Đánh giá của Đại sứ về mối quan hệ Đối tác chiến lược Đức-Việt Nam?
Quan hệ Đối tác chiến lược giữa Đức và Việt Nam không ngừng được củng cố và phát triển trong 10 năm qua.
Trong khoảng thời gian này, thế giới cũng đã có nhiều biến đổi. Chương trình nghị sự ngày càng bị chi phối bởi các thách thức toàn cầu mà các quốc gia không thể tự mình giải quyết mà cần phối hợp với các quốc gia khác. Đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu là những ví dụ.
TS. Guido Hildner, Đại sứ Đức tại Việt Nam. (Nguồn: DPA) |
Đức và Việt Nam là hai quốc gia chia sẻ nhiều lợi ích chung, bổ sung tốt cho nhau trong nhiều lĩnh vực hành động và cùng hưởng lợi từ mối quan hệ hợp tác. Hai nước cùng ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do biển cả và thương mại cũng như nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp.
Cụ thể, vào tháng 7/2021, hai nước đã khởi xướng thành lập Nhóm Những người bạn của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển tại New York với mục tiêu tạo ra một diễn đàn nhằm làm rõ các câu hỏi và thách thức liên quan đến Luật Biển.
Hiện Nhóm có trên 100 quốc gia thành viên. Hai nước cũng là những thành viên quan trọng trong khu vực của mình và vì vậy có thể thúc đẩy sự tiếp cận và hợp tác giữa hai khu vực.
Năm 2020, hai nước đã hợp tác chặt chẽ với nhau trong vai trò Chủ tịch luân phiên của mỗi khu vực, Việt Nam với cương vị Chủ tịch ASEAN và Đức trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu. Qua đó, hai nước đã góp phần nâng cấp quan hệ EU – ASEAN lên Đối tác chiến lược.
Việt Nam đã xích lại gần EU hơn nhờ Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực từ tháng 8/2020 giữa EU và Việt Nam. Với việc thông qua Định hướng đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong tháng 9/2020, Đức đã thể hiện một cam kết rõ ràng trong việc tăng cường các nỗ lực của mình tại khu vực Đông Nam Á.
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ bên lề phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York, tháng 9.2021. (Nguồn: TTXVN) |
Bên cạnh đó, mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước còn được thể hiện qua các dự án đặc biệt, chưa từng có tiền lệ đối với nước Đức. Trong đó bao gồm Đại học Việt – Đức tại tỉnh Bình Dương hay Ngôi nhà Đức tại TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, việc ủng hộ 3,45 triệu liều vaccine Astra Zeneca, chỉ riêng trong tháng 9, đã thể hiện sự gắn bó của Đức đối với Việt Nam đồng thời tôn vinh lễ kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước.
Đức hiện đang là quốc gia viện trợ vaccine nhiều nhất cho Việt Nam trong các nước thuộc Liên minh châu Âu. Ông nhận đinh như thế nào về sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực y tế?
Chỉ riêng trong tháng 9/2021, Đức đã viện trợ cho Việt Nam 3,45 triệu liều vaccine Astra Zeneca, trong đó có 850.000 liều qua Cơ chế COVAX và 2,6 triệu liều theo cơ chế song phương.
Bên cạnh đó, ngay từ đầu đại dịch, Đức đã nỗ lực thúc đẩy cơ chế phản ứng đoàn kết và cùng nhau trước đại dịch Covid-19, đặc biệt là trong các khuôn khổ đa phương.
Với phương châm “Không ai an toàn, cho đến khi tất cả mọi người được an toàn”, nước Đức đã đồng sáng lập Cơ chế Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với Covid-19 (ACT-A). Là nhà tài trợ lớn thứ hai của ACT-A, đến nay nước Đức đã đóng góp 2,2 tỉ Euro cho Cơ chế này.
Phần lớn số tiền tài trợ nói trên được cung cấp cho Cơ chế vaccine quốc tế COVAX, một phần được sử dụng cho việc chẩn đoán và điều trị Covid-19. Việt Nam cũng đã nhận được hỗ trợ từ Cơ chế này.
Bên cạnh các nỗ lực đa phương, Đức sẽ viện trợ tới 100 triệu liều vaccine cho các nước đang phát triển và mới nổi từ nguồn dự trữ của mình. Ngoài việc hỗ trợ vaccine, Đức và Việt Nam còn hợp tác chặt chẽ với nhau trong lĩnh vực phòng chống dịch bệnh.
Bộ Ngoại giao tiếp nhận 2,6 triệu liều vaccine AstraZeneca phòng Covid-19 từ Chính phủ Đức, ngày 27/9/2021. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Đầu năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã ủng hộ Đức hơn 100.000 khẩu trang. Vào mùa hè năm 2021, một số bang của Đức đã viện trợ cho Việt Nam tổng cộng một triệu kít xét nghiệm nhanh kháng nguyên cũng như khẩu trang, quần áo bảo hộ và tủ lạnh chuyên dụng.
Lĩnh vực hợp tác phát triển giữa Đức và Việt Nam cũng góp phần vào việc ứng phó với đại dịch Covid-19. Một khoản kinh phí lên đến 104 triệu Euro sẽ được sử dụng để triển khai các dự án hiện tại và tương lai trong các lĩnh vực đào tạo nghề, phòng chống dịch bệnh, Một Sức khỏe (One Health), Phục hồi Xanh (Green Recovery), mạng lưới an sinh xã hội và số hóa.
