📞

Đức chuyển giao turbin năng lượng gió đầu tiên cho Việt Nam

11:53 | 29/08/2008
Ngày 27/8/2008, Tập đoàn Fuhrlaender AG, một trong những tập đoàn sản xuất tuốc-bin điện gió hàng đầu của CHLB Đức, đã tổ chức trọng thể lễ bàn giao 5 tổ máy sản xuất năng lượng gió đầu tiên cho dự án Nhà máy phong điện tại tỉnh Bình Thuận, do Công ty Cổ phần năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN) làm chủ đầu tư.

Đây là nhà máy độc lập sử dụng năng lượng gió để phát điện phục vụ sản xuất và đời sống; được xây dựng với công nghệ và thiết bị Đức. Trong giai đoạn 1, nhà máy Phong điện 1 - Bình Thuận có công suất 30MW, tổng vốn đầu tư 817,35 tỷ đồng, thời gian hoạt động của dự án là 49 năm. Ngoài diện tích 28 ha xây dựng nhà máy (gồm các hạng mục: Trụ điện gió, nhà điều hành, trạm biến thế, đường công vụ), phần diện tích gắn với công trình hơn 300 ha. Theo kế hoạch, trong tháng 11/2008, turbin số 1 sẽ được lắp đặt và hoàn tất giai đoạn 1 (lắp đặt 20 turbin công suất 1,5 MW) trong năm 2009. Trong giai đoạn 2, nhà máy điện gió sẽ được mở rộng, nâng công suất lên 120MW.

Đại diện chính phủ bang Rheinland - Pfalz và Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Frankfurt Nguyễn Hữu Tráng đã tham dự buổi bàn giao trọng thể trong khuôn viên Nhà máy ở Waigandshain, với sự có mặt của Ban Lãnh đạo tập đoàn và hàng trăm công nhân, kỹ sư tham gia thiết kế, sản xuất turbin. Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Hữu Tráng đánh giá cao ý nghĩa của sự hợp tác giữa Đức và Việt Nam trong lĩnh vực phát triển năng lượng sạch vì mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, hoan nghênh công ty Fuhrlaender không chỉ cung cấp thiết bị điện gió cho Việt Nam mà còn cam kết đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam và tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất turbin điện gió cho Việt Nam. Trong bối cảnh các nguồn năng lượng truyền thống ngày càng cạn kiệt, việc khai thác các nguồn năng lượng tái tạo có ý nghĩa rất lớn đối với các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Quyết định số 1855/QĐ-Tg ngày 27/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 xác định mục tiêu các nguồn năng lượng mới sẽ chiếm 3% tổng năng lượng thương mại, vào năm 2010,5% vào năm 2020 và 11% vào năm 2050. Trong chương trình đánh giá về năng lượng cho châu Á, Ngân hàng Thế giới đã có một khảo sát chi tiết về năng lượng gió khu vực Đông Nam Á, trong đó Việt Nam có tiềm năng gió lớn nhất với tổng tiềm năng điện gió ước đạt 513.360 MW, tức là bằng hơn 200 lần công suất của thủy điện Sơn La, và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện vào năm 2020. Để góp phần thực hiện mục tiêu về năng lượng tái tạo đã trong quyết định số 1855 của Thủ tướng Chính phủ, dự án nhà máy Phong điện Bình Thuận là 1 dự án có nhiều ý nghĩa nhằm khai thác tiềm năng về năng lượng gió của Việt Nam.

(Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt)