📞

Đức tin tưởng sẽ 'lách' kịch bản xấu nhất vào mùa Đông; Tổng thống Putin nói LNG Mỹ đắt hơn khí đốt Nga

Việt An 16:51 | 13/10/2023
Trong phát biểu mới đây, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck tin tưởng, nước này sẽ tránh được tình trạng thiếu khí đốt trong mùa Đông tới, kịch bản xấu nhất sau khi nguồn cung khí đốt của Nga tới nước này bị cắt vào năm ngoái.
Đức sẽ tránh được tình trạng thiếu khí đốt trong mùa Đông tới. (Nguồn: AFP)

Theo ông Habeck, nguồn dự trữ khí đốt trong các kho của nền kinh tế lớn nhất châu Âu gần đầy. Cơ quan quản lý Liên bang Đức thông tin, các kho dự trữ khí đốt đã đầy 97%, tăng nhẹ so với mức mục tiêu 95% mà chính phủ đặt ra vào cuối tháng 9/2023.

Nếu tình hình diễn biến thuận lợi, nước này sẽ đi qua mùa Đông mà không gặp phải bất kỳ vấn đề gì.

"Dù vậy, Đức vẫn cần thận trọng, sau khi đường ống dẫn giữa Phần Lan và Estonia rò rỉ gần đây hay đình công diễn ra tại các cơ sở sản xuất khí đốt ở Australia hồi tháng 9/2023".

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu phụ thuộc lớn và các nguồn cung khí đốt của Nga qua đường ống dẫn trước khi nổ ra xung đột tại Ukraine. Sau khi nổ ra xung đột, nguồn cung bị cắt, trong khi các đường ống dẫn chính nối giữa Nga và Đức qua biển Baltic bị hư hại.

Để đối phó, Đức đã giảm mức tiêu thụ khí đốt, trong khi tìm kiếm các nguồn cung mới để tránh tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng.

Trong số các biện pháp mà Đức đã thực hiện có quyết định tái khởi động các nhà máy điện sử dụng than.

Ông Habeck cho rằng, sẽ không cần vận hành các nhà máy điện chạy bằng than trong những tháng lạnh nhất vào cuối năm. Việc tăng nhanh nhập khẩu khí đốt nhờ việc xây dựng một số trạm LNG sẽ đảm bảo nguồn cung cho đất nước.

* Ngày 11/10, tại Tuần lễ Năng lượng Nga, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, các nước châu Âu sẽ tiếp tục mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ, bất chấp thực tế là nó đắt hơn 30% so với khí đốt của Moscow.

Ông nói: “Tôi nghĩ các nước châu Âu sẽ tiếp tục mua hàng. Tùy thuộc vào số lượng hợp đồng mà họ ký kết, điều đó có nghĩa là họ sẽ phải mua hàng trong khuôn khổ các hợp đồng hiện có. Châu Âu đã tăng gấp đôi lượng mua LNG từ Mỹ, đắt hơn 30% so với khí đốt của Nga".

Theo báo cáo của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), giống như năm 2022, các nước Liên minh châu Âu (EU) và Anh vẫn là điểm đến chính cho xuất khẩu LNG của Mỹ trong nửa đầu năm 2023, chiếm 67% tổng xuất khẩu của Mỹ.

5 quốc gia - Hà Lan, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Đức - đã nhập khẩu hơn một nửa tổng lượng xuất khẩu LNG của Mỹ.

Ngoài ra, Tổng thống Nga cũng lưu ý, nguồn cung LNG từ Trung Đông đã tăng lên nhưng do giá khí đốt từ Mỹ cao, lợi nhuận của các doanh nghiệp châu Âu đang giảm và khả năng cạnh tranh giảm sút.

(theo AFP)