho nghiên cứu của Neuro-Bio là chất hóa học trong não được gọi là T14 - một trong những động cơ bệnh lý gây ra bệnh Alzheimer. T14 là một phân tử rất quan trọng đối với sự phát triển của não trong giai đoạn đầu đời nhưng cũng có thể gây hại cho não bộ sau này.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra một dấu hiệu bệnh lý sớm của bệnh Alzheimer, đó là mức độ độc hại của T14 trong một phần của thân não được gọi là lõi đẳng hướng. Neuro-Bio đưa ra giả thuyết việc bất hoạt T14 trong vùng não đó có thể ngăn chặn được sự tiến triển của Alzheimer.
Nhà tâm lý học Greenfield giải thích: “Bằng cách sử dụng kiến thức khoa học thần kinh cơ bản, chúng tôi đã xác định được cơ chế cơ bản dẫn đến bệnh Alzheimer trong não và đã phát triển một phân tử (NBP14) để chống lại căn bệnh này”.
Nghiên cứu mới báo cáo về các thí nghiệm sơ bộ trên động vật, thử nghiệm công thức xịt mũi của NBP14 trên các mô hình chuột mắc bệnh Alzheimer.
Sau 6 tuần sử dụng NBP14, nồng độ amyloid trong não chuột đã giảm rõ rệt, và sau 14 tuần, những con vật này đã có những cải thiện về nhận thức tương tự như một cơ thể khỏe mạnh bình thường.
Giáo sư Paul Herrling, giám đốc Neuro-Bio cho biết: “Các kết quả liên tục chỉ ra rằng NBP14 có thể can thiệp vào quá trình nhiễm độc thần kinh dẫn đến thoái hóa tế bào thần kinh ở bệnh Alzheimer.
Nghiên cứu này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc điều trị bệnh Alzheimer vì chúng dựa trên một lý thuyết khoa học vững chắc chưa từng được áp dụng để điều trị căn bệnh này”.
Cùng với việc ức chế T14 - một phương pháp điều trị khả thi, các nhà nghiên cứu cho rằng có thể chẩn đoán sớm loại bệnh này thông qua các phép đo T14 trong máu hoặc da.
Theo Neuro-Bio, việc xét nghiệm nồng độ T14 có thể xác định quá trình thoái hóa thần kinh sớm xảy ra trước các triệu chứng Alzheimer 10 hoặc 20 năm.
Những phát hiện này dường như mang đến cho chúng ta một tương lai đầy hy vọng, khi một vài lần xịt mũi ngắn mỗi sáng có thể là phương pháp điều trị phòng ngừa bệnh Alzheimer.
Tuy nhiên, viễn cảnh đó vẫn còn khá xa vời, bởi các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng họ phải làm việc ít nhất 2 năm nữa trước khi loại thuốc thử nghiệm có thể bắt đầu thử nghiệm trên người.
Bên cạnh đó, giả sử mọi công đoạn diễn ra suôn sẻ, thì ít nhất 10 năm nữa loại thuốc này mới được ứng dụng vào thực tế, đặc biệt khi trong lịch sử nghiên cứu bệnh Alzheimer, đã có rất nhiều nghiên cứu đầy tiềm năng trên cơ thể động vật nhưng lại không thử nghiệm tốt trên cơ thể con người.
Dù vậy, phát hiện này cũng là một tia sáng trong lĩnh vực nghiên cứu thuốc chữa bệnh Alzheimer.
Neuro-Bio cũng cho biết liều điều trị trong các nghiên cứu trên động vật cho đến nay không hề gây tác dụng phụ có hại nào.