📞

Dư luận đánh giá tích cực kết quả trưng cầu của SPD

14:42 | 05/03/2018
Tiến trình thành lập chính phủ Đức đang gần tới đích sau khi đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) ngày 4/3 công bố kết quả cuộc trưng cầu nội bộ đảng trên cả nước, theo đó ủng hộ kế hoạch tham gia liên minh cầm quyền với liên đảng bảo thủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Ngay lập tức, dư luận từ chính giới và kinh tế Đức đã có những phản ứng hầu hết là tích cực về diễn biến này. 

Ông Horst Seehofer, Chủ tịch đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), đảng liên kết với đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), nhận định rằng việc SPD thông qua kế hoạch thành lập đại liên minh là một bước quan trọng hướng tới sự gắn kết xã hội và là "cơ hội để đổi mới Đức".

Chủ tịch tạm quyền đảng SPD, ông Olaf Scholz phát biểu tại Berlin ngày 4/3. (Nguồn: THX)

Ông Seehofer cho rằng thỏa thuận liên minh sẽ cung cấp các công cụ và biện pháp phù hợp, tạo nền tảng tốt cho chính phủ liên bang ổn định...

Trước đó, Thủ tướng Merkel cũng đã gửi lời chúc mừng SPD đã có "một kết quả rõ ràng", cam kết sẽ phối hợp với SPD "vì lợi ích của nước Đức". 

Trên trang Twitter, Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (FDP) Christian Linder bày tỏ sự tôn trọng và không ngạc nhiên trước kết quả trưng cầu.

Bộ trưởng Tài chính liên bang tạm quyền và là Bộ trưởng Kinh tế tương lai của Đức Peter Altmaier thuộc đảng CDU cũng hoan nghênh quyết định của SPD.

Lãnh đạo đảng Xanh Cem Ödzemir cũng gửi lời chúc mừng liên minh CDU/CSU và SPD về kết quả bỏ phiếu, cho rằng kết quả này là "nền tảng cho những cơ hội và cho xã hội tự do". 

Tuy nhiên, lãnh đạo đảng Cánh tả Sarah Wagenknecht bày tỏ thất vọng về kết quả cuộc bỏ phiếu. Bà Wagenknecht chỉ trích SPD đang vi phạm cam kết của mình khi tham gia liên minh mới. Theo bà, SPD "coi việc nắm giữ quyền lực quan trọng hơn là việc đổi mới chính trị và xã hội".

Trong khi đó, lãnh đạo đảng "Sự lựa chọn vì nước Đức" (AfD) gọi kết quả cuộc trưng cầu của SPD và sự xuất hiện của đại liên minh giữa CDU/CSU và SPD là "thảm họa cho nước Đức". 

Trong khi đó, giới kinh tế cũng đã đưa ra nhận định và đánh giá riêng. Ông Achim Berg, Chủ tịch Hiệp hội kỹ thuật số Bitkom của Đức đánh giá cao về một chính phủ đại liên minh mới ở Đức.

Ông Berg hy vọng liên minh cầm quyền mới giữa CDU/CSU và SPD sẽ có những hành động quyết liệt hơn và các mục tiêu can đảm hơn đối với những dự án chính sách kỹ thuật số. 

Ông Eric Schweitzer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK) bày tỏ hy vọng rằng chính phủ tương lai có sự nhất quán giữa tuyên bố và hành động để có hợp tác chặt chẽ và can đảm hơn đối với tương lai kinh tế đất nước. 

Theo ông Hans Peter Wollseifer, Hiệp hội Thủ công Đức, nước Đức cần có một chính phủ mới trước lễ Phục sinh và với chính phủ mới, các quyết định quan trọng có thể được đưa ra đối với các vấn đề trì trệ trong 5 tháng qua như vấn đề châu Âu, giải pháp ngân sách, các dự án đầu tư và cơ sở hạ tầng.

Với việc thỏa thuận liên minh nhận được sự ủng hộ của đa số thành viên đảng SPD, rào cản cuối cùng trong tiến trình thành lập chính phủ mới tại Đức đã được dỡ bỏ, giúp nền kinh tế đầu tàu châu Âu này thoát khỏi bế tắc chính trị kéo dài hơn 5 tháng qua kể từ sau cuộc bầu cử Quốc hội liên bang hồi tháng 9/2017.

Theo đó, bà Angela Merkel sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thủ tướng thứ 4 liên tiếp trong chính phủ mới. Theo kế hoạch, bà Merkel sẽ nhậm chức tại Quốc hội Liên bang vào ngày 14/3 tới. 

Các nước châu Âu cũng "thở phào nhẹ nhõm" sau động thái trên của SPD. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bày tỏ hoan nghênh triển vọng một chính phủ mới ở Đức do Thủ tướng Merkel lãnh đạo và gọi quyết định của SPD là "tin tốt lành cho châu Âu".

Trong một tuyên bố, Văn phòng tổng thống Pháp cho biết nước này và Đức sẽ hợp tác trong những tuần tới nhằm đề ra sáng kiến mới cải cách châu Âu.

Trong khi đó, Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Pierre Moscovici hoan nghênh SPD "đã tiến hành một cuộc bỏ phiếu mang tính quyết định và đầy tinh thần trách nhiệm".

Ông Moscovici cho rằng nước Đức hiện đã sẵn sàng tham gia thúc đẩy một châu Âu mạnh mẽ hơn.

(theo TTXVN)