📞

Đức ‘vét’ kho vũ khí để hỗ trợ Ukraine, AU hối Nga đối thoại

Minh Vương 08:45 | 20/04/2022
Chính phủ Đức cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính và vũ khí cho Kiev, đồng thời bày tỏ thái độ cứng rắn với Moscow trong xung đột Nga-Ukraine.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu sau cuộc họp với lãnh đạo phương Tây về xung đột Nga-Ukraine. (Nguồn: AFP)

Ngày 19/4, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố nước này sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine về quân sự và tài chính, dù trên thực tế Berlin đã cạn kiệt nguồn cung để có thể cung cấp từ các kho dự trữ riêng. Thay vào đó, nước này đang làm việc với ngành công nghiệp vũ khí.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 19/4, ông Scholz cho biết, các nhà sản xuất thiết bị quân sự có thể nhanh chóng cung cấp vũ khí, đáp ứng nhu cầu vũ khí chống tăng và phòng không của Ukraine.

Ông khẳng định: “Chúng tôi sẽ cung cấp số tiền cần thiết để mua vũ khí với mục đích tăng cường sức mạnh cho quân đội Ukraine để có thể đẩy lùi các lực lượng Nga”.

Nhà lãnh đạo này cũng cho biết, các đồng minh đang điều phối việc giao hàng cho Kiev.

Ngoài ra, ông Scholz nhấn mạnh, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ phải chịu trách nhiệm khi đẩy hàng nghìn người rơi vào cảnh mất nhà cửa.

Tuyên bố trên được Thủ tướng Đức đưa ra sau khi ông tham gia cuộc hội đàm trực tuyến ngày 19/4 cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg và Thủ tướng Anh Boris Johnson cùng các nhà lãnh đạo của Ba Lan, Nhật Bản và Italy.

Cùng ngày, trong một bài đăng trên Twitter, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat cho biết, ông đã điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và nhấn mạnh luật pháp quốc tế phải được tôn trọng trong cuộc chiến ở Ukraine.

Nhà lãnh đạo châu Phi đồng thời kêu gọi đối thoại để chấm dứt xung đột.

Bình luận của ông được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Lavrov thừa nhận “một giai đoạn khác” của cuộc xung đột đang bắt đầu khi Moscow tiến hành hàng chục cuộc không kích trên khắp miền Đông Ukraine trong đêm.

Hồi tháng 2, AU đã chỉ trích “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine, với việc ông Faki và Chủ tịch hiện tại của khối, Tổng thống Senegal Maki Sall, nói rằng, tình hình có nguy cơ leo thang thành một cuộc “xung đột toàn cầu”.

Tuy nhiên, nhiều nước châu Phi đã thể hiện sự ủng hộ, hoặc tiếp tục giữ hòa khí với Nga.

Vào ngày 2/3, các thành viên của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bỏ phiếu đồng loạt lên án chiến dịch đặc biệt của Nga tại Ukraine. Trong đó, 16/35 quốc gia bỏ phiếu trắng đến từ châu Phi, 8 quốc gia khác không tham gia bỏ phiếu và riêng Eritrea bỏ phiếu chống.

(theo Channels Television/DW)