Sắc màu của các khinh khí cầu quốc tế tại quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Tuyên Quang, tháng 3/2022. (Nguồn: TTXVN) |
Chắc hẳn đến nay, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh cũng như du khách trong và ngoài nước vẫn còn nhớ không khí sôi động của Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế lần đầu tiên diễn ra tại Tuyên Quang vào cuối tháng Ba vừa qua. Đây là sự kiện mở màn cho Năm du lịch Tuyên Quang 2022, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với xứ Tuyên.
Không lâu sau, trang Buzzmetrics.com - đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực phân tích người dùng mạng xã hội cũng như các chỉ số truyền thông đã công bố top 10 sự kiện nổi bật nhất trên Social Media tháng 3/2022, trong đó Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế tại Tuyên Quang được xếp ở vị trí thứ 3, với gần 16.000 bài viết và thảo luận. Kết quả bình chọn cho thấy lễ hội thực sự có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần quảng bá du lịch Tuyên Quang.
Làm mới “đặc sản”
Không chỉ mang đến trải nghiệm “mãn nhãn” từ trên khinh khí cầu giữa bồng bềnh mây núi, thời gian qua, Tuyên Quang còn “chào hàng” nhiều “đặc sản” khác như Bơi mảng - Hát Then trên hồ Nà Nưa, Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn, Giải đua thuyền Kayak, Trải nghiệm lòng hồ sinh thái Lâm Bình, Hội trại về nguồn tại Tân Trào… để lại nhiều ấn tượng với du khách. Tất nhiên, không thể thiếu các hoạt động du lịch trải nghiệm về nguồn, trải nghiệm nông nghiệp, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng… vốn là thế mạnh tiềm năng của tỉnh.
Bơi mảng - Hát Then trên hồ Nà Nưa thuộc Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào, Ban Quản lý các Khu du lịch tỉnh Tuyên Quang. (Nguồn: TTXVN) |
Bà Âu Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang cho biết, phát triển du lịch được Tuyên Quang xác định là một trong ba khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025. “Mắt xích” quan trọng nhất để phục hồi ngành du lịch tỉnh trong năm 2022 là tập trung thu hút khách du lịch nội địa làm chủ đạo, tạo điều kiện để người dân trong, ngoài tỉnh tham quan, trải nghiệm các khu, điểm du lịch trong tỉnh, đồng thời xây dựng hình ảnh du lịch “Tuyên Quang điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn” đối với du khách trong và ngoài nước.
Do đó, tỉnh tiếp tục thu hút đầu tư phát triển hạ tầng, kinh doanh dịch vụ du lịch tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào - Thủ đô kháng chiến, Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Bình (huyện Chiêm Hóa), Danh thắng quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình... Tỉnh triển khai có hiệu quả Đề án du lịch thông minh; phát huy các sản phẩm du lịch hiện có, tiếp tục xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt; xây dựng và khẳng định thương hiệu du lịch Tuyên Quang trên bản đồ du lịch Việt Nam…
Những nỗ lực làm mới du lịch tỉnh nhà đã bước đầu mang lại “quả ngọt”. Lượng du khách đến Tuyên Quang dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 tăng đột biến, hình ảnh đất và người xứ Tuyên đã được phủ sóng rộng khắp cả nước… Các địa điểm du lịch như Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình… ngày càng thu hút đông đảo du khách đến tham quan.
Tuyên Quang phấn đấu năm 2022 đón hơn 2,2 triệu lượt khách du lịch, doanh thu xã hội về du lịch đạt hơn 2.300 tỷ đồng. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu đón trên 3 triệu lượt khách du lịch, tổng thu xã hội từ du lịch đạt trên 4.800 tỷ đồng, đóng góp cho GRDP từ 6% trở lên, tạo việc làm cho trên 25.000 lao động. Đến năm 2030, Tuyên Quang phấn đấu đón trên 5,5 triệu lượt khách du lịch, đóng góp vào GRDP toàn tỉnh từ 10% trở lên, tạo việc làm cho trên 35.000 lao động. |
Điểm nhấn tháng 9
Trong những ngày này, Tuyên Quang một lần nữa trở thành tâm điểm của truyền thông, đặc biệt là trong các chuyên mục “đi đâu, chơi gì dịp Quốc khánh”. Từ khóa được tìm kiếm nhiều là “Lễ hội thành Tuyên”.
Tái khởi động sau gần 2 năm tạm dừng vì dịch bệnh Covid-19, Lễ hội thành Tuyên năm nay được đánh giá là “đặc biệt” với chuỗi sự kiện chưa từng có, được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, sẵn sàng mang tới cho nhân dân và du khách những trải nghiệm thú vị.
