Các hộ gia đình Trung Quốc trở nên thận trọng trong việc chi tiêu, đặc biệt là mua bất động sản. (Nguồn: Getty Images) |
Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang gặp khủng hoảng, thu nhập xuất khẩu sụt giảm, dòng vốn ngoại đang lũ lượt "tháo chạy" khỏi thị trường Trung Quốc.
Nhìn về phía trước, các nhà phân tích dự đoán, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ phải đối mặt với những "cơn gió ngược" gay gắt trong năm nay và Bắc Kinh cần đưa ra các biện pháp để kích thích tiêu dùng nội địa nhiều hơn.
Nỗi lo giảm phát
Trung Quốc đang trải qua thời kỳ giảm phát dài nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Giá tiêu dùng đã giảm trong tháng 1/2024.
Cụ thể, trong tháng đầu năm nay, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 của Trung Quốc giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2009 và sâu hơn nhiều so với mức dự báo giảm 0,5% mà giới chuyên gia kinh tế đưa ra trước đó.
Trong đó, lạm phát lõi chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng 0,6% ghi nhận trong tháng 12/2023. Giá dịch vụ tăng 0,5%, bằng một nửa mức tăng của tháng trước.
Không chỉ giá tiêu dùng giảm, chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) giảm 2,5% trong tháng 1 so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng giảm thứ 16 liên tiếp của giá hàng hoá tại cổng nhà máy.
Tin liên quan |
Hai nền kinh tế lớn của thế giới 'cập bến' suy thoái, Mỹ tự tin đi ngược chiều? |
Giới chuyên gia nhìn nhận, đà giảm có thể kéo dài trong năm 2024. Nếu các hộ gia đình và doanh nghiệp trì hoãn mua hàng với hy vọng hàng hóa sẽ tiếp tục rẻ hơn, tình trạng giảm phát sẽ trở nên nguy hiểm. Song song với đó, giảm phát cũng gây áp lực lên người đi vay khi chi phí thực tế của tiền vay đang tăng lên.
Ở Trung Quốc - tỷ lệ nợ trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), bao gồm cả nợ của chính quyền địa phương - đã đạt 110% vào năm 2022. Điều này khiến các nhà hoạch định chính sách ngày càng đau đầu.
Trong những tháng gần đây, chính quyền đã tăng cường các biện pháp hỗ trợ nhằm ngăn chặn tình trạng giá nhà sụt giảm. Những biện pháp hỗ trợ bao gồm hạ lãi suất thế chấp khi mua nhà, các ngân hàng được phép nắm giữ lượng dự trữ tiền mặt nhỏ hơn để thúc đẩy hoạt động cho vay.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhìn nhận, "tai ương" giảm phát của Trung Quốc có thể bắt nguồn từ lĩnh vực bất động sản, khu vực chiếm 20-30% GDP của đất nước.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Trung Quốc đã bùng nổ hoạt động cho vay để xây dựng nhà ở nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng sau nhiều thập niên, nguồn cung nhà ở đã vượt quá nhu cầu.
Theo cơ quan xếp hạng Fitch, trong bối cảnh một số nhà phát triển bất động sản nổi tiếng vỡ nợ (đơn cử như Tập đoàn Evergrande), doanh số bán nhà mới tại Trung Quốc đã giảm 10-15% vào năm 2023 so với một năm trước đó.
Ngược lại, các hộ gia đình tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trở nên thận trọng trong việc chi tiêu, đặc biệt là mua bất động sản.
Cụ thể, năm 2022, tiêu dùng hộ gia đình chỉ chiếm 38% GDP của Trung Quốc. So sánh với Mỹ, cũng trong năm 2022, chi tiêu tư nhân chiếm tới 68% GDP.
Sheana Yue, nhà kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics nhấn mạnh: “Các hộ gia đình cạn kiệt tiền tiết kiệm trong thời kỳ đại dịch. Sự sụp đổ của lĩnh vực bất động sản càng làm suy yếu niềm tin của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với tình trạng dân số già. Thông thường, chi tiêu giảm theo tuổi tác. Kết quả cuối cùng là tổng tiết kiệm quốc gia vượt quá 40% vào năm 2023, cao hơn gấp đôi ở Mỹ".
Theo chuyên gia kinh tế này, trong tương lại, việc thuyết phục mọi người tiêu tiền tiết kiệm sẽ không dễ dàng. Trong nhiều thập niên, các nhà kinh tế đã khuyến khích chính phủ tái cân bằng nền kinh tế, chuyển từ đầu tư sang tiêu dùng.
