Đoàn thể thao Trung Quốc thống trị trong các môn bắn súng và lặn, bỏ xa Mỹ tại Thế vận hội Paris 2024. (Nguồn: Getty) |
Cả hai quốc gia đều kết thúc cuộc tranh tài với 40 huy chương vàng, nhưng Mỹ giành được vị trí đầu bảng với tổng số 126 huy chương so với 91 huy chương của Trung Quốc. Cuộc đua diễn ra vô cùng kịch tính khi hai cường quốc thể thao đối đầu trực tiếp, thể hiện một khía cạnh khác trong cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa hai nước tại Thế vận hội.
Thể thao Trung Quốc trong những thập nên gần đây trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết và Bắc Kinh xem màn trình diễn tại Olympic như biểu tượng của sức mạnh quốc gia. Năm 2008, nước này dẫn đầu số lượng huy chương vàng tại Thế vận hội Bắc Kinh, lần đầu tiên vượt qua Mỹ.
Tại Paris, đoàn Trung Quốc gần như đã tiến tới vị trí đứng đầu bảng xếp hạng huy chương với sự thống trị trong các môn bắn súng và lặn, bỏ xa đội tuyển Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ đã nhanh chóng bắt kịp và vượt qua Trung Quốc trong bộ môn điền kinh.
Trung Quốc là quốc gia thứ ba, sau Mỹ và Liên Xô, đứng đầu bảng xếp hạng huy chương vàng tại một kỳ thế vận hội mùa Hè diễn ra ngoài lãnh thổ của mình. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã ca ngợi về số huy chương “phá kỷ lục” tại Paris.
Theo Global Times, các chuyên gia nước này cho rằng, thành công trên là minh chứng cho việc hiện đại hoá Trung Quốc không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn có lợi cho sự phát triển sức khỏe cộng đồng, cũng như cải thiện môi trường cho các ngành công nghiệp thể thao, đưa thể thao đến với tất cả mọi người.
Trên các trang mạng xã hội, người dân ăn mừng chiến thắng trong niềm tự hào dân tộc. Trên Weibo, hashtag “Trung Quốc đứng đầu bảng xếp hạng huy chương vàng” trở thành xu hướng, thu hút hơn 500 triệu lượt xem.
Một bình luận với hơn 28.000 lượt yêu thích cho biết: “Chúng ta đã giành được huy chương vàng một cách hoàn hảo và công bằng”. Trong khi đó, một số khác thì cho rằng Trung Quốc vượt qua Mỹ với tổng 44 huy chương vàng chỉ khi tính cả số lượng huy chương của Hồng Kông (Trung Quốc) và Đài Loan (Trung Quốc).
Năm nay, đội tuyển bơi Trung Quốc phải chịu sự giám sát chặt chẽ ở Paris sau khi gần một nửa đội tuyển mà Bắc Kinh gửi đến Thế vận hội Tokyo năm 2021 có kết quả xét nghiệm dương tính với doping. Đầu tháng 4/2024, những cáo buộc về việc sử dụng chất cấm đã gây ra phản ứng dữ dội trong giới bơi lội, bởi việc sử dụng doping có thể khiến các vận động viên vi phạm bị cấm thi đấu trong nhiều năm.
Cơ quan phòng chống doping quốc tế (WADA) thừa nhận trường hợp cá biệt vào năm 2022, trong đó hai vận động viên bơi lội Trung Quốc xét nghiệm dương tính với chất cấm. Những người này bị đình chỉ thi đấu tạm thời nhưng sau đó giới chức Bắc Kinh bác bỏ kết quả xét nghiệm và khẳng định là do thực phẩm ô nhiễm.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cáo buộc Mỹ đã “sử dụng vấn đề doping để bôi nhọ”. Trong khi đó, Cơ quan phòng chống doping Trung Quốc (CHINADA) và truyền thông nhà nước lên án “tiêu chuẩn kép” của Mỹ trong việc xử lý các bê bối ma tuý.
Vào tuần trước, CHINADA đã kêu gọi xét nghiệm chuyên sâu đối với các vận động viên điền kinh Mỹ cũng như trích dẫn những bê bối doping trong quá khứ của nước này. Tiêu biểu như trường hợp của vận động viên chạy nước rút Erriyon Knighton, người đứng thứ tư ở nội dung 200m nam tại Paris.
Theo Cơ quan phòng chống doping Mỹ, vận động viên Knighton bị đình chỉ tạm thời do xét nghiệm dương tính với chất cấm vào tháng 3/2024, nhưng đã được phép thi đấu tại Paris sau khi một trọng tài độc lập xác định kết quả này “nhiều khả năng” là do thịt bị ô nhiễm.