📞
Thủ tướng thăm Trung Quốc và dự Hội nghị WEF Thiên Tân:

Đưa quan hệ song phương đi vào chiều sâu, thực chất và nâng cao hình ảnh Việt Nam trong các vấn đề quốc tế

Nguyễn Hồng 06:00 | 25/06/2023
Quan hệ Việt Nam và Trung Quốc thời gian qua duy trì xu thế phát triển ổn định và đạt nhiều kết quả tích cực; đối với quan hệ Việt Nam-WEF thì được hai bên quan tâm thúc đẩy, phát triển trên nhiều lĩnh vực.

Nhận lời mời của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF từ ngày 25-28/6.

Đây là chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính, cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến Trung Quốc trong 7 năm qua, là sự tiếp nối các cuộc trao đổi, tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước thời gian qua.

Đưa quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đi vào chiều sâu, thực chất

Trong bối cảnh tình hình quan hệ quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ hội để Lãnh đạo cấp cao hai nước đi sâu trao đổi các biện pháp nhằm triển khai toàn diện kết quả và nhận thức chung đạt được trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (30/10-1/11/2022), nỗ lực thúc đẩy các lĩnh vực và hợp tác cùng có lợi, kiểm soát tốt các bất đồng, góp phần đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất.

Thời gian qua, quan hệ hai nước về tổng thể duy trì xu thế phát triển ổn định và đạt nhiều kết quả tích cực. Trong năm 2022, trao đổi tiếp xúc cấp cao duy trì mật thiết với hình thức linh hoạt, nổi bật nhất là chuyến thăm chính thức Trung Quốc rất thành công của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (30/10-1/11); ngoài ra, hai Tổng Bí thư hai Đảng cũng thường xuyên trao đổi thư, điện nhân dịp các sự kiện quan trọng của hai nước và quan hệ hai nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có Thư chúc mừng gửi Chủ tịch Tập Cận Bình nhân dịp Trung Quốc tổ chức Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường 2 lần điện đàm (13/1/2022 và 19/9). Hai bên đã tổ chức thành công Phiên họp thứ 14 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc theo hình thức trực tiếp (13/7). Giao lưu, hợp tác trên kênh Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, giữa các bộ ban ngành, địa phương, đoàn thể nhân dân hai nước được triển khai thường xuyên.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Lãnh đạo cấp cao hai bên duy trì các hình thức trao đổi, tiếp xúc linh hoạt: Tổng Bí thư hai Đảng trao đổi thư chúc mừng nhân dịp Tết Quý Mão 2023, trao đổi điện mừng cấp cao dịp kỷ niệm 73 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (18/1); Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (2/3) có điện chúc mừng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhậm chức; Lãnh đạo cấp cao ta (10-12/3) gửi điện mừng Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc được bầu tại Kỳ họp Lưỡng hội năm 2023; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (4/4), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm trực tuyến với Ủy viên trưởng Nhân đại Trung Quốc Triệu Lạc Tế (27/3); Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương thăm và làm việc tại Trung Quốc (25-28/4); Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương Trung Quốc Vương Nghị gửi điện mừng đồng chí Trần Lưu Quang nhân dịp được bổ nhiệm giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ và đảm nhiệm Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc.

Các cấp, các ngành, địa phương hai bên tích cực khôi phục hoạt động trao đổi đoàn sau khi Trung Quốc điều chỉnh chính sách phòng chống dịch và có cuộc gặp gỡ, thăm và làm việc tại địa phương hai bên.

Về thương mại, năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 175,56 tỷ USD (tăng 5,47%), trong đó xuất khẩu của ta đạt 57,7 tỷ USD (tăng 3,18%), nhập khẩu đạt 117,86 tỷ USD (tăng 6,63%), ta nhập siêu 60,17 tỷ USD (tăng 10,18%). Theo số liệu của Trung Quốc, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2022 đạt 234,9 tỷ USD, tăng 2,1% (thấp hơn nhiều so với tăng trưởng 19,7% năm 2021). Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 87,9 tỷ USD, giảm 4,7%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 146,9 tỷ USD, tăng 6,8%. Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 59 tỷ USD. Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc tính theo quốc gia đơn lẻ (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc).

