Công tác chuẩn bị chào đón khách du lịch bên lề SEA Games 31 tại Hà Nội. (Ảnh: Hồng Phúc) |
Kể từ ngày 15/3, Việt Nam đã chính thức mở cửa du lịch ở cả đường bộ, đường biển, đường sắt, đường không, tại tất cả các cửa khẩu. Cùng với đó, các bộ, ban ngành, từ Trung ương đến địa phương, đã tổng lực triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tạo điều kiện thuận lợi tối đa
Sau một thời gian nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, mô hình mở cửa phục hồi của nhiều quốc gia, Việt Nam đã từng bước đón “sóng” phục hồi kinh tế, trong đó lấy việc mở cửa du lịch an toàn, hiệu quả là một bước then chốt.
Cơ sở thuận lợi trước hết để mở cửa du lịch chính là chiến dịch tiêm chủng toàn quốc được triển khai mạnh mẽ, tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 ở mức cao. Trước nguy cơ xuất hiện những biến chủng mới, vấn đề chênh lệch về độ bao phủ vaccine giữa một số địa phương, các độ tuổi khác nhau…, các bộ, ngành liên quan đã có phương án, kế hoạch áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
Kể từ khi mở cửa trở lại, việc đảm bảo tuân thủ thống nhất các quy định phòng chống dịch luôn được các địa phương, doanh nghiệp du lịch coi là nội dung ưu tiên hàng đầu trong hoạt động du lịch.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 4/2022 là gần 70.000 lượt, tăng 466,7% so với tháng 3. Bốn tháng đầu năm, Việt Nam đón hơn 92.000 lượt khách, tăng gần 90% so với cùng kỳ, trong đó tính từ thời điểm mở cửa 15/3 đến nay là hơn 80.000 lượt. |
Về kết nối giữa hàng không và du lịch, Việt Nam đã dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác với các chuyến bay quốc tế từ ngày 15/2. Đây được coi là tiền đề quan trọng để ngành hàng không Việt Nam tiến dần tới bình thường hoá hoàn toàn các hoạt động, không bị chậm chân trong cuộc cạnh tranh với các hãng hàng không trong khu vực và thế giới có đường bay đi/đến Việt Nam.
Đặc biệt, từ ngày 15/4, việc cấp hộ chiếu vaccine ở Việt Nam được triển khai trên toàn quốc. Các cá nhân có đủ thông tin tiêm chủng, đủ mũi tiêm, sẽ được cấp hộ chiếu vaccine.
Cùng với đó, Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã nỗ lực, khẩn trương tiến hành đàm phán, công nhận lẫn nhau đối với hộ chiếu vaccine.
Việc triển khai hộ chiếu vaccine và thúc đẩy phía nước ngoài công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam là điều kiện thuận lợi, “mở toang” cánh cửa đi lại kết nối giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, góp phần quan trọng trong việc triển khai chính sách phục hồi kinh tế - xã hội, mở cửa du lịch của đất nước sau đại dịch.
Nỗ lực “chuyển mình”
Hiện nay ngành du lịch đang tập trung triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi phát triển du lịch, góp phần thực hiện mục tiêu đề ra tại Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội năm 2022. Cụ thể, Việt Nam phấn đấu đón 5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ khoảng 60 triệu lượt khách nội địa trong năm 2022.
Để thực hiện mục tiêu này, toàn ngành du lịch quyết tâm tập trung đầu tư “làm mới” trên các yếu tố về sản phẩm, dịch vụ, cơ sở vật chất, nhân lực, quảng bá xúc tiến, chuyển đổi số…
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhiều lần nhấn mạnh quan điểm phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới. Đó là, phục hồi và phát triển du lịch phải bảo đảm môi trường an toàn, xã hội khỏe mạnh và phát triển bền vững; phải đổi mới so với thời kỳ trước đại dịch, khai thác hiệu quả hơn nữa các nguồn lực, sáng tạo sản phẩm mới thích ứng với xu thế mới, năng động trong tổ chức, quản lý và vận hành để làm chủ tình hình.
Chất lượng nguồn nhân lực là nhân tố then chốt để tạo ra sự đổi mới và đột phá cho giai đoạn phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới. Năng lực, chất lượng của hệ thống doanh nghiệp du lịch là trụ cột quan trọng để phục hồi, tiến tới phát triển. Và công nghệ là xu thế tất yếu trong bối cảnh mới.
