Tọa đàm trực tuyến 'Du lịch thích ứng an toàn với Covid-19' được tổ chức ngày 15/10. (Ảnh: T.H) |
Tín hiệu vui từ Nghị quyết 128
Theo ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, chưa khi nào ngành du lịch trải qua khó khăn như lúc này. Bởi vậy, việc Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” là cơ hội để du lịch được hoạt động trở lại.
Nhận định đây thực sự là tín hiệu vui với ngành, ông Lê Quốc Minh cho rằng, du lịch Việt Nam có thêm động lực phục hồi từng bước, nhanh chóng trở lại quỹ đạo, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần của NQ 08-NQ/TW của Bộ Chính trị công bố ngày 16/1/2017.
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ đang được Chính phủ giao trách nhiệm tham mưu và cùng phối hợp các bộ, ngành xây dựng kế hoạch phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Trong đó, nhóm nhiệm vụ lĩnh vực về du lịch-dịch vụ là nhóm ưu tiên số 2 sau nhóm về tài chính và tín dụng. "Vì vậy, chúng tôi đang tiếp cận theo hướng phải tiếp tục nghiên cứu đề xuất cơ chế chính phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam, phù hợp hỗ trợ cho các địa phương, doanh nghiệp phục hồi và phát triển du lịch", ông Nguyễn Văn Hùng nói.
“Bộ đang đề nghị các tỉnh, thành phố cố gắng làm mới, khu trú lại sản phẩm du lịch địa phương theo tinh thần 1 tỉnh phải có 1 sản phẩm du lịch tiêu biểu và kết nối an toàn cho du khách lựa chọn sản phẩm du lịch".
Về phía Tổng cục Du lịch, Tổng Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh thông tin từ tháng 4/2020 đến nay, Tổng cục đã tham mưu để Lãnh đạo Bộ cũng như trực tiếp đóng góp ý kiến, tham gia các hội nghị, hội thảo, đóng góp vào xây dựng cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn của các bộ ngành.
Thông qua những cơ chế đó, Tổng cục luôn đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành giải quyết tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, các doanh nghiệp du lịch và người lao động theo ba nhóm: nhóm chính sách tài khóa, chính sách tài chính và gói an sinh xã hội.
Ông Nguyễn Trùng Khánh cũng cho biết, Tổng cục Du lịch đã đề xuất và được Chính phủ cho phép triển khai sửa đổi Điều 14 trong Nghị định số 168 về giảm 80% tiền ký quỹ đối với doanh nghiệp lữ hành và giảm thời gian giải ngân từ 60 ngày xuống còn 30 ngày.
Bên cạnh đó là những đề xuất để hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch vượt qua khó khăn để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi mạnh mẽ sau dịch.
Doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội
Tại Tọa đàm trực tuyến 'Du lịch thích ứng an toàn với Covid-19' được tổ chức ngày 15/10, nhiều doanh nghiệp bày tỏ lạc quan những cơ hội phát triển du lịch trong giai đoạn hậu đại dịch.
Ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định, dịch Covid-19 đã tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch triển khai các sản phẩm mới dựa trên nền tảng công nghệ, các loại hình du lịch truyền thống sẽ không còn phù hợp. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp du lịch lớn cũng đang âm thầm chuyển đổi, đổi mới công nghệ.
Đánh giá cao Nghị quyết 128 của Chính phủ khi đề xuất rất cụ thể các biện pháp nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả, ông bày tỏ lạc quan: “Chúng tôi tin rằng trong ba năm nữa hình ảnh của ngành du lịch sẽ thay đổi.
Điều này cũng được Hiệp hội du lịch thế giới cũng đã dự báo, thí dụ Hiệp hội du lịch Mỹ - hiệp hội du lịch lớn nhất thế giới, thống kê cho thấy số lượng hội viên trong đại dịch không bị giảm mà còn tăng thêm. Theo đó, xu thế này cũng sẽ phát triển ở Việt Nam cùng với các loại hình du lịch mới”.
Trong khi đó, bà Trần Nguyện, Trưởng Ban Kinh doanh Khối Sun World (Tập đoàn Sun Group) cũng cho rằng vấn đề du lịch hậu Covid-19 là cơ hội để định vị lại ngành du lịch, làm du lịch một cách chuyên nghiệp và bài bản hơn.