Trong 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 61,5 tỷ USD, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 20,3 tỷ USD, giảm 6,8%, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm 15% tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 41,2 tỷ USD, giảm 17,9%, nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc chiếm 32,8% tổng nhập khẩu của Việt Nam từ thế giới. Nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc có giá trị 20,8 tỷ USD, giảm 26,5% .

Về đầu tư, trong 5 tháng đầu năm 2023, đầu tư của Trung Quốc đạt 1,08 tỷ USD với 156 dự án, là nhà đầu tư FDI lớn thứ 3 tại Việt Nam (sau Singapore, Nhật Bản). Lũy kế đến 20/5/2023, Trung Quốc duy trì vị trí thứ 6/143 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam với 3.720 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt gần 24,9 tỷ USD.

Về du lịch, Trung Quốc nhiều năm dẫn đầu về lượng du khách đến Việt Nam Từ tháng 2/2020, do dịch Covid-19 bùng phát, hợp tác du lịch giữa hai nước tạm thời bị gián đoạn. Từ ngày 15/3/2023, Trung Quốc chính thức khôi phục cho phép các đoàn khách du lịch đi Việt Nam, mở lại một số tuyến bay thương mại giữa các địa phương hai nước (Hà Nội-Bắc Kinh) và điều chỉnh chính sách thị thực, xuất nhập cảnh, kiểm dịch y tế đối với người nước ngoài đến Trung Quốc.

Về hợp tác phòng chống dịch Covid-19, Trung Quốc là một trong những nước cung cấp vaccine nhiều và nhanh nhất cho Việt Nam; tính đến nay, đã cung cấp cho ta hơn 50 triệu liều vaccine Sinopharm viện trợ không hoàn lại và thương mại; cam kết viện trợ cho Việt Nam 26,5 triệu Nhân dân tệ để mua sắm vật tư y tế phòng chống dịch (đã chuyển tới Việt Nam 5 triệu NDT); các địa phương Trung Quốc (Quảng Tây, Vân Nam, Quảng Đông...) cũng ủng hộ lượng lớn vật tư y tế cho các địa phương Việt Nam.

Với những kết quả hợp tác trên, chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính mang nhiều ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự coi trọng, tích cực phối hợp giữa hai nước.

Chính vì vậy, theo Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, chuyến thăm được kỳ vọng sẽ thành công tốt đẹp và tiếp tục góp phần đưa quan hệ giữa hai Đảng, hai nước Việt Nam-Trung Quốc ngày càng đi vào phát triển ổn định, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và hòa bình ổn định cho khu vực.

Việt Nam với các vấn đề quốc tế

WEF là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động theo hình thức hợp tác công-tư, được Giáo sư Klaus Schwab thành lập năm 1971, có trụ sở tại Geneve, Thụy Sỹ, hiện có khoảng 700 thành viên, đối tác là lãnh đạo của các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực khác nhau.

Các sự kiện của WEF thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà lãnh đạo chính trị, kinh doanh, văn hóa, xã hội, nghiên cứu - học thuật… hàng đầu thế giới để định hình các chương trình nghị sự ở cấp độ khu vực và toàn cầu.

Ngoài tổ chức các hội nghị, WEF thiết lập các nền tảng hợp tác công - tư với sự tham dự của các bên liên quan (Chính phủ, doanh nghiệp, chuyên gia, tổ chức quốc tế…) để tư vấn chính sách cho chính phủ. Đây là một trong những diễn đàn đầu tiên thảo luận về Cách mạng công nghiệp 4.0 và hiện đang thực thi một số sáng kiến cụ thể và thực chất liên quan như Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản và Trung tâm an ninh mạng với sự tham gia của 92 đối tác.

Mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và WEF được khởi đầu từ năm 1989, đúng vào thời điểm quá trình đổi mới kinh tế bắt đầu. Đây là diễn đàn đối thoại quan trọng của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam với các tập đoàn hàng đầu thế giới, giúp gợi mở các ý tưởng về cải cách kinh tế, đồng thời mang lại cho Việt Nam các cơ hội đầu tư và phát triển kinh tế trong nước.

