📞

Du học ở Mỹ: Cơ hội trong tình hình mới

AN VŨ 11:00 | 10/04/2021
Dịch bệnh Covid-19 và phong trào bài xích người gốc châu Á đang ảnh hưởng không nhỏ đến người Việt tại Mỹ. Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Thanh Tùng - Giáo sư tập sự tại Đại học Auburn, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang mang lại những cơ hội mới cho du học sinh.
Giáo sư tập sự Nguyễn Thanh Tùng. (Ảnh: NVCC)

Nước Mỹ có nguy cơ bước vào làn sóng dịch bệnh Covid-19 thứ tư. Tình hình dịch bệnh hẳn còn ảnh hưởng nhiều đến người Việt, đặc biệt tới đời sống của du học sinh Việt Nam và cả công việc giảng dạy của anh?

Dịch bệnh Covid-19 ở Mỹ lan rộng, không được kiểm soát nên ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống và công việc của tôi cũng như các du học sinh Việt Nam.

Tôi bắt đầu làm việc tại Đại học Auburn ở tiểu bang Alabama, khu vực Đông Nam của Mỹ từ năm 2017. Đại học Auburn được xếp hạng 97 trong số các trường đại học lớn nhất của Mỹ và là trường xếp hạng Nhất của tiểu bang Alabama.

Ở Auburn, tôi làm Giáo sư tập sự (assistant professor) ngành Công nghệ thông tin (CNTT), đến nay cũng gần được bốn năm. Hiện trường đại học của tôi đã chuyển sang học trực tuyến hoàn toàn. Tôi không gặp mặt trực tiếp với sinh viên, kể cả các nghiên cứu sinh, mà chỉ làm việc qua mạng. Do đó, hiệu quả nghiên cứu và giảng dạy giảm sút nhiều.

Một nghiên cứu sinh đang làm việc cùng tôi phải xin nghỉ để trở về Việt Nam vì có bệnh nền liên quan đến đường hô hấp, nếu không may bị nhiễm Covid-19 thì có thể nguy hiểm tới tính mạng.

Khí hậu vùng Alabama nóng ẩm giống miền Bắc Việt Nam nên cuộc sống của tôi và gia đình khá thuận lợi. Tuy nhiên, dịch bệnh khiến các bé nhà tôi chuyển sang học online, suốt cả năm chỉ gặp thầy cô, bạn bè qua máy tính.

Chúng tôi cũng sống rất khép kín, ít khi ra khỏi nhà hoặc đến các nơi công cộng như công viên, thư viện, nhà hàng... để tránh tiếp xúc với người lạ.

Người ta cũng nói "trong nguy có cơ”, vậy những giảng viên và du học sinh Việt Nam đã vượt qua khó khăn để có thể tìm kiếm những cơ hội mới?

Do giãn cách xã hội, giảng viên và du học sinh Việt Nam đã tận dụng nhiều hoạt động trực tuyến hơn để học hỏi và chia sẻ kiến thức hơn. Ví dụ các bạn mở các kênh video trực tuyến trên Youtube hay các hội nhóm trên Facebook. Nhiều công ty cũng cho phép thực tập sinh làm việc từ xa, do đó các bạn sinh viên có thể xin làm thực tập mà không cần rời khỏi nhà.

Đặc biệt, nhiều bạn có cơ hội để tìm hiểu về thị trường tài chính, chứng khoán, tiền kỹ thuật số (crypto currencies). Những kiến thức và kinh nghiệm đó đã giúp nhiều bạn tham gia giao dịch và đầu tư ở các thị trường đó để tăng thu nhập.

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden và đảng Dân chủ đang có những chính sách rất lớn cho sự phát triển của nước Mỹ. Ví dụ, họ đang dự định dành 2.300 tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng cho nước Mỹ.

Những năm qua anh vẫn trực tiếp tuyển chọn và hỗ trợ cấp học bổng cho các du học sinh Việt Nam tới Mỹ?

Tôi nghiên cứu và phát triển các công cụ thông minh, dựa trên trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence) và khai phá dữ liệu (data mining) để giúp đỡ con người trong các tác vụ phức tạp. Trước đây, tôi hướng tới phục vụ công việc lập trình phần mềm, vì đó là công việc quan trọng, phức tạp, đòi hỏi kỹ năng cao và dễ sai sót.