Bà Nguyện chia sẻ: “Chúng tôi xét thấy du khách hậu Covid ngoài vấn đề an toàn, họ ưu tiên thiên nhiên biển đảo và nâng tầm trải nghiệm về du lịch và dịch vụ. Chúng tôi mong muốn có sự vào cuộc của tất cả các bộ ban ngành, các doanh nghiệp và các cơ quan truyền thông để nâng cao ý thức đi du lịch của du khách để tạo ra một nền du lịch bền vững”.
Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group thể hiện băn khoăn hiện nay, doanh nghiệp lữ hành đang thiếu thông số cũng như hành vi tiêu dùng của khách sau đại dịch. Với thị trường du lịch quốc tế, ông cho rằng cần có lộ trình rõ ràng và cam kết để truyền thông với các đối tác du lịch trên thế giới vì các hãng này họ luôn có kế hoạch rất xa.
Về vấn đề thị trường quốc tế, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoi Tourist cũng đồng ý cần có sự nghiên cứu thấu đáo, đầu tiên phải đặt vấn đề an toàn. Còn thị trường nội địa cũng không thể mở cửa tự do mà phải mở cửa thận trọng, an toàn nhưng không cản trở thuận lợi của khách.
Địa phương chuẩn bị sẵn sàng
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều địa phương cũng đang chuẩn bị cho việc mở cửa an toàn, thích ứng linh hoạt trong tình hình mới.
Ông Lê Ngọc Tường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam cho biết Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tham mưu UBND tỉnh về kế hoạch mở cửa hoạt động, đón khách du lịch nội địa và quốc tế đến Quảng Nam trong tình hình mới, theo từng giai đoạn.
Để thực hiện kế hoạch này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp, cụ thể như: Tham mưu triển khai kịp thời chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch Covid-19 đến các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch và người dân; Đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch; Tập trung phát triển nguồn nhân lực du lịch: tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề, kỹ năng mềm và đạo đức nghề nghiệp cho lực lượng lao động trực tiếp phục vụ du lịch.
Đặc biệt, Sở sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý và kinh doanh du lịch và tiếp tục nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu thị trường, tập trung phát triển sản phẩm theo hướng du lịch xanh, bền vững.
Tọa đàm thu hút sự tham gia của đông đảo đại biểu các bộ ban ngành, doanh nghiệp và địa phương. (Ảnh: T.H) |
Để chuẩn bị cho các hoạt động đón khách đến địa phương, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa cũng cho biết đã ban hành Kế hoạch triển khai các giải pháp thích ứng an toàn, trong phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Ngoài ra, Khánh Hòa đã ban hành Kế hoạch 9751/KH-UBND ngày 1/10/2021 triển khai đón khách du lịch, thích ứng an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch này, các doanh nghiệp trước khi đi vào hoạt động phải xây dựng phương án đón và phục vụ khách du lịch bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch trước khi đi vào hoạt động.
Để chủ động trong việc mở của đón khách quốc tế có hộ chiếu vaccine, Sở Du lịch Khánh Hòa đã chủ động phối hợp cùng các sở ngành, địa phương, các đơn vị liên quan và các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh xây dựng phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vaccine bằng các chuyến bay thuê chuyến đến tỉnh.
Theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), ngoài hai địa bàn như Phú Quốc và Nha Trang, thì Quảng Ninh cũng là địa phương có độ phủ vaccine an toàn tốt để phát triển du lịch nội địa.
Còn ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết sẽ đưa ra các chương trình, sản phẩm du lịch an toàn cho cả khách, địa phương và cộng đồng.
Ông Thắng chia sẻ: “Các địa phương phải đưa ra các tình huống có thể xảy ra, để những người đưa khách đến cũng như đơn vị cung cấp dịch vụ ở địa phương vận hành tan toàn, hiệu quả; cũng như cần phổ cập, tập huấn cho nhân lực trong toàn ngành du lịch”.
| 4 cấp độ thích ứng an toàn với Covid-19 được quy định như thế nào? Tiêu chí đánh giá cấp độ dịch gồm tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ vaccine và khả năng ... |
| Ngành Du lịch và Ngoại giao bàn để mở cửa đón khách quốc tế Ngày 6/10, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị trực tuyến với các cơ ... |