📞

Dư luận xã hội ta thay đổi về con lai

07:52 | 01/12/2014
“Đau đớn thay phận đàn bà”. Nếu cụ Nguyễn Du sống đến trước thập kỷ 1990, chắc cụ sẽ viết về phận con lai: “Đau đớn thay phận con lai!”.
Số phận “con lai” đã được nâng cấp như vậy là điều tốt lành nhờ toàn cầu hóa!

Đứng về góc độ lịch sử và xã hội học mà xét, con lai ở Việt Nam trước kia bị khinh miệt vì mẹ chúng lấy người nước ngoài, bị gọi là me Tây, me Tàu, me Nhật, me Mỹ. Lý do chính có thể là do tinh thần tự vệ dân tộc nằm trong tiềm thức một cộng đồng luôn bị ngoại xâm.

Số phận hẩm hiu của con lai Tây (Pháp) được miêu tả rất sinh động trong cuốn tiểu thuyết Pháp Cô đầm lai của Kim Lefèvre (1989).

Tác giả kể lại đoạn đời bi thảm của mình ở tuổi thanh thiếu niên. Cô bé ra đời trước Thế chiến II. Bố là một lính Pháp bỏ về nước. Mẹ là con địa chủ vùng Nam Định. Gia đình phức tạp, vợ lẽ vợ cả, nên bà bỏ nhà ra đi, rồi “trót dại”. Năm Kim lên sáu tuổi, mẹ không nuôi nổi, phải làm giấy cho đứt cô nhi viện trẻ lai ở Hà Nội để vào Nam sinh sống. Ở Viện, Kim nếm mùi bất công bỉ ổi. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Cô nhi viện giải tán, trả Kim lại cho mẹ. Mẹ đón vào Chợ Lớn ở với bố dượng là một Hoa kiều thất cơ lỡ vận. Bị hắt hủi vì con lai Tây, nhất là trong hoàn cảnh ta đang đánh Tây, Kim trôi nổi theo gia đình ra Bắc, sau lộn trở lại Nha Trang, Tuy Hòa, Sài Gòn. Mẹ kiên trì cho con học làm bà đỡ. Cuối cùng một bà “sơ” giới thiệu cô bé cho một “bà lớn” hảo tâm, do đó cô được đi học ở Đà Lạt, đỗ tú tài, có học bổng đi Pháp rồi tốt nghiệp tiến sĩ.

Hồi còn đi học phổ thông, ở phố, cô bị coi như hủi. Ông cậu bảo mẹ cô “Chị hãy tống cổ con rắn độc ấy đi, máu Pháp của nó sẽ đánh bạt ân nghĩa của chị!”. Ở trường tiểu học, cô giáo hành hạ Kim, “chống nọc độc thực dân”. Đến thầy bói cũng đoán “số con bé này bội bạc bất nhân!”. Còn bé, Kim đã ước mơ có tai nạn may mắn nào xảy ra, tháo hết dòng máu Pháp đáng nguyền rủa này để thành người Việt Nam thuần túy.

Phải đợi đến sau kháng chiến chống Pháp (1954), khi ta mở rộng ngoại giao, người nước ngoài đến đông, thành kiến xấu về “con lai” mới bớt đi, nhất là sau khi người dân phân biệt Tây (thực dân) với Tây dân chủ (các nước Đông Âu). Thành kiến này đã bị xóa hẳn sau Đổi mới, nhất là sau những năm 1990 với toàn cầu hóa. Đám cưới với người nước ngoài thành chuyện bình thường, cũng như con lai. Con lai nay lại được chăm sóc từ mọi phía, hai họ bố mẹ và xã hội.

Thí dụ cháu gái Clara Vi lên hai tuổi, con anh Andrew, người Mỹ và chị Giang, hai vợ chồng đều làm cho các tổ chức quốc tế phi chính phủ. Trước khi cháu ra đời, anh chị vừa sung sướng vừa lo âu. Anh tâm sự: “Tôi và vợ tôi cảm thấy điều mà mọi người sắp làm cha làm mẹ trên thế giới đều khẳng định: Sinh con là một sự kiện thay đổi cuộc đời. Ngoài sự phấn khích và căng thẳng là gia đình sẽ có thêm một thành phần mới, chúng tôi còn có thêm yếu tố chia sẻ và khám phá văn hóa, con chúng tôi sẽ là thành quả của hai nền văn hóa!”.

Mấy tháng trước ngày sinh nở, cặp Andrew – Giang tíu tít tìm tên đặt cho con, cuối cùng thỏa thuận cái tên Clara Vi. Clara nghĩa là trong sáng, Vi để chọn âm đơn giản, không dấu, dễ phát âm. Có điều thú vị: Vi nghĩa là nhỏ mà cháu lại to lớn, chín tháng đã được 11kg, sau đó tiến độ tăng cân mới giảm đi.

Anh Andrew cho biết: họ đã sống chung bảy năm mà không hề có “sốc” văn hóa, vì hai vợ chồng đã biết tự điều chỉnh để thích ứng với nhau. Cách nuôi dạy con cũng vậy. “Tháng đầu, chúng tôi theo tục lệ Việt Nam, không cho bé ra khỏi nhà, cách này hay vì bên ngoài nhiều bụi bẩn. Nhưng đến tháng thứ hai, theo tục phương Tây, chúng tôi lại thường xuyên cho cháu ra khỏi nhà. Nhưng chúng tôi không theo phương Tây cho cháu ngủ riêng mà cho ngủ chung với bố mẹ”. Andrew cho rằng Clara Vi sinh ở Việt Nam là cái hay, vì sớm hòa nhập với cộng đồng, chứ không như trẻ ở Mỹ sống thui thủi. Ở đây ai cũng quan tâm đến cháu. Cháu vừa có tờ khai sinh Việt, vừa có hộ chiếu Mỹ. Thời thế đã đổi thay, mang hai quốc tịch là chuyện bình thường.

Trái với quan niệm Việt Nam, cả hai vợ chồng đều thích con gái hơn, họ cho là con gái dễ nuôi dạy hơn và dễ hòa nhập hai nền văn hóa hơn. Clara Vi nói nhiều tiếng Việt, nhưng cũng nói cả tiếng Anh, cháu hát cả bài Anh, Việt. Andrew tin “cháu sẽ thạo cả hai thứ tiếng giống bố mẹ. Mong rằng tất cả trẻ em Việt được săn sóc tốt!” Những điều này vượt lên trên mọi ranh giới văn hóa!

Hữu Ngọc