Hiện nay, tôi đang phát triển các hệ thống thông minh phục vụ con người trong giao dịch tài chính, chứng khoán, tiền kỹ thuật số vì đây cũng là những công việc quan trọng, phức tạp, đòi hỏi kỹ năng cao và dễ sai sót.

Tôi luôn dành sự ưu ái cho đồng hương nên vẫn liên tục tuyển chọn và hỗ trợ cấp học bổng cho các du học sinh Việt Nam tới Mỹ. Tất cả các nghiên cứu sinh tiến sĩ do tôi hướng dẫn đều là người Việt từng học tập tại các trường đại học trong nước của Việt Nam. Hiện có hai bạn sắp hoàn thành chương trình nghiên cứu nên tôi đang tiếp tục tuyển thêm nghiên cứu sinh.

Vậy đâu là những thách thức với du học Mỹ trong tình hình hiện nay?

Hiện có nhiều thách thức khiến nhiều sinh viên Việt Nam không còn hào hứng tới Mỹ du học tiến sĩ ngành CNTT. Đầu tiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 không được kiểm soát tốt ở Mỹ và số lượng người nhiễm bệnh và chết vì bệnh dịch lớn nhất thế giới khiến rất nhiều sinh viên và các bậc phụ huynh Việt Nam lo ngại. Thêm vào đó, phong trào phân biệt chủng tộc, bài xích người gốc châu Á đang trở nên nguy hiểm hơn ở Mỹ.

Cuối cùng là ngành CNTT đang cần nguồn nhân lực rất lớn ở Việt Nam. Rất nhiều bạn cho rằng cơ hội làm việc ở Việt Nam tốt hơn so với việc đào tạo chuyên sâu bậc tiến sĩ ở Mỹ nên lựa chọn ở lại Việt Nam làm việc hay mở các công ty khởi nghiệp chứ không sang Mỹ học.

Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden liệu có những chính sách giáo dục mới? Anh có lời khuyên gì cho những sinh viên Việt Nam muốn theo học ở Mỹ, đặc biệt trong tình hình mới hiện nay?

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden và đảng Dân chủ đang có những chính sách rất lớn cho sự phát triển của nước Mỹ. Ví dụ, họ đang dự định dành 2.300 tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng cho nước Mỹ.

Chương trình này sẽ cần lượng nhân lực rất lớn cho nghiên cứu và phát triển các ngành công nghệ cao. Ví dụ, họ dự định chi 50 tỷ USD để nghiên cứu về công nghệ bán dẫn và tính toán nâng cao, 180 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển năng lượng sạch và 174 tỷ USD cho hỗ trợ phát triển và vận hành xe điện.

Đảng Dân chủ cũng thường có chính sách rất cởi mở với người nhập cư. Hơn nữa, vaccine phòng Covid-19 cũng đang được triển khai rất nhanh ở Mỹ và chính quyền dự tính tới tháng 5/2021, toàn bộ người từ 16 tuổi trở lên ở Mỹ đều có thể tiêm vaccine miễn phí.

Vì vậy, tôi cho rằng đây là cơ hội rất tốt cho các du học sinh Việt Nam theo học tại Mỹ, đặc biệt là các ngành công nghệ cao liên quan đến công nghệ thông tin, môi trường, năng lượng mới, tự động hoá, sinh học phân tử.

Anh Nguyễn Thanh Tùng sinh năm 1982 tại Quảng Ninh, từng tốt nghiệp thủ khoa và làm giảng viên ngành Tin học tại Đại học Sư phạm Hà Nội, tốt nghiệp Tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật máy tính tại Đại học Bang Iowa rồi trở thành Giáo sư tập sự tại Đại học Bang Utah (Mỹ).

Hiện anh đang làm việc tại Đại học Auburn. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng nghiên cứu và phát triển các công cụ thông minh, dựa trên trí tuệ nhân tạo và khai phá dữ liệu để giúp đỡ con người trong các tác vụ phức tạp.

Anh cùng các cộng sự đã công bố gần 70 bài báo khoa học tại các hội nghị và tạp chí khoa học uy tín của ngành Công nghệ Phần mềm và đạt một số giải thưởng dành cho công trình khoa học xuất sắc.

(thực hiện)