Hậu Covid-19, du lịch Việt Nam được định hướng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; bổ sung các sản phẩm mới phù hợp với tình hình mới, trong đó chú ý tới các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, sinh thái, chăm sóc sức khỏe…
Trong khi đó, các điểm đến cũng chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện sức hấp dẫn sau 2 năm bị tác động bởi đại dịch.
Hiện nay, Tổng cục Du lịch đang triển khai mạnh mẽ chiến dịch truyền thông “Live fully in Vietnam” (Sống trọn vẹn tại Việt Nam), đặc biệt là trên các nền tảng số; tham gia các hội chợ du lịch quốc tế lớn ở các thị trường trọng điểm; làm việc với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để phối hợp quảng bá thông tin du lịch Việt Nam…
Về dài hạn, ngành du lịch sẽ tiếp tục đề xuất ban hành các chính sách thiết thực nhất, tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở pháp lý, nguồn lực đầu tư hạ tầng, chuyển đổi số để du lịch có thể phục hồi và phát triển bền vững, chuyên nghiệp hơn, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Việt Nam phấn đấu đón 5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ khoảng 60 triệu lượt khách nội địa trong năm 2022. |
“Cháy” cùng SEA Games 31
Tháng 5 này hứa hẹn chứng kiến sự bùng nổ của du lịch Việt Nam khi sự kiện Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) được tổ chức.
Sau 19 năm, từ năm 2003 đến nay, Việt Nam mới tiếp tục đăng cai tổ chức SEA Games. Đây là sự kiện thể thao lớn nhất khu vực góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN.
Diễn ra từ ngày 5-23/5 tại thủ đô Hà Nội và 12 tỉnh, thành phố, SEA Games 31 được xem là cơ hội “vàng” để quảng bá du lịch Việt Nam với bạn bè quốc tế mà các địa phương, doanh nghiệp du lịch đang mong chờ.
Để chuẩn bị cho sự kiện thể thao lớn đầu tiên sau dịch Covid-19 này, ngành du lịch đang đẩy mạnh truyền thông, tận dụng cơ hội sau gần 2 thập niên này để quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
“Chúng tôi tin rằng với các chính sách mở cửa linh hoạt mà Chính phủ và ngành du lịch đang nỗ lực thực hiện cùng sự năng động của các doanh nghiệp, sớm thôi, từ nay đến cuối năm 2022, khi có thêm nhiều đường bay quốc tế được nối lại, lượng khách quốc tế tới Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ.” (Ông Phạm Quốc Quân, Chủ tịch Sun Group vùng miền Nam) |
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hà Văn Siêu cho biết ngành du lịch đang dốc sức vì mục tiêu tổ chức thành công SEA Games 31 thông qua việc đón tiếp, phục vụ nhu cầu ăn ở, đi lại của các vận động viên, huấn luyện viên, quan chức thể thao, cổ động viên và khách du lịch.
Đồng thời, toàn ngành đẩy mạnh truyền thông, quảng bá du lịch bên lề SEA Games 31, tận dụng cơ hội để quảng bá tại chỗ hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Nhân dịp này, các địa phương, doanh nghiệp đã tung ra nhiều tour du lịch đặc biệt cổ vũ SEA Games 31, giúp các “tín đồ” yêu thể thao vừa được tận mắt chứng kiến các trận đấu đầy kịch tính tại SEA Games 31, vừa được khám phá các danh lam thắng cảnh đặc sắc ở khắp các tỉnh thành của Việt Nam.
Trên website của Tổng cục Du lịch cũng đã đăng tải thông tin về các tour du lịch theo từng tỉnh, thành phố tổ chức SEA Games 31 để du khách quốc tế tiện tra cứu.
Có thể thấy rõ, sau gần 2 tháng mở cửa phục hồi, du lịch Việt Nam đang chủ động thích ứng linh hoạt, nắm bắt mọi cơ hội để chuyển mình bứt phá so với các nước trong khu vực.
Với sự chung tay góp sức của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hình ảnh một đất nước an toàn, hấp dẫn, thân thiện trong bình thường mới ngày càng đậm nét hơn, trở thành điểm mạnh thu hút du khách quốc tế đến với Việt Nam.