Dù ứng phó tốt với thách thức y tế công mà Covid-19 đặt ra, Australia hứng chịu những thiệt hại to lớn trong các lĩnh vực khác như giáo dục và du lịch. (Nguồn:Conversation) |
Trang mạng Conversation ngày 21/12 đăng bài viết của nhà nghiên cứu Melissa Conley Tyler làm việc tại Viện châu Á thuộc Đại học Melbourne, trong đó nêu lên các yếu tố quan trọng nhiều khả năng sẽ chi phối chính sách đối ngoại của Australia trong năm 2021, cụ thể là đại dịch Covid-19, Trung Quốc và biến đổi khí hậu.
1. Đại dịch Covid-19
Năm 2021 sẽ là năm thích nghi với việc sống chung Covid-19. Hy vọng các quốc gia đã quản lý tốt đại dịch trong năm 2020 có thể duy trì được thành tích này và những quốc gia không thành công trong việc kiểm soát đại dịch sẽ được hỗ trợ bởi vaccine ngừa bệnh.
Vấn đề cần lưu tâm là đối tượng nào sẽ được tiêm chủng và việc tiếp cận với vaccine có bình đẳng hay không, hiệu quả của các loại vaccine khác nhau như thế nào, và du lịch quốc tế sẽ phục hồi nhanh đến đâu.
Theo nhà nghiên cứu Melissa Conley Tyler, Australia cần tập trung vào việc phục hồi hậu đại dịch.
Dù ứng phó tốt với thách thức y tế công mà Covid-19 đặt ra, Australia cũng hứng chịu những thiệt hại to lớn trong các lĩnh vực khác như giáo dục và du lịch. Do số lượng người nhập cư giảm trong năm nay, dân cư nói chung của Australia dự kiến sẽ giảm hơn nửa triệu người vào năm 2022, gây tác động đến nhiều ngành nghề, từ xây dựng đến bán lẻ.
Chủ tịch Viện các vấn đề quốc tế Australia Allan Gyngell cho rằng Australia sẽ “nghèo hơn, yếu hơn và cô lập hơn” trong thế giới Covid-19 mới.
Đầu năm 2021, Ủy ban độc lập về phòng ngừa và ứng phó với đại dịch sẽ công bố bản thảo đầu tiên về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 tại cuộc họp với Ban điều hành Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và dự kiến đệ trình một báo cáo quan trọng lên Đại hội đồng Y tế Thế giới vào tháng 5/2021.
2. Trung Quốc
Trung Quốc sẽ tiếp tục là mối quan tâm của Australia.
Cho đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy chính phủ Australia có kế hoạch cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc.
Nhiều khả năng tình hình sẽ tiếp tục xấu đi sau khi Quốc hội Australia thông qua đạo luật mới trao quyền cho ngoại trưởng nước này hủy bỏ các thỏa thuận quốc tế của chính quyền bang, hội đồng địa phương và các trường đại học công lập.
Nếu Canberra áp dụng luật này để hủy bỏ thỏa thuận tham gia Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của bang Victoria với Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ coi đây là một ví dụ khác nhằm chống lại Trung Quốc.
Nếu Australia tiếp tục theo đuổi việc kiện Trung Quốc ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), vụ kiện này chắc chắn sẽ kéo dài và chiến tranh thương mại là bất khả kháng đối với cả hai nước.
Dư luận Australia về Trung Quốc được dự đoán là nhiều khả năng sẽ tiếp tục đi theo chiều hướng tiêu cực.
3. Biến đổi khí hậu
Đây là lĩnh vực mà kết quả bầu cử ở Mỹ sẽ có ảnh hưởng lớn nhất đến Australia. Chính quyền Biden cam kết tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và triệu tập hội nghị cấp cao về khí hậu thế giới trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên để thuyết phục các nhà lãnh đạo của các quốc gia có lượng khí thải carbon cao thực hiện các cam kết quốc gia tham vọng hơn.
Australia sẽ ngày càng bị cô lập nếu nước này không thay đổi chính sách hiện nay, khi các đối tác thương mại và chiến lược chính như Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều đã cam kết thực hiện mục tiêu đạt lượng khí thải carbon bằng 0.
Áp lực sẽ tăng lên khi các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại tự do (FTA) Australia-EU đi đến hồi kết, trong khi đàm phán về FTA Australia-Anh hậu Brexit mới bắt đầu.