Du khách nước ngoài trải nghiệm ‘tay lấm bùn’ ở làng gốm Thanh Hà
Nguyễn Hồng
06:23 | 03/08/2023
Những du khách nước ngoài tận mắt chứng kiến những người thợ ở làng gốm Thanh Hà (Hội An, Quảng Nam) chế tạo sản phẩm rồi thích thú bắt chước làm theo.
|
Nghề gốm Thanh Hà được hình thành từ thế kỷ XVI, có địa bàn sản xuất tập trung ở ấp Nam Diêu, làng Thanh Hà, nằm ven tả ngạn hạ lưu sông Thu Bồn, Hội An khoảng 3km về phía Tây. |
|
Từ xa xưa, dân gian xứ Quảng đã phản ánh sự phát triển sôi động của nghề gốm Thanh Hà qua câu ca: “Lửa chi lửa rực sáng lòa/ Nghề gốm, nghề gạch Thanh Hà là đây”. |
|
Theo lịch sử, cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là một trong những giai đoạn ghi dấu nghề gốm Thanh Hà hưng thịnh. |
|
Theo các vị tiền bối ở làng gốm Thanh Hà, vào nửa đầu thế kỷ XX, có ít nhất 30-40 bàn xoay chuốt gốm, 10 hộ buôn gốm có ghe bầu, hàng trăm người tham gia làm gốm, nhiều hộ làm gốm dựng được nhà ngói ba gian, năm gian. |
|
Để làm nên một sản phẩm gốm, khi đất lấy về, người thợ phải trộn, xéo, nề, ủ đất cho đến khi đất nhuyễn mịn như bột bánh mới nắn thành sản phẩm. Sản phẩm sau khi đã tạo hình xong để cho se lại, sờ tay vào không thấy dính thì mang ra ngoài nắng phơi, hoặc hong nơi góc bếp cho khô mới nung. |
|
Trải qua thời gian, chiến tranh, cùng sự hiện đại hoá, sức tiêu thụ sành, gốm suy giảm hẳn đi. Nhiều thợ gốm chuyển sang làm gạch, ngói, các tay chuốt, thợ lò cao tuổi nghỉ việc dần, thanh niên lại không mặn mà với nghiệp gốm. |
|
Thế nhưng nhiều thợ gốm tâm huyết với nghề đã cố công tìm giải pháp khôi phục sản xuất. Trong gần chục năm trở lại đây, làng gốm Thanh Hà vươn lên phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, nhất là từ khi Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới. |
|
Hiện nay, tại Thanh Hà có 32 hộ với 67 lao động tham gia sản xuất gốm bao gồm gốm truyền thống, gốm mỹ nghệ và gốm lưu niệm. |
|
Các sản phẩm Thanh Hà sản xuất chủ yếu là đồ dùng đời sống sinh hoạt hằng ngày như chén, bát, chum, vại, bình hoa… với nhiều kiểu dáng, màu sắc và đặc biệt nhẹ hơn so với các sản phẩm cùng loại của các làng gốm khác. |
|
Hiện nay, tại Thanh Hà, người dân không chỉ sản xuất để lưu giữ nghề truyền thống mà còn phục dựng lại kỹ thuật làm gốm cổ xưa và cho du khách trải nghiệm. Chính vì vậy, đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan và được tận hưởng cảm giác ‘tay lấm bùn’ như người bản địa. |
|
Thăm làng gốm cũng là cơ hội để du khách mua những sản phẩm lưu niệm cho riêng mình. |