📞

Du lịch Israel: Biển Chết “hút” người sống

09:55 | 25/04/2008
Mặc dù phải thường xuyên tập trung cho vấn đề an ninh do vẫn ở trong tình trạng chiến tranh với láng giềng và phải đối phó với các nguy cơ khủng bố, Israel đã thành công trong phát triển ngành du lịch mà Biển Chết là một mũi nhọn.
Tác giả tại khu di tích Qumran, gần Biển Chết.

Từ nhận thức chung...

Trong một nội các khá gọn nhẹ với 20 thành viên, điều ít ai ngờ tới là Israel có cả một Bộ chuyên về du lịch. Đáng chú ý, Israel không chỉ coi đây là một ngành công nghiệp có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, giúp cân đối cán cân thanh toán, thu hút đầu tư nước ngoài và người di cư từ các nước tới..., mà còn có chiến lược dùng ngành du lịch như một đòn bẩy thúc đẩy phát triển đồng đều các vùng và tạo nhiều công ăn việc làm; và là một công cụ đặc biệt để chuyển tải, cung cấp thông tin định hướng dư luận có cái nhìn tích cực về đất nước và con người Do thái trên mảnh đất này.

Israel có khá nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Tuy vậy, người Israel vẫn ý thức rất rõ rằng do vị thế đặc biệt của nhà nước Do thái, họ không thể chỉ dựa vào cách thức truyền thống để phát triển du lịch. Thực tế là người Israel phải tìm cách tiếp cận riêng. Đáng chú ý, từ cuối năm 2000, do lâm vào tình hình chiến tranh và bị khủng bố ở nhiều nơi, Israel chủ trương đẩy mạnh sử dụng đề tài chống khủng bố quốc tế và tranh thủ sự cảm thông và tình đoàn kết của dư luận đối với lịch sử của người Do thái để thu hút khách đến thăm. Israel rất tích cực sử dụng các tổ chức Do thái và nhà thờ Thiên chúa giáo tại các nước phương Tây để thúc đẩy du khách đến thăm Nhà nước Do thái này vì cả mục tiêu kinh tế và chính trị.

...đến kết quả cụ thể

Năm 2000 được coi là đỉnh điểm phát triển của du lịch Israel với tổng số khách nước ngoài là 2,41 triệu người (hơn 1/3 tổng số dân nước này), đem lại số tiền là 3,8 tỷ USD. Du khách Âu-Mỹ chiếm tới 90%, trong đó chủ yếu là người Mỹ và Anh, những đồng minh thân cận nhất của Israel. Việc du khách các nước này đến Israel nhiều còn giúp củng cố sự đồng tình, ủng hộ của Chính phủ Mỹ và các nước phương Tây đối với đất nước và các chính sách của Nhà nước Do thái.

Sau năm 2000, do những bất ổn về an ninh trước sự nổi dậy của phong trào kháng chiến Palestine và các chiến dịch trả đũa của quân đội Israel, du lịch Israel đã bị ảnh hưởng nặng nề. Lượng du khách đến trong năm 2001 đã giảm chỉ còn một nửa. Từ 2004 lại đây, du lịch Israel đã dần dần khởi sắc và phát triển trở lại với lượng khách Mỹ tăng nhanh nhất. Trong năm 2008, dự kiến sẽ có tới 700.000 người Mỹ tới thăm Israel; còn người Anh là khoảng 150.000.

Phát triển du lịch để thu hút người nhập cư, trước hết là người gốc Do thái từ các nước Liên Xô - Đông Âu cũ, cũng là một nét đặc thù của du lịch Israel. Năm 1948, khi Nhà nước Do thái ra đời, dân số Israel mới trên 3 triệu; nay đã là 7 triệu. Riêng từ năm 1980 đến nay, dân số Israel tăng thêm trên 2 triệu người, chủ yếu là nhờ làn sóng di cư của người Do thái từ các nước thuộc Liên Xô cũ và Đông Âu.

