Tổng thống Nga Medvedev và Tổng thống Mỹ Obama sau khi ký START ngày 8/4 (Ảnh: AFP) |
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Duma Quốc gia Nga, ông Konstantin Kosachev cho biết, ngoài các đại biểu Duma quốc gia, tham gia thảo luận về START mới còn có các đại diện cấp cao của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Nga.
START mới đã được Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tổng thống Mỹ Barack Obama ký ngày 8/4 tại Praha (Czech), sau đó, Tổng thống Obama đã đệ trình Thượng viện Mỹ ngày 13/5 và Tổng thống Medvedev đệ trình Duma quốc gia Nga ngày 28/5 để xem xét phê chuẩn.
Theo thỏa thuận giữa 2 bên, Nga và Mỹ sẽ đồng thời phê chuẩn văn kiện này, dự kiến vào tháng 9/10 tới.
START mới có thời hạn 10 năm, quy định trong vòng 7 năm tới, Nga và Mỹ đều giảm 1/3 số đầu đạn hạt nhân của mỗi bên, từ mức 2.200 đơn vị xuống còn 1.550, và giảm hơn 2 lần số phương tiện phóng đầu đạn này, từ mức 1.600 đơn vị xuống còn 700.
Dư luận đánh giá quan điểm khác nhau giữa Nga và Mỹ về sự ràng buộc giữa vũ khí tiến công chiến lược và vũ khí phòng thủ chiến lược là "vật cản" chính trên con đường hai bên thảo luận và phê chuẩn START mới.
Trong khi Nga khẳng định văn kiện này quy định sự ràng buộc pháp lý giữa vũ khí tiến công chiến lược và vũ khí phòng thủ chiến lược, thì phía Mỹ lại cho rằng văn kiện không cấm Lầu Năm Góc triển khai các bộ phận của hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) tại các khu vực khác nhau trên thế giới.
Phía Nga đã nhiều lần phản đối và lên tiếng cảnh báo hậu quả của việc Mỹ triển khai lá chắn tên lửa tại các nước Đông Âu, gồm Romania, Bulgaria, Czech và Ba Lan.
Theo TTXVN