Mỹ trở thành nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới vào năm ngoái, chủ yếu lấp đầy khoảng trống mà Nga để lại. (Nguồn: Reuters) |
“Đừng bao giờ lãng phí một cuộc khủng hoảng tốt”. Câu nói nổi tiếng của cố Thủ tướng Anh Winston Churchill có lẽ phản ánh tốt nhất hành động của Mỹ trước cuộc khủng hoảng năng lượng đã càn quét châu Âu trong hai năm qua. Các số liệu thống kê đã nói lên điều này.
Chiếm lĩnh thị trường năng lượng châu Âu
Mỹ đã trở thành nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới vào năm ngoái, chủ yếu lấp đầy khoảng trống mà Nga để lại. Do các biện pháp trừng phạt kinh tế từ Liên minh châu Âu (EU) liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow tại Ukraine, xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu lục này đã giảm đáng kể, nhường lại vị trí nhà cung cấp cho một số nước khác, trong đó có Mỹ.
Đồng thời, theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ, năm 2022, châu Âu cũng trở thành điểm đến chính cho xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của nước này, chiếm 64% tổng lượng nhập vào của châu lục, tăng từ 23% của năm trước.
Giờ đây, Mỹ đang tìm cách lặp lại câu chuyện thành công này trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân bằng cách thúc đẩy chuyển giao các lò phản ứng mô-đun nhỏ, còn gọi là SMR, do nước này sản xuất, tới các quốc gia Đông Âu.
SMR là lò phản ứng hạt nhân tiên tiến có công suất điện đến 300 MWe trên mỗi tổ máy, bằng khoảng 1/3 công suất phát điện của lò phản ứng điện hạt nhân truyền thống.
Chưa có SMR nào đang hoạt động trên toàn cầu nhưng công nghệ này được coi là đầy hứa hẹn và đã được nêu trong Đạo luật công nghiệp Net-Zero của Ủy ban châu Âu (EC) được đưa ra vào tháng 3 năm nay. Ưu điểm chính của chúng là có thể được lắp ráp tại nhà máy và giao hàng đến mọi nơi trên thế giới, kể cả những vùng sâu vùng xa có phạm vi phủ sóng lưới điện hạn chế.
Một số công ty đã phát triển SMR, bao gồm Nuward - công ty con thuộc công ty tiện ích nhà nước EDF của Pháp và NuScale có trụ sở tại Mỹ.
Tuy nhiên, Mỹ nhanh hơn và kiên quyết hơn EU khi tiếp thị SMR cho những người mua tiềm năng ở Đông Âu.
Tại Hội nghị thượng đỉnh ở Bucharest vào tháng trước, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Geoffrey Pyatt đã ca ngợi về “liên minh hạt nhân dân sự với Romania” của Mỹ, nhấn mạnh kế hoạch xây dựng một SMR ở Romania vào năm 2029.
Tương tự, theo ông Pyatt, Mỹ đang đàm phán với Czech để triển khai SMR “vào cuối những năm 2020”, sớm hơn thời hạn năm 2032 mà Prague dự định ban đầu.
Các dự án SMR của Czech và Romania là một phần trong kế hoạch rộng lớn hơn của Washington, được gọi là “Dự án Phoenix”, nhằm thay thế các nhà máy điện đốt than gây ô nhiễm ở Trung và Đông Âu. Hôm 7/9 vừa qua, Mỹ công bố, Slovakia và Ba Lan cũng được chọn tham gia dự án này.
Dự án Phoenix lần đầu tiên được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27 của Liên hợp quốc vào năm ngoái bởi ông John Kerry, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, Trợ lý Pyatt thừa nhận rằng, Dự án Phoenix vượt xa những lo ngại về biến đổi khí hậu, đồng thời cho biết, Mỹ coi vấn đề an ninh năng lượng là “yếu tố cốt lõi của an ninh xuyên Đại Tây Dương”.
Trong cuộc họp báo ngắn vào tháng trước, ông Pyatt giải thích: “Chúng tôi muốn hỗ trợ các đồng minh và đối tác của mình. Và điều đó ‘bắt đầu trong bối cảnh xuyên Đại Tây Dương, nơi chúng ta có một mạng lưới liên minh dày đặc, bao gồm cả thông qua Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”.
Đặt năng lượng trong bối cảnh an ninh địa chính trị
Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine (từ tháng 2/2022) thực sự đã khiến nhiều chính phủ ở châu Âu nhận ra rằng, các vấn đề về năng lượng có khía cạnh an ninh vượt ra ngoài các lĩnh vực truyền thống của kinh tế thị trường hoặc chính sách môi trường.
Bản thân ông Pyatt cũng cởi mở về điều này, cho biết mục tiêu chiến lược của Mỹ ở Đông Âu là đánh bại “nỗ lực vũ khí hóa năng lượng của Nga thông qua việc sử dụng biện pháp ép buộc chống lại các đồng minh của Washington ở châu Âu”.
