Khách du lịch tại Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. (Nguồn: Getty Images) |
Thời gian qua, truyền thông nhắc nhiều về những cơn gió ngược tác động đến nền kinh tế Trung Quốc. Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước đã đạt mức thấp nhất trong 30 năm, tỷ lệ sinh tiếp tục giảm mạnh và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên ở mức đáng lo ngại.
Trong khi đó, thị trường tài chính đang "chảy máu", thị trường bất động sản khó chồng khó, nợ chính quyền địa phương ở mức đáng báo động và các nhà đầu tư nước ngoài đang lũ lượt rút lui.
Ba trụ cột mới
Bất chấp những thách thức kể trên, vẫn có một số lĩnh vực đang tiếp tục phát triển mạnh ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tin liên quan |
Bất chấp nỗ lực 'ngáng đường' của Mỹ, nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc vẫn gặt hái thành tựu |
Các nhà phân tích tại Công ty quản lý tài sản AllianceBernstein nhận định, tin xấu liên tục từ lĩnh vực bất động sản làm lu mờ những yếu tố kiên cường hơn của nền kinh tế. Mặc khó khăn, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn tăng trưởng hơn 5% trong năm 2023.
"Rõ ràng, các ngành công nghiệp khác đang tăng trưởng với tốc độ nhanh", các nhà phân tích tại AllianceBernstein nhấn mạnh.
Còn ông John Lin, Giám đốc cấp cao tại AllianceBernstein đánh giá, tại Trung Quốc, nền kinh tế đang thể hiện hai mặt trái ngược.
Ông nói, trong khi bất động sản - vốn là một phần quan trọng trong nền kinh tế - đã bị ảnh hưởng nặng nề thì lĩnh vực tiêu dùng hay sản xuất công nghiệp lại đang hoạt động khá tốt.
Ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, các doanh nghiệp đã "rục rịch" rời nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Lý do rất đa dạng, từ cuộc chiến thương mại của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đến tiền lương tăng và mong muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp.
Để nâng cao chuỗi giá trị, các ngành công nghiệp tập trung vào tính bền vững là lĩnh vực trọng tâm chính của Bắc Kinh. Trong đó, chú trọng phát triển ba ngành công nghiệp mới gồm xe điện, pin lithium-ion và pin Mặt trời để thúc đẩy nền kinh tế.
Bà Louise Loo, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Công ty tư vấn Oxford Economics cho rằng, những ngành công nghiệp mới này được thiết lập để thay thế “ba trụ cột cũ” là đồ nội thất, hàng may mặc và thiết bị gia dụng trong nền kinh tế.
"Họ đang làm tốt!", bà khẳng định.
Nhờ trợ cấp của chính phủ, Trung Quốc đã trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới. Xe điện do đất nước sản xuất hiện đang được xuất khẩu sang châu Âu và hơn thế nữa.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng là nhà sản xuất hàng đầu về pin lithium, sắt, cung cấp năng lượng cho nhiều ô tô điện. Điều này đã cho phép hai công ty pin hàng đầu của Trung Quốc là BYD và CATL kiểm soát khoảng một nửa thị trường toàn cầu.
Đối với các tấm pin Mặt trời, quốc gia này cũng đang thúc đẩy kế hoạch chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ.
Công ty tư vấn và nghiên cứu hàng hóa Wood Mackenzie kỳ vọng, Trung Quốc sẽ thống trị 80% công suất sản xuất năng lượng mặt trời toàn cầu cho đến năm 2026.
Thị trường bất động sản khó chồng khó. (Nguồn: Shutterstock) |
Du lịch khởi sắc
Du lịch, dịch vụ là một trụ cột khác của nền kinh tế mà Bắc Kinh đang cố gắng xây dựng.
Sự bất ổn về kinh tế đã ảnh hưởng đến "ví tiền" của người tiêu dùng. Mặc dù vậy, lượng khách du lịch nội địa vẫn tăng vọt, sau nhiều năm bị gián đoạn vì đại dịch.
Ngày 18/2, Bộ Văn hoá và Du lịch Trung Quốc công bố cho thấy, số lượt khách du lịch nội địa ở nước này trong kỳ nghỉ kéo dài 8 ngày là 474 triệu lượt, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 19% so với mức ghi nhận vào năm 2019 - năm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Lượng du khách này đã chi 632,7 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 88 tỷ USD) tăng 47,3% so với cùng kỳ năm trước và tăng 7,7% so với trước đại dịch.
