Phát biểu tại một cuộc thảo luận do nhật báo kinh doanh Handelsblatt của Đức tổ chức, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel ngày 11/9 cho rằng, quan điểm "chỉ khi hòa bình được lập lại 100%, thì các lệnh trừng phạt mới được dỡ bỏ 100%" là hoàn toàn phi thực tế.
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel trong chuyến thăm Pháp, ngày 30/8. (Nguồn: Reuters) |
Ông nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt đã được áp dụng từng bước vì vậy "cần được dỡ bỏ từng phần". Theo quan chức Đức, nếu lệnh ngừng bắn ở miền Đông Ukraine được tuân thủ trong thời gian dài, Mỹ có thể cũng cân nhắc dỡ bỏ trừng phạt đối với Nga.
Ngoại trưởng Gabriel là một thành viên cấp cao của đảng Dân chủ Xã hội (SPD), một đối tác nhỏ trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Angela Merkel và từ lâu ủng hộ đối thoại với Nga. Theo kế hoạch, cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra tại Đức vào ngày 24/9 tới. Quan điểm của bà Merkel là các lệnh trừng phạt chống Nga sẽ chỉ được dỡ bỏ nếu kế hoạch hòa bình Minsk được tuân thủ hoàn toàn, không phải chỉ tuân thủ lệnh ngừng bắn, vốn là một phần nhỏ trong kế hoạch hòa bình Minsk.
Tháng trước, Thủ tướng Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi Nga và Ukraine nỗ lực hơn nữa nhằm thực thi thỏa thuận ngừng bắn mong manh trên. Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất triển khai một lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ) để bảo vệ các quan chức của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) đang làm nhiệm vụ giám sát thỏa thuận hòa bình Minsk ở miền Đông Ukraine.
Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã phản đối đề xuất này và tuyên bố phái bộ của LHQ phải được phép tuần tra trên toàn khu vực xung đột và biên giới giữa Nga với vùng lãnh thổ mà lực lượng đòi độc lập đang kiểm soát. Đức đã "hoanh nghênh về nguyên tắc" đề xuất của Nga, đồng thời cho biết cần chờ xem liệu các bên có thể đạt một thỏa thuận chi tiết hay không.
Sau một cuộc điện đàm với bà Merkel ngày 11/9, Tổng thống Putin để ngỏ khả năng cân nhắc đề xuất triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình không chỉ ở giới tuyến tại khu vực Donbass mà còn ở các khu vực khác ở Đông Ukraine.
Hiện khoảng 600 quan sát viên của OSCE đang có mặt tại Đông Ukraine, song sự hiện diện của họ cũng không giúp chấm dứt giao tranh. Trong 3 năm qua, cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine đã khiến khoảng 10.000 người thiệt mạng.