Nhỏ Bình thường Lớn

Du học Australia: “Thiên đường” không có thật

Chi tiêu của du học sinh mang lại nguồn thu khổng lồ cho Australia. Tuy nhiên, những sự cố gần đây đang làm giảm sút lợi nhuận cũng như uy tín của ngành giáo dục nước này.
Phải tìm hiểu thật kỹ trước khi lựa chọn điểm đến du học.
Chi tiêu của du học sinh mang lại nguồn thu khổng lồ cho Australia. Tuy nhiên, những sự cố gần đây đang làm giảm sút lợi nhuận cũng như uy tín của ngành giáo dục nước này.

Đất nước trẻ trung, thân thiện và năng động này là điểm đến du học ngày càng được ưa chuộng của học sinh, sinh viên Việt Nam. Có nhiều lý do để lựa chọn Australia như chúng ta thường nghe các trung tâm tư vấn du học giới thiệu: chất lượng giáo dục cao với bằng cấp được quốc tế công nhận, lợi thế chi phí học tập và sinh hoạt thấp, môi trường sống an toàn, hòa đồng với sự góp mặt của nhiều sắc tộc… Thế nhưng, sẽ là thiếu sót nếu chúng ta lựa chọn Australia mà không cân nhắc tới những điều sau đây.

 

Án mạng của sinh viên quốc tế

 

Năm 2008, việc một nữ du học sinh người Trung Quốc và bạn trai người Hàn Quốc bị tấn công dẫn đến cái chết thảm của cô đã khiến cộng đồng sinh viên quốc tế tại Sydney bàng hoàng.

 

Ngày thứ hai của năm 2010, một thanh niên Ấn Độ là Nitin Garg, 21 tuổi, tốt nghiệp đại học ngành kế toán, đã bị đâm chết trên đường đến nơi làm việc ở một cửa hàng bán thức ăn nhanh tại khu vực West Footscray ở Melbourne. “Thị trường du học Australia đang giảm 90% tại Ấn Độ và chuyện này sẽ vẫn tiếp tục”, ông Bubbly Johar, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các đại diện Giáo dục Australia tại Ấn Độ cảnh báo nếu chính phủ Australia không hành động.

 

Dù có động cơ phân biệt chủng tộc trong các vụ tấn công này hay không, thực tế là so với sinh viên bản xứ thì sinh viên quốc tế có nhiều nguy cơ trở thành nạn nhân của các vụ tấn công hơn. Họ phải đi thuê nhà, sống với những người xa lạ, đi làm thêm đến tối mịt mới về nhà trên những con đường vắng vẻ... Sẽ là quá sớm để kết luận rằng Australia đã không còn an toàn với sinh viên quốc tế nhưng cũng sẽ là muộn nếu không quan tâm đến vấn đề an ninh ngay từ bây giờ.

 

Nhiều trường tư đóng cửa

 

Việc 8 cơ sở dạy tiếng Anh trên toàn nước Australia của GEOS, một công ty của Nhật với hệ thống các trung tâm đào tạo trên thế giới, phải đóng cửa hồi tháng 2 đã khiến cho 400 người mất việc làm và 3.000 sinh viên quốc tế phải nghỉ học. Trong khi đó, hàng trăm sinh viên là nạn nhân trong vụ phá sản của tập đoàn giáo dục hướng nghiệp Meridian của Trung Quốc vào tháng 11 năm ngoái vẫn còn đang chờ để được sắp xếp chuyển sang các khóa học khác.

 

Chưa hết, gần đây nhất, trường Cao đẳng Dạy nghề Quốc tế Austech, một trường dạy nghề nấu ăn và khách sạn tại ngoại ô Sydney, đã ngừng hoạt động. Hậu quả là 700 sinh viên, chủ yếu đến từ Ấn Độ và Nepal có nguy cơ không được cấp bằng sau khóa học.

 

Rõ ràng những cú sốc này đã gây ra ảnh hưởng không tốt đến uy tín của ngành công nghiệp giáo dục có lợi nhuận đứng hàng thứ ba của Australia. Có thể đổ lỗi cho khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng không thể né tránh trách nhiệm của chính phủ vì quy trình giấy phép hoạt động quá dễ dàng, chưa kể việc kiểm toán hoạt động kinh doanh hàng năm khá lỏng lẻo. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm nhất là việc Australia sẽ lấy lại hình ảnh của mình như thế nào trong việc giải quyết hậu quả của việc đóng cửa trường học.

 

Thay đổi chính sách nhập cư

 

Australia ngày càng thắt chặt lượng nhập cư, bằng cớ là ngày 8/2/2010, Bộ trưởng Bộ Di trú Australia, thượng nghị sĩ Chris Evans đã thông báo bãi bỏ Danh sách Ngành nghề Nhập cư có nhu cầu cao tại Australia (Migration Occupations on Demand List - MODL) và thay đổi Danh sách các ngành nghề ưu tiên (Skilled Occupation List – SOL).

 

Dự kiến vào ngày 30/4 tới, một SOL mới sẽ được ban hành và có hiệu lực từ giữa năm 2010. Sự thay đổi này không gây ảnh hưởng đến quy trình xét duyệt visa sinh viên cho những người có nhu cầu sang Australia học tập, nhưng lại có tác động đến việc xin thường trú Australia (PR) của du học sinh sau khi tốt nghiệp. Theo ông Anthony Lee, Giám đốc công ty tư vấn luật OSANA, thay đổi này có thể khiến “dòng chảy du học có thể chững lại” trong ngắn hạn, còn xét về dài hạn thì sẽ không ảnh hưởng “vì khi đó, các sinh viên sẽ chọn trường và ngành học kĩ hơn, chuẩn bị tiếng Anh tốt hơn để thích ứng với những thay đổi về chính sách nếu họ thực sự muốn ở lại Australia”.

 

Lời khuyên của ông Anthony Lee đối với các du học sinh Việt Nam là “hãy coi đó là thử thách cần vượt qua và phải luôn có thêm phương án dự phòng khác”. Nếu chiến thắng, thực sự là niềm tự hào. Còn trong trường hợp không có được PR thì việc trở về Việt Nam cũng là một cơ hội tốt cho phát triển nghề nghiệp sau này.

 

Du học sinh quốc tế, trong đó có Việt Nam không chỉ đóng góp cho Australia về tài chính mà còn bổ sung tri thức và kỹ năng cho nguồn lao động vốn khan hiếm tại đây. Song, để thực sự là điểm đến hấp dẫn và an toàn cho du học sinh, theo giới quan sát, chính phủ Australia phải có biện pháp siết chặt quản lý hệ thống giáo dục tư nhân cũng như bảo vệ du học sinh.

 

Mặt khác, trước khi quyết định “hạ cánh” ở quốc gia nào trong hành trình du học của mình, các bạn cũng cần phải tìm hiểu thật kỹ về quốc gia đó, không nên chỉ dựa vào thông tin từ các trung tâm tư vấn du học hay cơ quan giáo dục của nước đó.

 

Hồng Phúc(tổng hợp)