Bắc Kinh đã thể hiện sự sẵn sàng đầu tư mới vào các lĩnh vực công nghệ hướng tới người tiêu dùng hơn, như năng lượng tái tạo và xe điện. Hình ảnh đường phố Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Linh Chi) |
"Trông cậy" vào các lĩnh vực công nghệ cao
Các nhà phân tích kỳ vọng tháng 3/2024, Quốc hội Trung Quốc sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng hàng năm khoảng 5%.
Victor Shih, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Đại học California (Mỹ) kỳ vọng, mô hình tăng trưởng kinh tế nhờ đầu tư tại Trung Quốc sẽ tiếp tục giữ vững.
Ông Shih nêu quan điểm, Bắc Kinh có thể tăng mức tiêu dùng hộ gia đình bằng cách yêu cầu các doanh nghiệp trả lương cao hơn. Tuy nhiên, lợi thế sản xuất của Trung Quốc một phần dựa trên thu nhập của người lao động thấp do đó, mức lương cao hơn sẽ làm suy yếu hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc.
Ông Gary Ng, chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis ở Hong Kong (Trung Quốc) nhận thấy, Bắc Kinh có những ưu tiên chiến lược khác. Quốc gia này có thể quan tâm đến việc tối ưu hóa nền kinh tế để đảm bảo an ninh và khả năng phục hồi.
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã đầu tư mạnh vào các ngành công nghiệp chiến lược như trí tuệ nhân tạo (AI) và chip máy tính tiên tiến. Đất nước cũng đã đặt mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và hỗ trợ các tham vọng địa chính trị lâu dài.
Đặc biệt, theo ông Gary Ng, Bắc Kinh đã thể hiện sự sẵn sàng đầu tư mới vào các lĩnh vực công nghệ hướng tới người tiêu dùng hơn, như năng lượng tái tạo và xe điện.
"Không giống như bất động sản, những ngành nói trên có khả năng tạo việc làm và thúc đẩy khả năng tự cung tự cấp của nền kinh tế. Chuyển đổi kinh tế cần có thời gian và không có 'liều thuốc thần kỳ nào giúp tăng trưởng nhanh như chớp'.
Đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao sẽ dần dần cải cách cơ sở kinh tế của Trung Quốc”, chuyên gia kinh tế Gary Ng khẳng định.
Còn ông Kevin P Gallagher, giám đốc Trung tâm chính sách phát triển toàn cầu của Đại học Boston (Mỹ) thì cho rằng, quỹ đạo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đôi khi lành mạnh hơn những gì được mô tả.
Ông nhận định: “Thật dễ dàng để quên đi đà phát triển kinh tế của Bắc Kinh kể từ những năm 1990. Tăng trưởng đã chậm lại từ mức cao gần đây, nhưng vẫn đạt 5,2% (năm 2023) - mức tăng trưởng cao so với nhiều quốc gia trong khu vực. Đặc biệt, các dự báo cho tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đều vững chắc.
Tuy nhiên, để phát huy thành công đáng chú ý, đất nước cần rũ bỏ sự rụt rè trong việc xoay trục đầu tư-tiêu dùng".
Dù vậy, năm 2024 có thể nhấn mạnh tính cấp thiết của cải cách tại nền kinh tế này. Nếu ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử và chọn tham gia vào một cuộc chiến thương mại mới, Bắc Kinh sẽ cần tự chủ hơn.
Dù vậy, ông Gallagher vẫn tự tin rằng, năm con Rồng có thể là thời điểm lý tưởng để Trung Quốc tăng cường nỗ lực giải phóng tiêu dùng nội địa.
| Bất chấp nỗ lực 'ngáng đường' của Mỹ, nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc vẫn gặt hái thành tựu Vài tháng qua, nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc - SMIC - đã miệt mài sản xuất chip tiên tiến, bất chấp các ... |
| Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc: Bắc Kinh đã bị tụt lại phía sau, quan hệ với Washington và EU nguội lạnh dần? Các nền kinh tế lớn ngày càng hạn chế sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Nhưng nhiều nền kinh tế mới nổi và các nước ... |
| Tăng trưởng của Nhật Bản bất ngờ vượt Trung Quốc, lý do thực sự là gì? Theo số liệu GDP sơ bộ năm 2023 do Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 15/2, tốc độ tăng trưởng danh nghĩa ... |
| Du lịch tiếp tục là 'ngôi sao' của kinh tế Trung Quốc, Đông Nam Á được ưa chuộng nhất Không chỉ du lịch nội địa bùng nổ, du lịch nước ngoài cũng gia tăng ấn tượng trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán năm nay, ... |
| Trung Quốc tuyên bố ủng hộ hội nhập châu Âu, 'cởi trói' thịt bò Tây Ban Nha Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) nhằm duy trì thương mại tự do, thực hiện chủ nghĩa đa phương, ... |