📞

Du lịch Việt Nam 'về đích', định vị rõ nét hơn trên thế giới

Khánh Ly 08:01 | 27/12/2023
Trong năm 2023, hình ảnh du lịch Việt được nâng cao, định vị rõ nét hơn trên bản đồ thế giới, năng lực cạnh tranh tiếp tục cải thiện.
Những tháng cuối năm, nhiều địa phương thông báo 'về đích' sớm trong mục tiêu đón khách du lịch. Hình ảnh 'sống lưng khủng long"' tại Bình Liêu, Quảng Ninh. (Ảnh: Hùng Trang)

Gặt hái thành quả ấn tượng

Theo dữ liệu từ Cục Du lịch Quốc gia, năm nay, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 12,5 triệu lượt, vượt xa con số đặt ra hồi đầu năm là 8 triệu lượt và đạt mục tiêu điều chỉnh vào tháng 10 là 12,5-13 triệu lượt.

Lượng khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt, vượt 5,8% so với kế hoạch đầu năm. Tổng thu du lịch ước đạt 672.000 tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch và bằng 93% so với năm 2019 (thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát).

Những tháng cuối năm, nhiều địa phương đã thông báo "về đích" sớm trong mục tiêu đón khách du lịch. Đơn cử như Lào Cai, tổng kết 10 tháng, tỉnh này đã đón 6,5 triệu lượt khách, bằng 108% so với kế hoạch năm, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2022.

Cũng trong thời gian này, Sa Pa đã vào top 50 thị trấn nhỏ đẹp nhất thế giới do một tạp chí của Mỹ bình chọn và luôn là địa phương dẫn đầu về tăng trưởng du lịch trong khu vực miền núi phía Bắc cũng như khu vực 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng.

Trước thời điểm kết thúc năm, Quảng Ninh - một trong những điểm du lịch hàng đầu khu vực phía Bắc - cũng đã đạt mục tiêu đón 15 triệu lượt du khách, trong có trên 2 triệu lượt khách quốc tế. Con số tăng trưởng đã vượt so với năm 2022 khoảng 43% và mang về cho ngân sách hơn 32.000 tỷ đồng doanh thu.

Tương tự, năm 2023, Đà Nẵng đón 7,39 triệu lượt du khách dù chưa "chốt sổ", tăng gấp 2 lần so với năm 2022 và đạt 92% so với 2019.

Thừa Thiên Huế cũng ghi nhận bước phục hồi và tăng trưởng rất tốt, với tổng lượng khách đến địa phương này đạt 2,1 triệu người, tăng 12% so với năm 2022. Đặc biệt, doanh thu du lịch ước đạt 4.585 tỷ đồng, tăng tới 186,6% so với cùng kỳ.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy nhận định, hình ảnh du lịch Việt được nâng cao, định vị rõ nét hơn trên bản đồ thế giới trong năm nay. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam tiếp tục được cải thiện.

"Tại lễ trao giải thưởng Du lịch thế giới 2023, Việt Nam được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu. Nhiều thành phố, doanh nghiệp Việt nhận giải thưởng ở nhiều hạng mục danh giá khác", ông Thủy nhấn mạnh.

"Giải mã" lý do khiến du lịch Việt Nam gặt hái thành quả ấn tượng, Công ty Cổ phần Báo cáo đánh Giá Việt Nam (Vietnam Report) cho rằng, chính sách thị thực (visa) thông thoáng là một trong những lý do khiến 3 tháng gần đây, khách nước ngoài đến Việt Nam liên tục tăng.

Thị trường du lịch nội địa cũng tỏ ra không hề kém cạnh khi doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 11 tháng qua ước đạt 616.000 tỷ đồng. Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 34.000 tỷ đồng, tăng 50,5% so với cùng kỳ năm trước.

Sa Pa vào top 50 thị trấn nhỏ đẹp nhất thế giới do một tạp chí của Mỹ bình chọn. (Nguồn: Traveloka)

Kỳ vọng du lịch sẽ tiếp tục bứt phá

Bên cạnh những thành quả đã đạt được, Cục Du lịch Quốc gia cũng nhận thấy, trong năm qua vẫn có những khó khăn nhất định với ngành. Cụ thể như công tác quản lý còn tồn tại một số hạn chế về các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh ngành; cơ chế thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch chất lượng cao chưa được quan tâm; công tác xúc tiến, quảng bá du lịch còn hạn chế...

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, thời gian tới, Cục sẽ tập trung triển khai có hiệu quả 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm tại Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch nhanh, bền vững.

Song song với đó, Cục sẽ thực hiện liên kết toàn diện, hiệu quả. Trong đó, phát huy vai trò định hướng của cơ quan du lịch quốc gia, vai trò đầu tàu, dẫn dắt của các trung tâm du lịch lớn (Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa...) để hình thành các vùng liên kết, động lực tăng trưởng du lịch (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hà Nội - các tỉnh miền núi phía Bắc; Hà Nội với các tỉnh miền Trung, Huế - Đà Nẵng; Khánh Hòa - Ninh Thuận - Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận; Cần Thơ - Cà Mau - Kiên Giang)…

Đồng thời, đơn vị cũng không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; xây dựng mô hình, phương thức xúc tiến du lịch có hiệu quả, hợp tác công tư mang tính chất đột phá với tầm nhìn dài hạn.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam kỳ vọng, năm 2024, du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục bứt phá. Hiệp hội kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp du lịch nỗ lực, phấn đấu hướng tới mục tiêu phục hồi hoàn toàn hoạt động du lịch trên tất cả các tiêu chí đã đạt được vào năm 2019.

"Các doanh nghiệp du lịch quyết tâm thu hút và phục vụ trên 20 triệu khách quốc tế đến Việt Nam. Đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có du lịch phát triển cao trong khu vực", ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.

Hiệp hội sẽ tiếp tục đề xuất, kiến nghị với các cơ quan Nhà nước ở Trung ương, địa phương giải quyết khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp du lịch trong quá trình thực hiện Nghị quyết 82/CP của Chính phủ; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch mới; đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch; tiếp tục triển khai hiệu quả Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động kinh doanh du lịch” và các hoạt động hợp tác quốc tế...

Với sự vào cuộc của các cơ quan Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, tin tưởng rằng, du lịch Việt Nam năm 2024 sẽ "lấy lại những gì đã mất" do đại dịch Covid-19, tiếp tục tăng trưởng và bứt phá.