Nhỏ Bình thường Lớn

Đưa du lịch Hòa Bình 'cất cánh'

Sự nỗ lực của chính quyền, người dân và doanh nghiệp giúp lĩnh vực du lịch của tỉnh Hòa Bình chuyển biến mạnh mẽ, bước đầu khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế, mở ra nhiều cơ hội “cất cánh”.
Hồ Hòa Bình. (Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản)
Hồ Hòa Bình. (Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản)

Hòa Bình là vùng đất phong cảnh “sơn thuỷ hữu tình”, không gian thiên nhiên tươi đẹp. Nơi đây được coi là “cửa ngõ Tây Bắc” của Thủ đô, là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa mang đậm đà bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Mảnh đất này sở hữu hồ Hòa Bình mênh mang, thơ mộng là không gian thiên nhiên tươi đẹp, lôi cuốn du khách đến khám phá, thưởng ngoạn. Bến nước Hiền Lương, Tiền Phong, Suối Nánh, Đồng Chum (Đà Bắc), Thung Nai (Cao Phong), Bãi Sang - Phúc Sạn (Mai Châu) bình dị, yên ả. Những cánh rừng nguyên sinh Phu Canh, hang Lỗ Làn - rừng bảo tồn thiên nhiên Núi Biều, Đền Bờ - động Thác Bờ… thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ; hay thung lũng Mai Châu, phố Vãng nên thơ, bản Văn, bản Lác, bản Pom Coọng - nơi cư ngụ và sinh sống của người Thái hấp dẫn du khách; hoặc Bản Lác (Mai Châu) là một trong 10 điểm được bình chọn đem lại trải nghiệm thú vị cho du khách.

Nơi đây còn là cái nôi văn hoá của người Việt cổ, gắn với vùng sử thi huyền thoại “Đẻ đất đẻ nước”, nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông với những giá trị truyền thống về phong tục tập quán, nếp sinh hoạt thường ngày, trang phục, ẩm thực, ngôn ngữ, tạo nên bản sắc văn hóa. Cụ thể như lễ hội Đình Mường Trại, Đình Ngòi (xã Sủ Ngòi), lễ cấp sắc của người Dao (xã Thống Nhất)...

Tận dụng tiềm năng lớn

Những năm qua, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đã thay đổi nhận thức, tư duy về phát triển dịch vụ, trọng tâm là phát triển du lịch và nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của ngành du lịch đối với phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Ngành du lịch Hòa Bình được chuyển dịch cơ cấu theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; từng bước xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch và đẩy mạnh việc hợp tác, liên kết phát triển du lịch trong và ngoài tỉnh.

Cụ thể, tỉnh đã ban hành Đề án phát triển Khu du lịch hồ Hòa Bình thành Khu du lịch quốc gia, Đề án cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu thành ngành kinh tế mũi nhọn, Đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông thôn mới tỉnh Hòa Bình đến năm 2030, Đề án Phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm thúc đẩy phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, phù hợp và đáp ứng yêu cầu, tính chất của ngành kinh tế tổng hợp, hoạt động theo cơ chế thị trường. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng, tuyên truyền quảng bá, đào tạo nhân lực và phát triển du lịch cộng đồng tại Khu du lịch hồ Hòa Bình.

Với thế mạnh là du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, cộng đồng, du lịch thể thao và văn hóa tâm linh. Hòa Bình chú trọng nâng cao chất lượng loại hình du lịch tâm linh trên Khu du lịch Hồ Hòa Bình và các huyện: Lạc Thủy, Cao Phong, Tân Lạc, Đà Bắc, Lạc Sơn… Tiếp tục đầu tư phát triển du lịch cộng đồng của đồng bào các dân tộc Mường, Thái, Dao, Tày, Mông mới tại các địa phương có tiềm năng như: Mai Châu, Đà Bắc, Tân Lạc, Cao Phong, Lạc Sơn để thu hút khách.

Trong đó, tỉnh ưu tiên, tập trung hỗ trợ xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, thể thao, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí chất lượng cao tại Khu du lịch hồ Hòa Bình, Khu du lịch Mai Châu và các huyện Tân Lạc, Cao Phong, Yên Thủy, Lạc Sơn, Kim Bôi... Nhờ đó, những thương hiệu như Sun Group, Vin Group… đã đến địa phương này để đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao và các loại hình du lịch thể thao như: chơi golf, đua xe đạp địa hình, bay dù lượn.