Trong đó, đặc sắc nhất phải kể tới đó là Lễ đón nhận Bằng ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội thành Tuyên năm 2022 vào tối nay (3/9) tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Tuyên Quang. Ngoài Tuyên Quang, Lễ đón nhận Bằng ghi danh có sự tham gia của 10 tỉnh có di sản Thực hành Then là Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Điện Biên, Lai Châu và Lào Cai.
Không khí Trung thu ngập tràn trên các con phố ở Tuyên Quang. (Nguồn: TTXVN) |
Hoạt động sôi động và thu hút nhất của Lễ hội chính là Đêm hội thành Tuyên cũng diễn ra tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành vào tối ngày 4/9. Ngoài chương trình nghệ thuật hấp dẫn với chủ đề “Lung linh sắc màu đêm hội Thành Tuyên”, đêm hội có sự góp mặt của hàng chục 50 mô hình đèn Trung thu được tuyển chọn qua các cuộc thi ở các huyện, thành phố…
Trên thực tế, mặc dù chưa chính thức bước vào Đêm hội, nhưng từ hơn một tháng nay, không khí Trung thu đã ngập tràn trên các tuyến phố, đặc biệt là sự háo hứng, thích thú của trẻ em khi ngồi trên xe mô hình lung linh sắc màu. Các con phố lấp lánh ánh đèn từ những mô hình khổng lồ, nhiều màu sắc mô phỏng sinh động những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, thể hiện những nhân vật, sự kiện văn hóa, lịch sử, câu chuyện dân gian, cổ tích, truyền thuyết, ngụ ngôn…
Cùng với một chuỗi hoạt động hấp dẫn khác như vòng chung kết cuộc thi Người đẹp xứ Tuyên, chương trình Trưng bày, giới thiệu ẩm thực các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, lễ hội bia Hà Nội, Hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch 11 tỉnh, Hội chợ Thương mại - du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2022, Chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang…, Tuyên Quang thực sự là một điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, Tuyên Quang là vùng đất “sơn thủy hữu tình”, nhiều danh lam, thắng cảnh, tiêu biểu là Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình nằm giữa những cánh rừng nguyên sinh đại ngàn, dọc đôi bờ sông Gâm và sông Năng. Tuyên Quang có hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động, thực vật quý hiếm, hệ thống hang động, thác nước độc đáo, kỳ thú, những dãy núi trùng điệp nối tiếp nhau và những đảo đá vôi được ví như “Vịnh Hạ Long trên núi”; những mùa hoa lê, hoa mộc miên, mùa lúa vàng trên những ruộng bậc thang của huyện Na Hang, Lâm Bình; vẻ đẹp nguyên sơ, thơ mộng của danh thắng quốc gia thác Bản Ba, Chiêm Hoá hay Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm, thành phố Tuyên Quang được đánh giá là một trong số ít những mỏ khoáng tốt nhất tại miền Bắc nước ta… Ở Tuyên Quang, nhiều di sản văn hóa truyền thống các dân tộc được vinh danh, điển hình là “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đặc biệt, trong những năm qua, Lễ hội thành Tuyên với nhiều mô hình đèn Trung thu nổi tiếng đã trở thành thương hiệu của Tuyên Quang. Du khách đến với Tuyên Quang không chỉ được trải nghiệm, tham quan, sử dụng dịch vụ, tìm hiểu phong tục, văn hóa mà cảm nhận được hơi ấm tình người xứ Tuyên. Đây là điều riêng có trong mục tiêu phát triển du lịch của Tuyên Quang. |
| Những món ngon khó cưỡng của Tuyên Quang Những ai đến với Tuyên Quang đều lưu luyến với hình ảnh núi non hùng vĩ, dòng sông Lô mộng mơ… và hẳn không nguôi ... |
| Tuyên Quang sẵn sàng với Lễ đón nhận Bằng ghi danh Thực hành Then và Lễ hội thành Tuyên năm 2022 Lễ đón nhận Bằng ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh sách Di sản văn hóa phi ... |
| Bộ Ngoại giao phối hợp với Tuyên Quang trong thu hút khách du lịch và đầu tư nông nghiệp chất lượng cao Ngày 24/8, Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Trưởng đoàn ... |
| Giao lưu hữu nghị quốc tế trên mảnh đất Tuyên Quang Ngày 16/4, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) và UBND tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức Chương trình Giao lưu hữu ... |
| Đổi thay ở vùng đồng bào dân tộc tỉnh Tuyên Quang Với 22 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 65% dân số của tỉnh, Tuyên ... |