📞

Đừng để “chuột chạy cùng sào…”

14:00 | 12/08/2017
Trao đổi với TG&VN, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng) cho rằng, với đầu vào thấp, các trường sư phạm phải chứng minh được sẽ có chương trình đào tạo như thế nào, đảm bảo chất lượng ra sao, mới mong lấy lại niềm tin của xã hội.

Khi mà ngành giáo dục cần thu hút người giỏi lại có điểm đầu vào thấp. Quan điểm của Tiến sĩ về thực trạng này ra sao?

Tôi cho rằng, lo lắng của mọi người về điểm chuẩn sư phạm thấp sẽ đào tạo ra giáo viên chất lượng thấp là có lý do, có cơ sở. Tôi là người đã đặt vấn đề với Bộ GD&ĐT từ nhiều năm nay, rằng không nên quản lý điểm sàn. Bởi điểm sàn là của các trường, hãy để người ta tự khẳng định.

Mặt bằng điểm sàn chỉ là một yếu tố chứ không phải tất cả, càng không phải đầu vào tốt, đầu ra cũng sẽ tốt. Phần lớn các nước trên thế giới cũng thế thôi, đầu vào chỉ là một thông số tham khảo chứ không phải quyết định. Vì thế, chúng ta cũng không nên lo lắng quá, bi quan quá. Đây là một hiện tượng và phải tìm ra cách giải quyết.

Đâu là nguyên nhân khiến ngành sư phạm không thu hút được người giỏi dù điểm chuẩn rất thấp?

Hiện nay, ngành sư phạm không hút được người giỏi trong khi giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu. Tôi cho đây là một hạn chế và chúng ta buộc phải thừa nhận, không thể trốn tránh được. Vì sao lại có hiện tượng như thế?

Hiện nay trong giáo dục đang có những biến động, nhất là vừa qua dư luận giáo viên không được biên chế cũng ảnh hưởng rất lớn. Đặc biết, số sinh viên thất nghiệp ở các tỉnh rất nhiều.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm. (Ảnh: YN)

Trên thực tế, đời sống giáo viên quá khó khăn. Chỉ một bộ phận giáo viên thành phố dạy thêm một số môn, còn phần đông đời sống của họ còn nhiều thiếu thốn. Người thầy không nuôi nổi mình, làm sao phát triển được? Đồng thời, nhà giáo còn phải chịu dư luận nhìn nhận, mạng xã hội phát triển. Người thầy làm sai bất cứ điều gì, dù nhỏ nhất cũng bị đưa lên mạng xã hội.

Từ những áp lực đó, ngành giáo không còn “hót” nữa. Để rồi, các bạn trẻ ngó lơ, thờ ơ với ngành sư phạm, số lượng lựa chọn ngành sư phạm giảm đi rất nhiều cũng là điều dễ hiểu.

Điểm chuẩn sư phạm “chạm đáy” khiến nhiều người không khỏi xót xa. Là người trong ngành, hẳn ông cũng có nhiều trăn trở?

Đầu vào của các trường sư phạm chỉ là một khía cạnh, một yếu tố, không phải là yếu tố quyết định tất cả. Cái quyết định là phương thức đào tạo, chương trình đào tạo có phù hợp với yêu cầu giáo dục đổi mới của nhà nước không? Thực sự đào tạo giáo viên phải có năng lực thật.

Nhưng trên thực tế, chúng ta rất dễ đi theo vết xe đổ cũ là đào tạo giáo viên toán lý hóa phải giỏi chuyên ngành học. Còn việc đào tạo tay nghề sư phạm theo hướng đổi mới lại bị coi nhẹ. Nên khi sinh viên ra trường thường ôm “mớ lý thuyết”, đó là một cản trở không nhỏ.

Vậy nếu với đầu vào thấp, các trường phải chứng minh được sẽ có chương trình đào tạo như thế nào, đảm bảo chất lượng ra sao? Nếu các trường sư phạm chứng minh được, chúng ta ủng hộ thôi. Vấn đề của giáo dục lúc này phải trả lời, để lấy lại niềm tin của xã hội. Tôi cho đây là việc hết sức cấp bách phải làm ngay.

Liệu với mức điểm chuẩn quá thấp chỉ với 3 điểm/môn chúng ta có thể có những “lứa” giáo viên thực sự chất lượng?

Hiện nay, với mức điểm của một số trường, nhất là trường địa phương lấy điểm đầu vào quá thấp như 3 điểm/môn chẳng hạn, tạo sự lo ngại cho người dân và sự lo ngại này là có cơ sở.

Nhưng chính những sinh viên chọn vào ngành sư phạm cũng phải đo lại mình, liệu mình có đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu đó không? Hay cứ theo quy luật “chuột chạy cùng sào thì vào sư phạm”?

Trong giáo dục có một quy luật khác, đó là vị trí, vai trò của người học cũng hết sức quan trọng. Trước một thách thức phải ra nghề, phải làm việc, phải tồn tại, phát triển, chắc chắn bản thân người học sẽ tự nỗ lực, tự thân vận động. Chúng ta không nên khẳng định 100% là cứ đầu vào kém là đầu ra kém.