Ông nói: “Cốt lõi sức mạnh, an ninh quốc gia của chúng ta nằm ở các đồng minh và quan hệ đối tác”, đồng thời đặt chương trình SMR của Mỹ vào bối cảnh an ninh địa chính trị và toàn cầu.
Quan chức Mỹ tóm tắt: An ninh năng lượng “là vấn đề cốt lõi toàn cầu”.
Tuy nhiên, ở châu Âu, những cân nhắc về địa chính trị như vậy vẫn chưa thể được chấp nhận khi nói đến năng lượng hạt nhân.
Đức và Áo, ngay từ đầu, phản đối các chương trình hạt nhân do EU tài trợ - ngay cả đối với SMR, được coi là an toàn hơn các nhà máy hạt nhân quy mô lớn truyền thống. Đối với hai nước này, EU chỉ nên tham gia vào việc phổ biến các công nghệ sạch như năng lượng tái tạo.
Trong khi đó, đối với những người Pháp ủng hộ hạt nhân, Dự án Phoenix đang gây ra cả sự ghen tị lẫn lo ngại.
Mỹ đang tìm cách lặp lại câu chuyện thành công với LNG trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. (Nguồn: Getty) |
Ông Christophe Grudler, một nhà lập pháp người Pháp trong Nghị viện châu Âu cho biết: “Người Mỹ đã đúng khi nói rằng, năng lượng mang tính chiến lược và địa chính trị”.
Từ góc độ châu Âu, ông Grudler cho biết, câu hỏi có thể được trình bày một cách đơn giản: “Nắm giữ vận mệnh của mình và không phụ thuộc vào người khác - hôm qua là khí đốt của Nga, hôm nay là LNG của Mỹ”.
Một trong những phản ứng ở cấp EU là Đạo luật Công nghiệp Net-Zero, được thông qua vào tháng 3, trong đó liệt kê SMR nằm trong số một loạt công nghệ được coi là “chìa khóa” cho quá trình chuyển đổi carbon thấp của châu Âu.
Ông Grudler, người đang thúc đẩy EU hỗ trợ công nghệ SMR thế hệ thứ ba và thứ tư, cho rằng, điều này sẽ ngăn châu Âu “tự nhốt mình vào một công nghệ của Mỹ khiến chúng ta rơi vào tình trạng phụ thuộc”.
Nhà lập pháp Pháp bác bỏ mọi cáo buộc về chủ nghĩa biệt lập, nói rằng mục tiêu của châu Âu là xây dựng “quan hệ đối tác cân bằng” với Mỹ, chẳng hạn như động cơ LEAP do tập đoàn GE của Mỹ và Safran của Pháp phát triển, cung cấp năng lượng cho cả máy bay Boeing và Airbus.
“Và để làm được điều đó, trước tiên chúng ta cần tạo ra ngành công nghiệp SMR ở châu Âu. Đó là lý do tại sao tôi đang thúc đẩy việc thành lập liên minh SMR châu Âu”, ông Grudler nói.
Hiệp hội thương mại hạt nhân châu Âu ủng hộ động thái này và cho biết: “Điều quan trọng là EU tập trung vào việc đảm bảo độc lập về năng lượng và chủ quyền công nghiệp”.
Tuy nhiên, về mặt chính trị mà nói, việc thành lập một liên minh SMR ở châu Âu sẽ rất phức tạp, đồng thời chỉ ra sự chia rẽ về năng lượng hạt nhân ở châu Âu.
Dù vậy, ông cho biết, việc xây dựng ngành công nghiệp SMR của châu Âu là điều cần thiết cho “quyền tự chủ chiến lược” của EU, đặc biệt khi xét đến việc các nước Đông EU đang trong quá trình tự trang bị công nghệ của Mỹ.
Điều trớ trêu, theo ông Grudler, là công ty NuScale của Mỹ không có đủ tiền để xây dựng nhà máy khổng lồ theo kế hoạch và đang dựa vào hợp đồng với các nước Đông Âu để được hỗ trợ tài chính.
“Vì vậy, chiến lược của họ là ký hợp đồng ở châu Âu nhằm có được số tiền cần thiết để xây dựng nhà máy SMR. Và người châu Âu chúng ta sẽ tài trợ cho việc này? Điều đó thật vô nghĩa. Với tư cách là người châu Âu, chúng ta nên thúc đẩy ngành công nghiệp của chính mình”, nhà lập pháp nói.
Chắc chắn, châu Âu có rất nhiều bài học từ Mỹ về cách xử lý khủng hoảng. Khi nói đến năng lượng, những cân nhắc về an ninh và độc lập phải được đặt lên hàng đầu khi EU chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh song phương với Mỹ tại Washington vào ngày 20/10 tới.