Rừng đước ở Cà Mau. (Ảnh: Huỳnh Lâm/Cà Mau Tourism) |
Cà Mau là một trong 4 tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là mảnh đất có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch.
Tỉnh đã và đang đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại, các dự án phát triển khu, điểm du lịch trọng tâm của tỉnh. Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng trên cơ sở khai thác giá trị tài nguyên tự nhiên gắn với phát huy giá trị di sản văn hóa. Từ đó, đưa du lịch trở thành trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tận dụng lợi thế, tăng sức hấp dẫn
Cà Mau sở hữu 2 Vườn Quốc gia (Mũi Cà Mau, U Minh hạ) được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển và khu Ramsa thế giới, với hệ sinh thái đa dạng, phong phú, với trên 200 loài thủy sản của hệ sinh thái mặn, lợ, ngọt… đã tạo cho Cà Mau tiềm năng du lịch rất lớn.
Vùng đất này hội tụ nhiều đặc điểm để phát triển du lịch sinh thái như rừng, biển, thủy hải sản; giao thông thủy, cảnh quan thiên nhiên, truyền thống lịch sử cách mạng, lễ hội truyền thống dân gian đặc sắc...
Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, tính đến ngày 13/9/2024, Cà Mau đã đón hơn hơn 1,6 triệu lượt khách và doanh thu vượt 2.300 tỷ đồng chỉ trong 9 tháng đầu năm 2024.
Cột cờ Hà Nội tại Đất Mũi. (Ảnh: Chu Đức Việt) |
Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện có hiệu quả Chương trình sự kiện “Cà Mau điểm đến năm 2024”; Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Cà Mau năm 2024 và Chương trình xúc tiến Du lịch năm 2024. Cà Mau tham gia các sự kiện về du lịch do các tỉnh, thành phố tổ chức như giới thiệu điểm đến Du lịch Cà Mau tại Hà Nội, Ngày hội du lịch TP. Hồ Chí Minh 2024, Hội chợ du lịch quốc tế VITM HaNoi 2024, Liên hoan Du lịch Biển Nha Trang 2024…
Theo ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, nhờ sự chuẩn bị chu đáo và các hoạt động tại các khu du lịch, địa điểm tham quan trong tỉnh, du khách đã có những trải nghiệm thú vị, độc đáo.
Các khu du lịch nổi tiếng như Đất Mũi, Thư Duy và Sông Trẹm đã được nâng cấp, sửa chữa và chỉnh trang, thu hút sự quan tâm của nhiều du khách.
Từ những thành công đã đạt được, ông Trần Hiếu Hùng cho rằng, để du lịch tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm 2025 và các năm tới, Cà Mau phải nỗ lực hơn nữa. Ngoài việc củng cố những thành tựu đã có, tỉnh cần sáng tạo và khai thác tối đa các tiềm năng du lịch địa phương.
“Những năm tiếp theo, ngành du lịch Cà Mau đẩy mạnh khai thác tốt hơn tài nguyên du lịch theo hướng du lịch xanh, tạo tính hấp dẫn cho sản phẩm du lịch. Tổ chức các sự kiện, hoạt động kích cầu du lịch; tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ theo hướng chuyên nghiệp”, ông Trần Hiếu Hùng nhấn mạnh.
Thời gian tới, để tăng sức hấp dẫn của du lịch địa phương, thu hút du khách trong và ngoài nước tiếp tục đến Cà Mau, ngành du lịch tỉnh tiếp tục xây dựng nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau. Triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.
Ngư dân đặt nò trên đầm Thị Tường. (Ảnh: Nguyễn Thanh Dũng/Cà Mau Tourism) |
Đưa du lịch lên tầm cao mới
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Khoa học và Công nghệ; UBND các huyện, TP. Cà Mau; Hiệp hội Du lịch tỉnh Cà Mau triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới.
Tất cả hướng đến việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản địa đặc sắc, cảnh quan tự nhiên độc đáo cho phát triển du lịch bền vững. Bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch, chú trọng vấn đề vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Khuyến khích sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong xây dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, mến khách theo phương châm “Mỗi người dân là một đại sứ du lịch”.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ bảo vệ môi trường, trồng và phát triển hệ thống cây xanh cảnh quan ở các khu du lịch, các đô thị và vùng nông thôn. Nâng cao ý thức của người dân gắn với giáo dục môi trường và bảo tồn, tôn tạo các di tích văn hóa - lịch sử, cảnh quan thiên nhiên.
Nghiên cứu, quy hoạch khu vực phát triển kinh tế đêm gắn với dịch vụ du lịch. Phát triển đa dạng các dịch vụ, sản phẩm du lịch về đêm tại các khu vực tập trung đông khách du lịch của địa phương.
Theo các chuyên gia, để đưa du lịch lên tầm cao mới, Cà Mau nên tập trung khai thác có hiệu quả các thế mạnh của địa phương. Chú trọng phát triển du lịch theo hướng bền vững, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường, giữ gìn sinh thái, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa du lịch, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư và huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch.
Cà Mau ghi dấu ấn trên bản đồ du lịch Việt Nam và trên thế giới. (Ảnh: Cà Mau Tourism) |
Đồng thời, nâng cao chất lượng và đa dạng hoá sản phẩm, dịch vụ du lịch; tạo dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc có tính cạnh tranh cao và hấp dẫn du khách. Muốn nâng được vị thế của du lịch, phải xây dựng được điểm đến hấp dẫn, độc đáo và mến khách. Trong đó, sản phẩm du lịch trọng tâm mang tính cạnh tranh là du lịch địa lý; du lịch biển, đảo; du lịch sinh thái gắn với hệ thống rừng ngập và du lịch nông nghiệp.
Quan tâm đặc biệt đến thị trường khách du lịch nội địa, do đây là nguồn khách thường xuyên và quan tâm nhiều đến vị trí Mũi Cà Mau. Coi trọng thị trường khách du lịch quốc tế trong tương lai. Có kế hoạch xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược tham gia các dự án du lịch, khu vui chơi giải trí... mang tính động lực để thúc đẩy phát triển du lịch.
Ngoài ra, xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các sản phẩm du lịch mới. Đầu tư vào khai thác văn hóa bản địa cho phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch biển đảo, du lịch nông nghiệp và làng nghề truyền thống.
Các chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch đã mở ra nhiều cơ hội, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của Cà Mau theo hướng bền vững, từng bước đưa Cà Mau ghi dấu ấn trên bản đồ du lịch Việt Nam và trên thế giới.