📞

“Đừng im lặng!”

07:00 | 17/12/2016
Từng bị đe dọa hãm hiếp và bị đánh giữa đường, nhưng Paradise Sorouri - nữ rapper vẫn không từ bỏ sự nghiệp ca hát để phản đối những bất công mà phụ nữ Afghanistan phải chịu đựng.

Bảy năm trước, khi 27 tuổi, Paradise Sorouri đã phải rời khỏi đất nước của mình hai lần để tránh nạn bạo hành và những lời đe dọa. Bất chấp mọi mối đe dọa, cô vẫn tiếp tục đội chiếc mũ bóng chày thay vì khăn trùm đầu và tự tin cất tiếng hát để bảo vệ quyền lợi cho những người phụ nữ. Cô chính là nữ rapper người Afghanistan đầu tiên.

Dũng cảm đương đầu

Để bảo vệ những người phụ nữ bị bạo hành cả về thể chất lẫn tinh thần, Paradise sáng tác những ca khúc với nội dung chống bất bình đẳng giới. Cô sử dụng tiếng Dari (tiếng Ba Tư ở Afghanistan) để đọc rap, kể về việc những người phụ nữ bị tạt axit lên mặt nếu kháng cự khi bị hiếp dâm, bị buộc phải cưới đàn ông ở mọi độ tuổi, hay bị thiêu sống bởi chính chồng mình... Tuy nhiên, ở quốc gia Hồi giáo Trung Đông này, hành động của Paradise đã làm dấy lên làn sóng dư luận mạnh mẽ.

Paradise và Diverse

Paradise cho biết: “Ở Afghanistan, dù bạn là ai, ca sĩ, nghệ sĩ hay giáo viên…, nhưng nếu là phụ nữ, bạn sẽ không được xem trọng. Tôi đang kêu gọi và đấu tranh bảo vệ phụ nữ, những người không có tiếng nói trong xã hội”.

Paradise sinh ra ở Iran. Cha mẹ cô là những người Afghanistan di cư tránh cuộc nội chiến ở đất nước họ. Sau này, khi tổ chức hồi giáo Taliban sụp đổ, họ quay trở về sống ở Herat, thành phố lớn thứ ba Afghanistan. Từ bé, Paradise đã rất hâm mộ Tupac, Eminem và Beyoncé. Nhưng chính Diverse, một người tị nạn trở về từ Iran, chồng chưa cưới của của cô đã chia sẻ và khơi dậy niềm đam mê hip hop trong cô gái trẻ. Năm 2008, cặp đôi quyết định thành lập ban nhạc 143Band, dù vấp phải sự phản đối của dư luận.

Theo Diverse, Herat là một thành phố tôn thờ đạo Hồi. Luật Sharia của đạo này cấm phụ nữ  hát. Cô cho biết, mỗi lần đến studio để thu âm, luôn có những người lạ mặt theo dõi cô.

Một đêm, khi Paradise đang đi bộ về nhà cùng em trai, khoảng chục người đàn ông trên những chiếc xe máy chạy lượn vòng quanh và dùng gậy gỗ hành hung cô. Nữ ca sĩ kể lại: “Họ hét vào mặt tôi rằng công việc ca hát của tôi làm ảnh hưởng xấu đến tư tưởng của những người phụ nữ khác. Tôi van xin sự giúp đỡ của mọi người xung quanh, nhưng họ chỉ cổ vũ để những người đàn ông kia đánh tôi đến chết”.

Khi Diverse tìm thấy vợ mình, quần áo của Paradise đã bị rách tơi tả, người cô bê bết máu. Tuy nhiên, khi tới đồn cảnh sát để trình báo, Paradise chỉ nhận được lời khuyên nên ngừng việc ca hát lại. Đó là lúc cô nhận ra rằng mình phải đấu tranh mạnh mẽ hơn.

Không từ bỏ!

Lo sợ sự việc trên tái diễn, năm 2010, cặp đôi chuyển đến Tajikistan - quốc gia láng giềng với Afghanistan. Đây là nơi Paradise bắt đầu viết lời những bài hát về quyền phụ nữ trên nền nhạc do Diverse sáng tác. Một vài quốc gia trong khu vực đã mời Paradise đến biểu diễn để truyền cảm hứng cho các công dân của họ.

Mùa Hè 2012, Paradise nhận được tin hai người em gái họ của mình (mới chỉ 9 tuổi và 12 tuổi) tự thiêu ở quê nhà vì không muốn kết hôn với những người đàn ông đã 60 tuổi. Trong đau đớn, cô trở về Afghanistan và thu âm ca khúc Nalestan, nhằm tưởng nhớ hai người em. Ca khúc này đã thu hút được sự chú ý của nhiều quốc gia trên thế giới và 143Band nhận giải ban nhạc rap Afghanistan hay nhất tại giải thưởng âm nhạc quốc tế Rumi.

“Sự thành công của Nalestan mang đến cả niềm vui lẫn nỗi lo. Chúng tôi được truyền thông khắp nơi trên thế giới phỏng vấn nhưng sự nổi tiếng cũng kéo theo những lời hăm dọa. Tôi đã phải trốn trong nhà chị gái mình ở Herat cả tháng trời như một tù nhân”, Paradise nói. Một số người đã nhắn tin cho Paradise qua mạng xã hội Facebook của 143Band rằng sẽ hãm hiếp và chặt đầu cô trước mặt Diverse.

Bù đắp cho những mất mát và lo sợ, Paradise đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Đó là việc cô được Liên hợp quốc bổ nhiệm làm người đại diện tuyên truyền về quyền phụ nữ của tổ chức lớn nhất hành tinh này. Đó là việc ban nhạc 143Band giành giải thưởng Afghan ATN vì có bài hát rap hay nhất năm 2015. Năm nay, một lần nữa, ban nhạc nhận được đề cử cho giải thưởng này…

Lo ngại những lời hăm dọa có thể trở thành hiện thực bất cứ lúc nào, Paradise và Diverse lại rời Afghanistan và theo dòng người di cư tới tị nạn tại Đức. Giờ đây, họ có thêm nhiều khán giả, viết và cho ra đời nhiều sản phẩm âm nhạc mới, được trình diễn vòng quanh nước Đức. Mặc dù vẫn đối mặt với nhiều nguy hiểm, nhưng Paradise cho biết cô sẽ không ngừng đấu tranh. “Người dân Afghanistan cần cất lên tiếng nói để bảo vệ quyền bình đẳng của những người phụ nữ”, Paradise nói.

(theo The Guardian)