Thủ tướng Đức Angela Merkel. |
Một người phát ngôn Bộ Y tế liên bang Đức cho biết Berlin vẫn giữ những cam kết về lượng vaccine viện trợ cho các nước trong năm nay.
Tuy nhiên theo một số nguồn tin, Bộ Y tế Đức cũng cảnh báo nguy cơ khó đạt được mục tiêu hỗ trợ 100 triệu liều vaccine trong năm nay do liên quan tới vấn đề pháp lý khá phức tạp với các nhà sản xuất vaccine cũng như vấn đề hậu cần ở nước tiếp nhận.
Cho tới nay, Đức mới chuyển giao được 17,6 triệu liều vaccine của hãng Astrazeneca cho các nước thứ ba. Quốc gia tiếp nhận trực tiếp nhiều nhất là Việt Nam với 2,6 triệu liều; Ukraine, Ai Cập và Ghana mỗi nước 1,5 triệu liều.
Theo Bộ Y tế liên bang Đức, trong năm 2022, nước này dự kiến nhận được 256 triệu liều vaccine từ các nhà sản xuất đã được phê duyệt.
Trên quy mô toàn cầu, các mục tiêu trong chương trình COVAX của Liên hợp quốc dường như đang bị tụt lại phía sau. Theo kế hoạch tới cuối năm nay sẽ phải có 2 tỷ liều vaccine được phân bổ cho các nước. Tuy nhiên, tính tới ngày 20/10, con số này mới chỉ đạt khoảng 386 triệu liều.
Chính phủ Đức cho rằng sự chấp thuận cần thiết từ các nhà sản xuất BioNTech và Moderna là trở ngại lớn trong việc chuyển lượng vaccine còn dư cho các nước thứ ba.
Vấn đề nằm ở chỗ các công ty muốn tránh rủi ro trách nhiệm về pháp lý ở các nước thứ ba được nhận vaccine. Do cần phải ký kết các hợp đồng mới cho việc chuyển tiếp vaccine nên đã làm chậm quá trình chuyển giao vacine cho các nước.
Quốc vụ khanh Bộ Y tế liên bang Đức Thomas Steffen kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) cần phải gia tăng sức ép với các nhà sản xuất.
Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh Y tế thế giới ở Berlin, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh rằng mục tiêu hoàn thành tiêm chủng cho 40% dân số mỗi nước vào cuối năm nay là "có thể đạt được" nếu các quốc gia và công ty kiểm soát nguồn cung vaccine lập tức biến lời nói thành hành động.
Theo ông, rào cản ở đây không phải nằm ở khâu sản xuất, mà ở ý chí chính trị và lợi nhuận. Ông kêu gọi các quốc gia đã đạt mục tiêu tiêm chủng 40% (bao gồm tất cả các nước thuộc nhóm nước công nghiệp và phát triển G20) cần ưu tiên cho chương trình tiêm chủng COVAX của Liên hợp quốc hoặc sáng kiến thu mua vaccine của châu Phi (AVAT).