Nền kinh tế Đức có thể đang trên đà phục hồi. (Nguồn: Reuters) |
Người tiêu dùng ở Đức tỏ ra bi quan và tiết lộ rằng, họ sẽ tập trung nhiều hơn vào việc tiết kiệm, dự kiến mua ít hàng hóa giá trị lớn vào tháng 7.
Chỉ số môi trường tiêu dùng của Viện Nghiên cứu thị trường của Đức (GfK) cho tháng 7/2024 công bố ngày 26/6 (theo giờ địa phương cho thấy, chỉ số này đạt -21,8, giảm mạnh so với mức -21,0 của tháng 6/2024. Con số này thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng của các nhà phân tích là -18,9.
Kỳ vọng thu nhập cho tháng 7/2024 thấp hơn đáng kể ở mức 8,2, so với mức 12,5 của tháng 6/2024, với triển vọng kinh tế giảm từ 9,8 xuống 2,5. Đây là sự đảo ngược hoàn toàn so với bốn tháng trước, khi cả hai chỉ số này đều tăng.
Tin liên quan |
Đức, EURO 2024 và bia |
Tiết kiệm nhiều hơn
Người tiêu dùng tiết lộ rằng, họ có khả năng tiết kiệm nhiều hơn, với chỉ số xu hướng tiết kiệm tăng lên 8,2 vào tháng 7/2024, từ mức 5,0 vào tháng trước. Không có gì ngạc nhiên khi xu hướng mua vẫn yếu, giảm xuống -13,0, từ -12,3.
Ông Rolf Buerkl, người đứng đầu bộ phận khí hậu người tiêu dùng tại Viện Nghiên cứu quyết định thị trường Nuremberg (NIM) cho biết, sự gián đoạn của xu hướng tăng gần đây trong tâm lý người tiêu dùng cho thấy, con đường thoát khỏi tình trạng tiêu dùng trì trệ sẽ rất khó khăn và luôn có những trở ngại.
Ông khẳng định: "Tỷ lệ lạm phát tăng nhẹ ở Đức vào tháng 5 rõ ràng đang gây ra nhiều bất ổn hơn nữa cho người tiêu dùng, điều này được phản ánh trong sự gia tăng ý chí tiết kiệm".
Không chỉ thế, lạm phát vẫn là mối lo ngại, giảm với tốc độ chậm hơn dự kiến, làm gia tăng rủi ro về việc liệu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể duy trì lộ trình cắt giảm lãi suất hiện tại hay không.
Bên cạnh đó, tâm lý của các công ty Đức giảm nhiều hơn dự kiến vào tháng 6/2024, lần giảm đầu tiên kể từ tháng 12 năm ngoái. Ngành dịch vụ được cải thiện nhưng ngành thương mại lại xấu đi.
Cuộc khảo sát hàng tháng của Viện kinh tế Ifo đối với khoảng 9.000 công ty Đức trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, thương mại và xây dựng cho thấy, Chỉ số môi trường kinh doanh đã giảm từ 89,3 điểm vào tháng 5/2024, xuống 88,6 điểm vào tháng 6/2024, không đạt kỳ vọng tăng lên 89,7 của các nhà kinh tế.
Nền kinh tế dần thấy điểm sáng
Mặc dù người tiêu dùng Đức vẫn còn cảnh giác, do lãi suất tăng cao trong nhiều tháng, lạm phát tăng vọt và tình hình kinh tế bất ổn nhưng báo cáo gần đây của cơ quan Deutsche Bundesbank nhấn mạnh rằng, nền kinh tế Đức có thể đang trên đà phục hồi.
Nguyên nhân chủ yếu là do điều kiện thời tiết được cải thiện, tác động lớn đến ngành xây dựng.
Theo báo cáo được Deutsche Bundesbank công bố vào tháng 5, ngành xây dựng, ngành công nghiệp và ngành dịch vụ đã tăng trưởng trong quý I/2024.
Cơ quan trên cũng nhận thấy, các ngành sử dụng nhiều năng lượng của Đức cũng chứng kiến sự gia tăng, với sản lượng tăng đáng kể trong vài tháng qua, khi giá năng lượng giảm. Thị trường lao động Đức cũng mạnh, với mức tăng trưởng tiền lương dự kiến sẽ tiếp tục ở mức mạnh mẽ trong tương lai gần.
Trong khi đó, Viện kinh tế Ifo có trụ sở ở Munchen (Đức) đã tăng nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế của "đầu tàu" châu Âu trong nửa cuối năm 2024.
Trong cả năm 2024, viện trên dự đoán, nền kinh tế sẽ đạt mức tăng trưởng 0,4%, cải thiện so với mức - 0,2% vào năm 2023. Trong khi đó, nền kinh tế Đức dự kiến tăng trưởng 1,5% vào năm 2025.
Lạm phát dự kiến đạt trung bình 2,2% vào năm 2024 và giảm xuống mức 1,7% vào năm 2025.
Theo Viện kinh tế Ifo, ngành sản xuất cùng hoạt động xuất khẩu đang thúc đẩy nền kinh tế, trong khi ngành xây dựng có thể sẽ tiếp tục xu hướng giảm và chịu sự sụt giảm mạnh.
GS. Timo Wollmershauser, người đứng đầu bộ phận dự báo của Viện kinh tế Ifo khẳng định: "Niềm hy vọng mới hiện đang xuất hiện. Nền kinh tế Đức đang dần thoát khỏi cuộc khủng hoảng".
EURO 2024 tại Đức sẽ không mang lại câu chuyện cổ tích mùa Hè cho nền kinh tế Đức. (Nguồn: AP) |
Euro 2024 không phải sự thay đổi lớn
Với EURO 2024, Viện Kinh tế Ifo dự báo, giải bóng đá này dự kiến mang lại thêm 1 tỷ Euro (tương đương 1,07 tỷ USD) cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Nhà nghiên cứu Gerome Wolf tại Ifo cho biết, khoảng 600.000 lượt khách du lịch quốc tế sẽ đến thăm nước Đức trong thời gian diễn ra giải đấu và sẽ có khoảng 1,5 triệu lượt lưu trú qua đêm. Điều này sẽ thúc đẩy doanh thu trong ngành dịch vụ lưu trú của Đức.
Theo ông Wolf, doanh thu dự kiến do người hâm mộ bóng đá nước ngoài mang lại có thể giúp tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Đức tăng khoảng 0,1% trong quý II/2024.
Bộ Kinh tế Đức cũng kỳ vọng vào sự phục hồi tạm thời trong các lĩnh vực hướng tới người tiêu dùng sau khi doanh số bán lẻ giảm sút trong năm nay, dù sự phục hồi này sẽ không mạnh mẽ như World Cup 2006.
Trong khi đó, các chuyên gia cũng đồng ý rằng, tác động tổng thể của EURO 2024 đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ phụ thuộc vào những màn trình diễn mà đội tuyển Đức thể hiện ở giải đấu. Tuy nhiên, Viện Kinh tế Ifo nhận thấy, EURO 2024 nhưng sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế.
Trong nghiên cứu công bố đầu tháng 6/2024, Viện trên khẳng định: "EURO 2024 tại Đức sẽ không mang lại câu chuyện cổ tích mùa Hè cho nền kinh tế Đức".
Xét về góc độ kinh tế vĩ mô, loại sự kiện lớn này nhìn chung có tác động hạn chế, ngoại trừ trong lĩnh vực du lịch.
GS. Timo Wollmershauser nhận định: "Nhìn từ World Cup 2006, người tiêu dùng trong nước có thể sẽ chi tiêu nhiều hơn trong thời gian diễn ra EURO 2024 cho lĩnh vực bán lẻ thực phẩm và dịch vụ khách sạn. Tuy nhiên, họ sẽ giảm chi tiêu ở những lĩnh vực khác, do đó, tiêu dùng cá nhân nói chung có thể sẽ không thay đổi".
Đồng quan điểm, Công ty dịch vụ tài chính Morningstar DBRS cho hay, tác động của giải đấu lên hoạt động chi tiêu tiêu dùng trong toàn bộ nền kinh tế sẽ không quá lớn. Bởi lẽ, mức chi tiêu liên quan đến giải đấu của du khách đến xem bóng đá vốn chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng chi tiêu nội địa ở một nền kinh tế lớn như Đức.
| Bầu cử Mỹ 2024: Các nhà kinh tế lên tiếng về kế hoạch thuế quan của ông Trump, nói người tiêu dùng chịu thiệt Trong bức thư công bố hôm 25/6, các nhà kinh tế học từng giành giải Nobel cho rằng, kế hoạch kinh tế của cựu Tổng ... |
| Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Quốc hội đề ra Nếu đánh giá đúng tình hình, đề ra hướng xử lý kịp thời để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy cải ... |
| Bầu cử Mỹ 2024: Hé lộ sức khỏe nền kinh tế - trọng tâm cuộc 'tỉ thí' đầu tiên, cử tri nghiêng về ông Trump? Kinh tế luôn là một trong những vấn đề hàng đầu mà cử tri quan tâm trong các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Trong ... |
| Anh gia nhập CPTPP: Việt Nam hưởng lợi thế nào? Anh là một đối tác rất quan trọng, do vậy, việc nước này gia nhập CPTPP sẽ tạo thêm thị trường xuất khẩu hàng hóa ... |
| Thành phố đáng sống nhất trên thế giới: Thủ đô một quốc gia liên tục nhận danh hiệu, Tel Aviv tụt 20 bậc Thủ đô Vienna của Áo một lần nữa được vinh danh là thành phố đáng sống nhất trên thế giới, theo bảng xếp hạng thường ... |