Suối khoáng Kim Bôi, viên ngọc quý giữa núi rừng phía Bắc. (Nguồn: Mia.vn)
Suối khoáng Kim Bôi, viên ngọc quý giữa núi rừng phía Bắc. (Nguồn: Mia.vn)

Xây dựng thương hiệu gắn với hình ảnh đặc trưng

Đối với thị trường khách quốc tế, tỉnh chú trọng xây dựng các sản phẩm về du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề thủ công truyền thống, du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, giải trí...

Không chỉ thế, Hòa Bình từng bước xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu du lịch tỉnh gắn với hình ảnh đặc trưng, mang bản sắc văn hóa các dân tộc, cụ thể là xây dựng được thương hiệu và hình ảnh cho bản Lác, bản Văn, bản Hang Kia – Mai Châu, xóm Ngòi - Tân Lạc, xóm Đá Bia - Đà Bắc trở thành các điểm đến hấp dẫn, thu hút nhiều du khách trải nghiệm.

Bên cạnh đó, Hòa Bình tập trung khôi phục và xây dựng các làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, sản xuất rượu cần, sản xuất hàng lưu niệm… để phục vụ khách du lịch. Phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp như xây dựng trang trại trồng các loại cây ăn quả, trồng hoa và các loại rau củ quả, nuôi trồng thủy sản, kết nối vùng, xây dựng chương trình du lịch nông nghiệp tạo điểm đến tham quan, trải nghiệm và mua sắm.

Với sự nỗ lực kể trên, sáu tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Hòa Bình ước đón 2,6 triệu lượt khách, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 61,9% kế hoạch năm. Trong đó, khách quốc tế 260 nghìn lượt, khách nội địa 2.340 nghìn lượt.

Chú trọng nhiều loại hình du lịch

Theo Đề án Phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025 đã đề ra 11 giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng du lịch, hướng tới đón 4,9 triệu khách vào năm 2025, doanh thu du lịch đạt 5,4 nghìn tỷ đồng.

Để hiện thực hóa mục tiêu này và hướng đến phát triển du lịch hiệu quả, an toàn, thời gian tới, Hòa Bình sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá giúp du khách trong và ngoài nước biết tới các điểm đến du lịch trên địa bàn. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch; hướng dẫn, hỗ trợ người dân địa phương phát triển các mô hình du lịch cộng đồng gắn với gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống…

Tỉnh sẽ chú trọng công tác quy hoạch phát triển du lịch; ưu tiên đầu tư hạ tầng du lịch trong Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, Khu du lịch Mai Châu và những địa phương có tiềm năng du lịch như Lạc Sơn, Kim Bôi, Lạc Thủy. Đặc biệt, các dòng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng - chữa bệnh - chăm sóc sức khỏe; du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch thể thao, du lịch cộng đồng… sẽ được tập trung phát triển.

Có thể khẳng định, sự nỗ lực của chính quyền, người dân và doanh nghiệp đã giúp ngành du lịch tạo ra chuyển biến mạnh mẽ, thu hút doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư, xây dựng các sản phẩm mới, bước đầu khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế, từ đó, mở ra nhiều cơ hội cho du lịch Hòa Bình “cất cánh”.

Thủ tướng yêu cầu Hòa Bình phát triển du lịch gắn với bản sắc văn hóa

Thủ tướng yêu cầu Hòa Bình phát triển du lịch gắn với bản sắc văn hóa

Chiều 11/12, tại thành phố Hòa Bình, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018. Thủ ...

Hội chợ Công thương khu vực phía Bắc - Hòa Bình năm 2024: Cùng cả nước hội nhập và phát triển

Hội chợ Công thương khu vực phía Bắc - Hòa Bình năm 2024: Cùng cả nước hội nhập và phát triển

Hội chợ Công thương khu vực phía Bắc - Hòa Bình năm 2024 dự kiến diễn ra từ ngày 14-20/10 tại Trung tâm Hội chợ ...

Khai mạc Hội chợ Công Thương khu vực phía Bắc - Hòa Bình 2024

Khai mạc Hội chợ Công Thương khu vực phía Bắc - Hòa Bình 2024

Hội chợ Công thương khu vực phía Bắc - Hòa Bình năm 2024 chính thức khai mạc tối 14/10, với sự tham gia của 250 ...

Thêm động lực cho kinh tế Hòa Bình bứt phá

Thêm động lực cho kinh tế Hòa Bình bứt phá

Vượt khó khăn chồng chất từ cơn bão số 3, 9 tháng đầu năm 2024, kinh tế Hòa Bình khởi sắc trên hầu hết các ...

Xây dựng Hòa Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh

Xây dựng Hòa Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh

Với nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và nguồn lực phong phú, đa dạng, tỉnh Hòa Bình hội ...