Những địa danh nổi tiếng

Du khách đến Israel sẽ được thăm những danh lam thắng cảnh khó tìm được ở những nơi khác. Các điểm đến hấp dẫn khách du lịch trải khắp đất nước, ngoài nắng và gió biển, du khách còn được dịp tìm hiểu về khảo cổ học, lịch sử-tôn giáo-chính trị…

Là một quốc gia bên bờ Địa Trung Hải và Biển Đỏ với những bãi tắm quyến rũ và nhà nghỉ hiện đại, Israel cũng là nơi nghỉ hè ưa thích của nhiều du khách. Thành phố cổ Jaffa với vị trí chiến lược đặc biệt đã từng là điểm dừng của nhiều dòng người và tàu thuyền cả của những người Ai Cập cổ đại lẫn quân viễn chinh Napoleon. Tiếp đó là Tel Aviv, trung tâm thương mại và tài chính số 1 của Israel, đồng thời cũng là nơi đặt trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao của các nước. Lên phía Bắc nữa là thành phố cảng Haifa vừa giàu dấu tích lịch sử, vừa hiện đại và là nơi đặt đại bản doanh của các công ty hóa dầu lớn...

Nhưng thành phố lớn nhất, đặc biệt nhất của Israel chính là Jerusalem. Với bề dày lịch sử nhiều ngàn năm và có sự đan xen, hòa trộn của các nền văn hóa, tôn giáo và dân tộc, Jerusalem là điểm du lịch không thể bỏ qua. Đây cũng là nơi Nhà nước Do thái đặt trụ sở Quốc hội và Chính phủ, dù không được quốc tế công nhận là thủ đô. Tới Jerusalem, du khách sẽ hiểu được cả lịch sử và hiện tại của đất nước này.

Đi tiếp về phía Tây là Qumran, một vùng đất rộng nhưng khô cằn, nơi được coi là một cái nôi của người Do thái. Và đó là sông Jordan, con sông linh thiêng vào loại nhất thế giới, bắt nguồn từ núi Hermon và chảy ra biển Galilee, đến Jericho...

và Biển Chết trước nguy cơ… chết!

Do nước từ sông Jordan tạo thành, gọi là “biển” nhưng Biển Chết thực ra chỉ như một cái hồ lớn vì bề mặt rộng có 810 km2. Gọi là “chết” vì độ mặn cao gấp 9 lần mức ở Địa Trung Hải, không sinh vật nào sống được. Biển Chết là một điểm tham quan không một du khách nào muốn bỏ qua. Do khí hậu quanh năm nắng nóng, không khí đặc biệt trong lành và nồng độ tia cực tím rất thấp, nên việc thả mình trên mặt biển và tắm bùn đầy khoáng chất ở đây được cho là có tác dụng chữa bệnh rất hiệu nghiệm, nhất là đối với những người có vấn đề về hô hấp, bệnh ngoài da hoặc viêm khớp. Biển Chết còn đem lại nhiều nguồn lợi kinh tế khác. Đó là việc chế biến bùn thành các sản phẩm dưỡng da có tín nhiệm, khai thác công nghiệp các loại muối khoáng và sản xuất xút công nghiệp, nhựa đường...

Biển Chết là nơi thấp nhất thế giới, thấp hơn mặt nước biển 420m. Hiện nay, do lượng nước sông Jordan đổ vào ngày một ít đi và lượng nước mưa cũng giảm, mặt nước ở Biển Chết mỗi năm sụt thêm 1m. Để khắc phục, các bên liên quan đã tính chuyện đào kênh đưa nước từ Địa Trung Hải vào. Trong khi chưa có phương án nào được triển khai, Biển Chết đang đứng trước nguy cơ chết dần do nước không ngừng bốc hơi, nhưng không được bù đắp kịp thời.

Đến Biển Chết vào một ngày cuối tháng 3, dù không phải là cao điểm nhưng bãi đỗ xe và các nhà hàng, nhà nghỉ đều đã chật cứng. Hy vọng là Biển Chết sẽ không chết để những người chưa kịp đến hôm nay có cơ hội được tới thăm trong tương lai.

Ngô Tiến