📞

Đức vạch giới hạn trong xung đột ở Ukraine; cựu Tổng thống Mỹ Clinton nói về nỗi sợ của Kiev, tiếc nuối một điều

Hà Thu 17:24 | 05/04/2023
Ngày 5/4, phát biểu trên truyền thông Đức, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và bảo vệ khí hậu nước này Robert Habeck một lần nữa khẳng định, Berlin không trở thành một bên trong xung đột ở Ukraine.
Tiêu đề bài báo đăng trên trang RTE của Ireland về cuộc phỏng vấn với cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton. (Nguồn: RTE)

Phó Thủ tướng Habeck nêu rõ: "Chúng ta không được trở thành một bên trong xung đột. Điều quan trọng là giới hạn này luôn được duy trì và đóng vai trò hết sức quan trọng trong tất cả các cân nhắc hỗ trợ Ukraine".

Theo ông Habeck, vấn đề luôn là cân nhắc xem "một bước đi xa đến mức nào thì được coi là tích cực tham gia xung đột".

Khi được hỏi đâu là "giới hạn đỏ" đối với cá nhân ông, ông Habeck cho biết "việc triển khai quân đội Đức ở Ukraine" là "giới hạn đỏ" và nước Đức sẽ không vượt qua giới hạn này.

Trước đó, cả Phó Thủ tướng Habeck và Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng nhiều lần khẳng định, Berlin sẽ không trở thành một bên trong xung đột.

Cũng liên quan Ukraine, trong chương trình trả phỏng vấn được kênh truyền hình RTE của Ireland phát sóng ngày 4/4, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã bày tỏ tiếc nuối vì việc ông thuyết phục Kiev từ bỏ vũ khí hạt nhân vào năm 1994.

Vị Tổng thống Mỹ trong giai đoạn 1993-2001 giải thích: “Tôi cảm thấy phải chịu trách nhiệm cá nhân vì tôi đã khiến Ukraine đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân. Không ai trong số họ nghĩ rằng Nga sẽ thực hiện chiến dịch quân sự nếu Kiev vẫn còn vũ khí hạt nhân".

Theo ông Clinton, Ukraine "sợ phải từ bỏ vũ khí hạt nhân vì họ nghĩ đó là thứ duy nhất có thể bảo vệ được Kiev trước Nga”.

Ngày 5/12/1994, các nhà lãnh đạo Nga, Ukraine, Anh và Mỹ ký Bản ghi nhớ Budapest, theo đó, Kiev đã loại bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình để nhận được lời cam kết đảm bảo an ninh từ Moscow, Washington và London.

Ngày 10/2/2022, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho hay, Bản ghi nhớ Budapest đi kèm với một tuyên bố đã được Pháp và Ukraine ký kết, trong đó yêu cầu tất cả các bên tham gia không được cho phép xảy ra bất kỳ hành vi vi phạm nào đối với các nguyên tắc của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), bao gồm nguyên tắc tôn trọng quyền của các dân tộc thiểu số.

(theo RTE, DPA)