Tóm lại, ở đây có hai sự “vận động”. Một là sự vận động từ phía các trường sư phạm. Thứ hai là sự vận động của người học. Hiện nay, trong giáo dục của chúng ta chưa nêu cao vai trò tự chủ và tạo sự chuyên nghiệp của người học. Chất lượng giáo dục kém, chúng ta thường đổ lỗi cho nhà trường, cho người thầy. Trong thực tế, nhiều trường, có thầy giỏi nhưng trò vẫn kém. Vì thế, nếu không có sự nỗ lực, chịu trách nhiệm của người học, nếu vẫn học cho qua chuyện, học cho xong, chờ lấy cái bằng, chất lượng giáo dục đi xuống là điều ắt sẽ xảy ra.

Lúc này, đầu ra các trường sư phạm phải thắt chặt hơn. Nếu sinh viên không đạt chuẩn, sẽ không được cấp bằng, thậm chí phải học lại, học thêm. Đối với những em không phù hợp, phải chuyển ngành.

Với những áp lực như thiếu việc làm, đời sống giáo viên khó khăn, khiến các bạn trẻ "ngó lơ" với ngành sư phạm. (Nguồn: Tuổi trẻ)

Các nước, họ đào tạo như thế nào để cho ra lò những người thầy chất lượng?

Tiêu biểu là Singapore, khi ông Lý Quang Diệu lên nắm đất nước, ông củng cố chất lượng giáo dục đầu tiên. Ông chuyển toàn bộ sang học tiếng Anh, học đến đâu chuẩn hóa đến đó. Hay Hàn Quốc cũng từng lạc hậu, nghèo khổ nhưng có thời gian cất cánh, vì người ta tập trung đầu tư cho giáo dục để có một thế hệ nguồn nhân lực tốt.

Nhìn vào đó, chúng ta thấy rằng, Internet không thể thay thế được người thầy. Bởi vấn đề ở đây không phải kiến thức, quan trọng là phát triển nhân cách con người. Bên cạnh những lớp giáo viên chuyên môn cao, phải có những người thầy giỏi trong việc nắm bắt tâm lý học trò, dẫn dắt, tác động các em thay đổi, tiến bộ.

Tôi cho rằng chất lượng giáo dục của chúng ta ở các vùng miền không đồng đều. Nếu giáo viên có chất lượng thấp, chất lượng không đồng đều, chắc chắn chúng ta sẽ khó có được kết quả như mong muốn. Vì vậy, không còn cách nào khác, công tác đào tạo giáo viên, bồi dưỡng giáo viên phải được đặt lên hàng đầu.

Thực ra, chương trình sách giáo khoa hiện hành của chúng ta cũng khá ổn. Quan trọng là chúng ta vận dụng như thế nào? Có lẽ, chúng ta phải sớm từ bỏ những quan niệm cũ chỉ dạy chữ, thi cũng chỉ có chữ. Trong khi đó, phát triển, bồi dưỡng nhân cách của người học lại chưa được chú trọng nhiều.

Ở các nước tiên tiến, người ta bắt học sinh cấp ba phải có ít nhất 40 tiết đi làm công tác xã hội, thu hoạch từ các công tác xã hội, gắn vận mệnh của mình vào đất nước mình, tự hoàn thiện nhân cách của mình. Họ có đòi hỏi điểm cao đâu? Nhưng học sinh phải có ý thức học để phát triển.

Còn chúng ta hiện nay, vẫn chạy theo điểm số, học lấy bằng. Chuyện một bộ phận nhỏ thầy cô giáo nâng điểm cho học sinh là có thật. Nhưng thực tế, nâng điểm chứ không phải nâng trình độ của học sinh. Nâng điểm thì dễ nhưng nâng trình độ mới khó. Giáo viên phải giúp học trò phát triển tự nhiên, đáp ứng được yêu cầu của đất nước, khi đó giáo dục mới thành công. Vì thế, giáo dục phải đi trước một bước.

Chúng ta hiện nay đang đứng giữa hai “bó cỏ”. Một “bó cỏ” muốn chi phí cho giáo dục thấp và một “bó cỏ” khác muốn chất lượng nguồn nhân lực lại cao. Mâu thuẫn là ở chỗ đó.

Quan điểm của tôi, trước thực trạng điểm đầu vào sư phạm thấp hiện nay, lỗi không phải ở học sinh, cũng không phải lỗi ở các trường sư phạm một cách trực tiếp. Có lẽ là chính sách của chúng ta về giáo dục không nhất quán, vẫn hình thức, tiền vẫn tiêu tốn nhưng hiệu quả không cao.

Tuy nhiên, giáo dục là một quá trình, không phải điểm vào thấp hôm nay, ngày mai sẽ “cháy” hết trường. Hãy xem đây là một trở ngại để ngành giáo dục phải sòng phẳng, có lời giải đáp nhanh chóng, không được buông xuôi. Với điểm đầu vào thấp, các trường sư phạm phải thay đổi chính sách, phương thức đào tạo. Hai là các trường phải tạm ngừng, chỉ lấy điểm chuẩn đúng mức, không chạy theo số lượng.

Lúc này, chúng ta phải giải bài toán này sớm, đừng để cho vấn đề này chìm trong dư luận, đừng để dư luận khoét sâu, khiến người ta mất niềm tin vào ngành giáo dục. Cùng với đó, những người muốn trở thành nhà giáo tương lai phải hết sức có ý thức, phải nỗ lực chứ không nên có tư tưởng “chuột chạy cùng sào…”.

Xin cảm ơn Tiến sĩ!

(thực hiện)