Du học tại châu Âu là một lựa chọn tốt, đặc biệt khi các quốc gia thành viên đã nỗ lực tạo nên sự thống nhất tối đa từ hệ thống giáo dục, quy trình chuyển đổi và công nhận tín chỉ, văn bằng. (Nguồn: Vtcorp) |
Tiếp nối các bài báo đã thực hiện trong khuôn khổ dự án Recoasia, kỳ này nhóm nghiên cứu mong muốn thông tin đến bạn đọc, đặc biệt những người đang quan tâm đến du học tại các nước thành viên EU, sự hình thành, đặc điểm quan trọng nhất của Tiến trình Bologna – thỏa thuận cấp cao về cải cách giáo dục giữa các nước thành viên và cách thức hoạt động của hệ thống giáo dục các nước châu Âu, để hiểu rõ hơn về mục tiêu mình sắp lựa chọn. Để hoàn thành nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu đã tham khảo ý kiến chuyên môn của Giáo sư, Tiến sĩ Marco Abbiati, Tùy viên khoa học, Đại sứ quán Italy tại Hà Nội.
Tuyên bố Bologna - nâng cao khả năng cạnh tranh của giáo dục châu Âu
Tiến trình Bologna hay Tuyên bố Bologna (Bologna Process) là một chuỗi các hội thảo và thỏa thuận cấp cao bắt đầu từ năm 1999 nhằm đảm bảo khả năng đánh giá, thống nhất các tiêu chuẩn và chất lượng giáo dục bậc đại học, sau đại học giữa các nước châu Âu. Tiến trình này là thành quả hợp tác của 48 quốc gia châu Âu, Ủy Ban châu Âu, đông đảo thành viên ban cố vấn chuyên môn, đại diện chính quyền, cơ sở giáo dục đại học, tổ chức đảm bảo chất lượng và tổ chức quốc tế cũng như các bên quan tâm.
Mục tiêu quan trọng nhất của tiến trình là tạo ra Khu vực Giáo dục đại học châu Âu (European Higher Education Area) và hướng đến nâng cao khả năng cạnh tranh của hệ thống giáo dục châu Âu trên thế giới. Ngoài ra, trong Tuyên bố Bologna ban đầu năm 1999, tiến trình còn đặt ra các mục tiêu cụ thể như: đưa vào áp dụng hệ thống công nhận văn bằng rõ ràng và có khả năng so sánh thông qua Phụ lục văn bằng; sự thống nhất trong hệ thống tín chỉ dựa trên ECTS trong các lĩnh vực khác nhau; xóa bỏ các rào cản để tăng cường trao đổi sinh viên, giáo viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên, tăng cường sự hợp tác trong châu Âu về đánh giá chất lượng, phát triển các chương trình đạo tạo và nghiên cứu.
Tiến trình Bologna nhận được sự ủng hộ và tham gia của 48 nước với sự phân chia vai trò khác nhau. Vai trò chủ đạo là Nhóm Theo dõi Tiến trình gồm đại diện các nước ký kết và Ủy ban châu Âu. Vai trò cố vấn là EI - Tổ chức Giáo dục quốc tế Liên châu Âu, ENQA- Mạng lưới các cơ quan đảm bảo chất lượng, ESU- Cơ quan đại diện sinh viên, EURASHI- Đại diện lĩnh vực phi đại học, EUA- Hiệp hội các trường đại học châu Âu, UNESCO và Business Europe (Hiệp hội các nhà công nghiệp châu Âu). Tiến trình tham gia cụ thể của các thành viên như sau:
1999: Áo, Ba Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha, Bungary, CH. Czech, Đan Mạch, Đức, Estonia, Hà Lan, Hungary, Hy Lạp, Iceland, Ireland, Italy, Latvia, Litva, Luxemburg, Malta, Na Uy, Phần Lan, Pháp, Rumani, CH. Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Anh
2001: Cyprus, Croatia, Liechtenstein, Thổ Nhĩ Kỳ
2003: Albani, Bosnia và Herzegovina, CH. Marcedonia cũ, Nga, Serbia, Vatican
2005: Armenia, Azerbaijan, Georgia, Moldova, Ukraine
2007: Montenegro
2010: Kazakhstan
2015: Belarus
Đặt mục tiêu cụ thể và thống nhất toàn châu Âu
Ở cấp quốc tế, hoạt động hợp tác thông qua các cuộc họp hai năm/lần của các Bộ trưởng Giáo dục cùng với các hội thảo xen giữa cũng tổ chức hai năm/lần của Nhóm Theo dõi Tiến trình và các hội thảo có tên “Bologna” ở các quốc gia khác nhau thuộc châu Âu nhằm đánh giá những hoạt động đã thực hiện, xem xét các vấn đề tồn tại và đề xuất các hình thức hoạt động mới.