Trong gần 30 năm qua, Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thường xuyên tham dự các Hội nghị thường niên của WEF tại Davos, Thụy Sỹ và Đông Á. 30 năm qua, Việt Nam luôn thể hiện sự năng động, tích cực đề xuất những ý tưởng mới, triển khai những kế hoạch hợp tác thiết thực.

Tháng 1/2020, hai bên đã hoàn thành Thoả thuận hợp tác về “Phát triển nền kinh tế Việt Nam tự cường trước tương lai” (giai đoạn 2017-2019). Hai bên đang tiến tới ký kết Thoả thuận hợp tác Việt Nam - WEF giai đoạn 2023-2026 để đưa hợp tác đi vào thực chất, hiệu quả hơn.

Sự kiện quan trọng nhất của WEF là Hội nghị thường niên được tổ chức vào tháng 1 hàng năm tại Davos, Thụy Sỹ.

Bên cạnh đó là các diễn đàn khu vực: Hội nghị WEF Thiên Tân (hoặc Đại Liên, Trung Quốc), Hội nghị WEF khu vực (WEF Đông Á, WEF ASEAN…).

Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã 4 lần tham dự Hội nghị thường niên WEF Davos ở cấp Thủ tướng Chính phủ (2007, 2010, 2017 và 2019) (các năm khác thường tham dự ở cấp Phó Thủ tướng); 4 lần tham dự Hội nghị WEF ASEAN (trước năm 2016 là WEF Đông Á) cấp Thủ tướng Chính phủ (2012, 2013, 2014 và 2017) (các năm khác thường ở cấp Phó Thủ tướng Chính phủ).

Việt Nam và WEF đã phối hợp tổ chức nhiều Hội nghị quan trọng, trong đó có Đối thoại chiến lược quốc gia giữa Việt Nam và WEF lần thứ nhất (ngày 29/10/2021) được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác công tư: Động lực then chốt của phục hồi toàn diện và phát triển bền vững, bao trùm, đổi mới sáng tạo”. Đối thoại được nhận định là đối thoại chiến lược quốc gia thành công nhất mà WEF phối hợp với một quốc gia tổ chức, cả về cấp tham dự, nội dung, thời điểm và công tác tổ chức.

Việt Nam đăng cai tổ chức nhiều Hội nghị WEF, trong đó, năm 2018, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị WEF ASEAN tại Hà Nội từ ngày 11-13/9, Hội nghị WEF-Mekong lần đầu tiên ngày 25/10/2016 tại Hà Nội và Hội nghị WEF Đông Á từ 6-7/6/2010 tại TP. Hồ Chí Minh.

Nhân chuyến thăm lần này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự WEF Thiên Tân, do WEF phối hợp với Chính phủ Trung Quốc tổ chức. Đây là hội nghị có quy mô lớn thứ hai sau WEF Davos (Thụy Sỹ).

Hội nghị lần thứ 14 năm nay có chủ đề "Doanh nghiệp: Động lực của kinh tế toàn cầu" gồm hơn 100 phiên họp, tập trung vào các vấn đề như điều chỉnh tăng trưởng, chuyển đổi năng lượng và nguyên liệu, bảo vệ thiên nhiên và khí hậu, tiêu dùng sau đại dịch, Trung Quốc trong bối cảnh toàn cầu, ứng dụng đổi mới sáng tạo.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai, việc tham dự Hội nghị lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhằm quảng bá những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, chuyển tải thông điệp lớn về mục tiêu, quan điểm, định hướng phát triển của Việt Nam; Nắm bắt những vấn đề, xu thế mới của kinh tế thế giới, trao đổi về tư duy phát triển và quản trị ở tầm toàn cầu, khu vực và quốc gia trong bối cảnh kinh tế thế giới chuyển đổi sâu sắc, qua đó nâng cao vai trò, tiếng nói của Việt Nam trong các vấn đề toàn cầu; Tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - WEF ngày càng hiệu quả, thực chất; tăng cường hợp tác với các các tập đoàn toàn cầu và khu vực, đặc biệt các doanh nghiệp của Trung Quốc, nhằm tiếp tục củng cố môi trường quốc tế thuận lợi, thu hút các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước.