📞

Đức, Pháp và Anh không sử dụng USD để giao dịch với Iran, né các trừng phạt từ Mỹ

08:15 | 01/02/2019
Ngày 31/1, Ngoại trưởng của các nước Anh, Pháp và Đức đã hoan nghênh cơ chế mới nhằm tạo thuận lợi cho trao đổi thương mại với Iran, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ, như là một dấu hiệu của sự cam kết của họ đối với thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, giữa Tehran và các cường quốc.

Sau cuộc gặp với những người đồng cấp EU tại Bucharest, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói: "Đó là một hành động mang tính chính trị. Đó là một hành động nhằm bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu".

Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt nhấn mạnh 3 nước nêu trên đã phối hợp chặt chẽ với Tehran để hoàn tất công tác chuẩn bị để tạo thuận lợi cho việc giao thương các mặt hàng dược phẩm, nông nghiệp, tiêu dùng cũng như hoạt động nhân đạo. Ông Hunt nói: "Việc đăng ký là một bước đi lớn, song vẫn còn nhiều việc phải làm".

Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt nhấn mạnh 3 nước Đức, Pháp, Anh đã phối hợp chặt chẽ với Tehran để hoàn tất công tác chuẩn bị để tạo thuận lợi cho việc giao thương. (Nguồn: AFP)

Trước đó cùng ngày, Đức, Pháp và Anh đã chính thức thành lập Phương tiện Phục vụ mục đích đặc biệt (SPV) nhằm hỗ trợ cho trao đổi thương mại không sử dụng đồng USD với Iran, đồng thời tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Cùng ngày 31/1, một nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, nước này không tin phượng tiện SPV do các nước châu Âu thành lập để hỗ trợ hoạt động thương mại với Iran, có thể ảnh hưởng tới chiến dịch của Washington "gây sức ép kinh tế tối đa" đối với Tehran.

Nữ phát ngôn viên này nhấn mạnh: "Chúng tôi không cho rằng SPV sẽ có bất kỳ ảnh hưởng nào đối với chiến dịch gây sức ép kinh tế tối đa của chúng tôi". Người này cho hay rằng, Bộ Ngoại giao Mỹ đã theo sát những báo cáo về SPV để nghiên cứu thêm về cơ chế này.

Nữ phát ngôn viên cảnh báo rằng, những thực thể tham gia vào những hoạt động vi phạm lệnh trừng phạt với Iran có nguy cơ đánh mất quyền tiếp cận hệ thống tài chính của Mỹ cũng như cơ hội được làm ăn với các doanh nghiệp Mỹ.

(theo Reuters)