Ở cấp quốc gia, Tiến trình Bologna yêu cầu sự hợp tác, tham gia của chính phủ, đại diện là Bộ trưởng bộ chủ quản, Hiệu trưởng, các Hiệp hội giáo dục, tổ chức sinh viên, cơ quan đảm bảo chất lượng, Hiệp hội Doanh nghiệp với mục tiêu cụ thể là cải cách hệ thống đào tạo theo hướng tiệm cận với mục tiêu chung của tiến trình Bologna thông qua việc điều chỉnh cấu trúc văn bằng, chương trình đào tạo, áp dụng hệ thống tín chỉ, thúc đẩy trao đổi sinh viên, giảng viên và nhân viên hành chính- kỹ thuật.
Ở các cấp cở sở đào tạo, Dự án yêu cầu sự tham gia của các phòng, khoa, ban và các tổ chức khác với vai trò cơ bản là của đội ngũ giảng dạy trực tiếp, những người chịu trách nhiệm áp dụng các nguyên tắc của tiến trình ở cấp độ trường.
Hội nghị Bộ trưởng ở Praha (2001) đã thống nhất các mục tiêu mới liên quan đến vai trò của các trường và sinh viên đã được công nhận trong quá trình thực hiện mục tiêu chung của tiến trình; khẳng định lại quy mô xã hội của tiến trình Bologna và tái khẳng định nguyên tắc giáo dục đại học là công ích và trách nhiệm cộng đồng.
Cuộc gặp của 40 bộ trưởng ở Berlin (2003) đã bổ sung một mục tiêu quan trọng vào tiến trình liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu đó là chu kỳ 3- đào tạo tiến sĩ và thống nhất đánh giá các tiêu chí về hệ thống hai chu kỳ, đảm bảo chất lượng; công nhận văn bằng và các giai đoạn đào tạo tại cuộc họp tiếp theo Bergen. Để đạt được mục tiêu này, họ đã ủy quyền cho Nhóm theo dõi Bologna thực hiện phân tích so sánh các kết quả thu được trong ba lĩnh vực trên của các quốc gia tham gia và thực hiện một nghiên cứu chuyên sâu về hai chủ đề cụ thể: các tiêu chí và hướng dẫn chung về đảm bảo chất lượng với sự hỗ trợ của ENQA (Mạng lưới các Cơ quan Đảm bảo chất lượng châu Âu); khung tham chiếu châu Âu về trình độ đào tạo - dựa trên khối lượng công việc, trình độ, kết quả học tập, kỹ năng và hồ sơ nghề nghiệp.
Tại Hội nghị Bergen (2005), các Bộ trưởng ưu tiên các mục tiêu sau cho giai đoạn 2005-2007 liên quan đến sự gắn kết giữa đào tạo và nghiên cứu, đào tạo tiến sĩ; quy mô xã hội của tiến trình Bologna; trao đổi sinh viên, giảng viên trong các quốc gia thành viên; quan hệ giữa Khu vực Giáo dục Đại học Châu Âu với các nước ngoài khu vực.
Đến Hội nghị ở London (2007), các bộ trưởng tập trung vào lĩnh vực công nhận văn bằng, thông qua phân tích của mạng lưới ENIC – NARIC, các kế hoạch hành động về công nhận văn bằng tương đương; hợp tác giữa các nước trong châu Âu về đảm bảo chất lượng, thông qua việc thành lập văn phòng phụ trách đăng ký cho các cơ quan đánh giá chất lượng (thành lập năm 2008); áp dụng chiến lược do Nhóm theo dõi chuẩn bị để mở rộng mô hình giáo dục của khu vực châu Âu ra thế giới.
Hội nghị ở Leuven (2009), các bộ trưởng ưu tiên thảo luận vấn đề trao đổi sinh viên và giảng viên, với chỉ tiêu đặt ra đến năm 2020 sinh viên tốt nghiệp được đi trao đổi phải đạt là 20%; xác định mục tiêu học tập suốt đời, đặc biệt là gắn với nghiên cứu và đổi mới, thực hiện đầy đủ cải cách các chu trình ở cấp độ cơ sở đào tạo và tính tập trung của quy mô xã hội.
Các Bộ trưởng cũng nhất trí về sự cần thiết phải tiếp tục hợp tác tốt hơn sau năm 2010, hoãn việc xem xét các thách thức phải đối mặt để đến cuộc họp sau và về cơ hội tổ chức sự kiện kỷ niệm Khu vực châu Âu vào năm 2010.