Bộ trưởng Quốc phòng Đức khẳng định nước này sẵn sàng cung cấp xe tăng cho Ukraine nếu có sự nhất trí giữa các đồng minh.(Nguồn: Reuters) |
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã bác bỏ thông tin cho rằng Berlin đơn phương ngăn cản việc cung cấp xe tăng Leopard cho Ukraine, đồng thời khẳng định Chính phủ Đức sẵn sàng hành động nhanh chóng trong vấn đề này nếu có sự nhất trí giữa các đồng minh.
Bộ trưởng Pistorius nêu rõ: “Có những lý do chính đáng ủng hộ việc bàn giao (xe tăng) và cũng có những lý do chính đáng để phản đối, và trong bối cảnh tổng thể của cuộc xung đột đã kéo dài gần một năm, cần phải cân nhắc hết sức thận trọng tất cả những điều thuận lợi và bất lợi của việc này”.
Cũng liên quan đến việc cung cấp xe tăng cho Ukraine, một người phát ngôn của Chính phủ Đức ngày 20/1 cho biết, việc chuyển giao xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard do Đức sản xuất cho Ukraine chưa bao giờ được gắn với việc Mỹ làm điều tương tự với xe tăng Abrams.
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Berlin đang đối mặt với sức ép lớn từ các nước đồng minh về việc cho phép cung cấp loại xe tăng nói trên cho Ukraine.
Cùng ngày, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết các nước châu Âu sẵn sàng gửi xe tăng hạng nặng tới Ukraine.
Phát biểu với các phóng viên ở Madrid (Tây Ban Nha), ông Borrell nói: "Tôi nghĩ Ukraine cần vũ khí chiến đấu và các xe tăng hạng nặng mà họ yêu cầu và một số nước châu Âu sẵn sàng cung cấp".
Ông Borrell đồng thời bày tỏ hy vọng sẽ có quyết định được đưa ra liên quan đến vấn đề này.
Trong khi đó, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg kêu gọi các quốc gia ủng hộ Ukraine cần tập trung không chỉ vào việc gửi vũ khí mới tới Kiev, mà cả việc xem xét cung cấp đạn dược cho các hệ thống cũ hơn và giúp duy trì những hệ thống này.
Phát biểu bên lề cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng về cung cấp vũ khí cho Ukraine, ông Stoltenberg nêu rõ: "Chúng ta cũng cần nhớ rằng chúng ta không chỉ cần tập trung vào các nền tảng mới mà còn phải đảm bảo rằng tất cả những nền tảng hiện có đều có thể hoạt động bình thường”.