Trong đó bao gồm kế hoạch xây dựng một trung tâm phòng chống dịch bệnh cùng với Bộ Y tế Việt Nam cũng như thiết lập các dịch vụ tư vấn về phòng chống buôn bán động vật hoang dã. Thêm vào đó, hiện Việt Nam và Đức đang xem xét khả năng cung ứng trang thiết bị y tế thông qua một khoản vay hỗ trợ hợp tác phát triển.
Tháng 5 vừa qua, Cơ quan Trao đổi hàn lâm Đức (DAAD) đã thành lập một trong bốn trung tâm toàn cầu về y tế và phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam. Trung tâm này sẽ giúp phòng ngừa và điều trị các căn bệnh truyền nhiễm. Nhân sự nghiên cứu dự kiến được thu hút qua chương trình PhD chuyên ngành y học thực nghiệm, thực tập và học bổng. Cán bộ y tế và các nhân sự khác được đào tạo qua các hội thảo tập huấn và hội thảo bồi dưỡng chuy
| Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức: Hiệu quả và thực chất TGVN. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas đã có bài viết dành riêng cho TG&VN về quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức ... |
Đức và Việt Nam có thể làm gì để cùng thúc đẩy quan hệ kinh tế hậu đại dịch?
Phục hồi kinh tế sau đại dịch đi kèm với nhiệm vụ khắc phục biến đổi khí hậu. Đây là một thách thức nhưng cũng là một cơ hội, bởi điều này giúp kiến thiết nền kinh tế với mục tiêu trung hòa khí hậu và thân thiện với môi trường.
Trọng tâm ở đây là: “Phục hồi xanh”. Đây không chỉ là một điều cần thiết do các yêu cầu về khí hậu mà còn xuất phát từ các lí do kinh tế. Các nền kinh tế hàng đầu thế giới đang cải tổ theo mục tiêu này.
Nhiên liệu hóa thạch đang trở thành quá khứ. Quốc gia nào muốn kiến thiết một nền kinh tế hiện đại và có khả năng cạnh tranh thì cần ngưng sử dụng năng lượng hóa thạch.
Tương lai thuộc về năng lượng tái tạo. Trong lĩnh vực này, Đức và Việt Nam có nhiều cơ hội hợp tác. Tại Đức, các loại năng lượng tái tạo như điện gió, thủy điện, điện mặt trời và điện sinh khối hiện đã chiếm tỉ trọng 46% tổng sản lượng điện và sẽ tiếp tục gia tăng.
Thêm vào đó là nguồn năng lượng mới của tương lai: Hydro xanh. Đến cuối năm 2022, Đức sẽ từ bỏ năng lượng nguyên tử và muộn nhất là đến năm 2038 sẽ ngưng sử dụng năng lượng từ than. Đến năm 2045, Đức muốn đạt được mục tiêu trung hòa khí hậu.
Việt Nam cũng đạt được nhiều tiến bộ trong việc mở rộng năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Điều này cần được tiếp tục thúc đẩy. Một nhiệm vụ quan trọng là bảo đảm mạng lưới điện và tăng cường hiệu quả năng lượng. Đức sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.
Tiếp nhận 850.000 liều vaccine AstraZeneca thông qua cơ chế COVAX là một phần của tổng số vaccine Chính phủ Đức tài trợ cho Việt Nam 3,45 triệu liều vào tháng 9/2021. (Nguồn: ĐSQ Đức tại Hà Nội) |
Xin ông cho biết những triển vọng trong lĩnh vực hợp tác phát triển giữa hai bên?
Từ nhiều năm nay, Đức và Việt Nam đã tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển. Trong chiến lược mới về hợp tác phát triển của Đức, Việt Nam được xếp hạng là Nước đối tác toàn cầu. Điều này càng nhấn mạnh hơn nữa ý nghĩa của sự hợp tác.
Ba lĩnh vực trọng tâm cho đến nay là bảo vệ môi trường, năng lượng/khí hậu và đào tạo nghề đã được minh chứng là một lựa chọn đúng đắn và cần được tiếp tục thúc đẩy.
Cuối tháng 7 vừa qua đã diễn ra cuộc đàm phán song phương ở cấp Chính phủ về hợp tác phát triển. Hai nước đã thống nhất ba chủ đề cốt lõi là “Trách nhiệm đối với hành tinh của chúng ta – Khí hậu và năng lượng”, “Bảo vệ các nền tảng sống của chúng ta – Môi trường và tài nguyên thiên nhiên” cũng như “Đào tạo và tăng trưởng bền vững cho việc làm có chất lượng”.
Bên cạnh đó còn có các dự án liên quan đến các chủ đề “Y tế/ Đại dịch/ Một sức khỏe” cũng như “Hòa bình và Hợp tác xã hội”. Đức sẽ hỗ trợ thêm cho Việt Nam hơn 140 triệu Euro trong hai năm tới.
Để thực hiện các dự án nói trên, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) sẽ bố trí đại diện tại Việt Nam.
| Cơ hội tuyệt vời cho những công ty khởi nghiệp Việt Nam-Đức Đại sứ quán Việt Nam tại Đức đã tham dự sự kiện “Kết nối Startup Việt-Đức hướng tới phát triển bền vững” theo hình thức ... |
| Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier Tiếp tục các hoạt động trong chuyến công tác tại New York, Hoa Kỳ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp với ... |