Theo báo cáo mới nhất của Viện nghiên cứu Du lịch Trung Quốc, năm 2024, ước tính người dân nước này sẽ thực hiện khoảng 6 tỷ chuyến du lịch nội địa, tăng mạnh so với mức gần 4,9 tỷ chuyến vào năm 2023.
Tổng số khách Trung Quốc đi du lịch trong và ngoài nước năm nay dự kiến sẽ đạt hơn 260 triệu lượt.
Ông David Goodger, Giám đốc điều hành khu vực châu Âu và Trung Đông của tổ chức Tourism Economics cho biết, du lịch Trung Quốc sẽ có những bước tiến lớn hơn nữa để phục hồi vào năm 2024.
Ông khẳng định: "Chúng tôi dự đoán trong năm tới, chi tiêu cho du lịch quốc tế của thị trường này sẽ vượt qua mức năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch xảy ra. Sự hài lòng của khách du lịch vẫn ở mức cao và ngành du lịch đã tăng tốc sang một giai đoạn phát triển mới chất lượng cao".
Bên cạnh đó, đi xem phim rạp đã trở thành một trong những hoạt động giải trí phổ biến nhất trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay, với doanh thu của các rạp chiếu phim ở Trung Quốc vượt 8 tỷ Nhân dân tệ trong 8 ngày nghỉ - mức cao chưa từng thấy.
Giám đốc Shen Meng của ngân hàng đầu tư Chanson & Co ở Bắc Kinh cho rằng, đây là kỳ nghỉ Tết đầu tiên mà người dân Trung Quốc được tự do đi lại sau đại dịch, nên nhiều người sẵn sàng mở ví để “xả stress”.
“Mọi người cũng hy vọng năm con rồng sẽ mang lại bước đột phá cho nền kinh tế”, ông dự đoán.
Cần thêm thời gian
Dù có điểm sáng nhưng nhiều chuyên gia nhận thấy, triển vọng kinh tế trước mắt tại nước này không mấy khả quan.
Ông Rory Green, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại công ty tư vấn TS Lombard nêu quan điểm: "Chúng tôi tiếp tục nhận thấy, chi tiêu tiêu dùng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ giảm tốc vào năm 2024 do các tác động tiêu cực về thu nhập, niềm tin và tài sản đè nặng lên các hộ gia đình.
Thêm vào đó, doanh số bán lẻ sẽ giảm 4% đến 5% trong năm nay so với một năm trước. Nguyên nhân do các ngành tăng trưởng mới vẫn chưa thể thay thế được lĩnh vực bất động sản".
Theo nhà kinh tế này, thị trường bất động sản chiếm 1/4 GDP của Trung Quốc và hơn 2/3 tài sản hộ gia đình. Vì vậy, lực cản tổng thể của nó đối với nền kinh tế Trung Quốc lớn hơn nhiều so với bất cứ điều gì đang diễn ra.
Các chuyên gia cũng cùng chung nhận định, nền kinh tế này cần thêm thời gian để phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng mạnh.
| G7 'xa lánh' kim cương Nga: Moscow bị cô lập hay phương Tây phải đi đường vòng? Kể từ tháng 3/2024, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ mở rộng các biện pháp trừng phạt đối ... |
| Công tác Ngoại giao kinh tế năm 2024: Khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới “Hết sức chủ động, sáng tạo, đổi mới tư duy, cách làm” là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ... |
| Ấn Độ - nơi thế giới đang tìm kiếm để thúc đẩy tăng trưởng? Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từng nói rằng, ông muốn quốc gia Nam Á trở thành nền kinh tế trị giá 5.000 tỷ USD ... |
| Khơi dậy động lực, tinh thần kinh doanh, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế Sáng 29/2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ về cải thiện ... |
| Xung đột Nga-Ukraine: Kiev kêu gọi Mỹ và phương Tây ‘tấn công tổng lực’ trên mặt trận này, hiến kế thêm đòn trừng phạt, rốt ráo bịt các lỗ hổng Hơn 17.000 lệnh trừng phạt cá nhân và tổ chức đã được thi hành chống lại Nga kể từ khi xung đột Nga-Ukraine khởi phát, ... |