📞

Đừng tin số liệu thống kê Mỹ

09:31 | 21/05/2011
Mỹ thích “phẫu thuật thẩm mỹ" hơn Châu Âu, vì thế các con số thống kê của nền kinh tế lớn nhất thế giới đang được cho là “đã khiến mọi thứ có vẻ ít tồi tệ hơn."
Ảnh minh hoạ

Nhờ sử dụng một phương pháp tính toán khác, nên mặc dù cơ quan thống kê không cố tình bóp méo dữ liệu chính thức nhưng tình hình nền kinh tế Mỹ có vẻ "êm ả" hơn Châu Âu.

Giảm nợ công

Nếu sử dụng phương pháp của Châu Âu, tổng nợ chính phủ nói chung bao gồm cả khoản vay của chính quyền bang và địa phương cùng với trái phiếu chính phủ do các cơ quan chính quyền khác nắm giữ, ví dụ như Quỹ tín thác an sinh xã hội, con số nợ công của Mỹ sẽ là 92% GDP. Con số này tương đương với nợ công của Bồ Đào Nha. Tương tự như vậy, thâm hụt ngân sách của Mỹ năm ngoái đáng lẽ phải là 10,6% chứ không chỉ là 8,9%.

Tuy nhiên, nếu tính theo định nghĩa mà Washington đang sử dụng là "nợ chính quyền liên bang do công chúng nắm giữ" thì vào cuối năm 2010, nợ công của Mỹ chỉ là 62% GDP.

Năng suất “đẹp"

Theo số liệu, tăng trưởng năng suất của Mỹ đang "đẹp" hơn. Con số vẫn được Cơ quan thống kê lao động Mỹ công bố được tính theo sản lượng trên mỗi giờ lao động trong khu vực phi nông nghiệp. Còn NHTW Châu Âu thì lại tính toán trên mỗi công nhân trong toàn nền kinh tế.

Nhờ loại trừ khu vực nhà nước kém hiệu quả hơn, tăng trưởng năng suất của Mỹ đã tăng mạnh. Từ năm 1995 đến năm 2010, GDP trên giờ lao động thực tế tại Mỹ tăng trung bình 2,1%/năm, so với tốc độ gần 2,7%/năm ở khu vực doanh nghiệp phi nông nghiệp, vẫn nhanh hơn tốc độ 1,1% ở Châu Âu.

Tăng trưởng ấn tượng

Sự khác biệt thứ ba là con số GDP theo quý. Châu Âu công bố tăng trưởng GDP theo quý gần nhất, ví dụ như tăng 0,9%. Nhưng Mỹ công bố tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái, thế nên con số tăng trưởng sẽ ấn tượng hơn nhiều.

Một vấn đề cũng gây tranh cãi là phương pháp tính toán khác nhau bóp méo mọi so sánh tăng trưởng GDP quốc tế. Một thập kỷ trước một số nghiên cứu cho thấy nếu Mỹ tính toán tài khoản quốc gia như các nước Châu Âu, tốc độ tăng trưởng thực tế của họ có lẽ sẽ giảm đi 0,25-0,5%.

Nước Mỹ thường coi trọng việc cải thiện chất lượng hàng hóa hơn so với bất kỳ nước Châu Âu nào. Nếu một máy tính có giá y hệt hai năm trước nhưng mạnh gấp đôi thì sẽ được tính là giá giảm 50% khiến sản lượng thực tế tăng. Một thập kỷ trước, tốc độ tăng trưởng của Mỹ nhờ thế mà sẽ có lợi thế hơn so với Châu Âu. Không giống Châu Âu, Mỹ tính chi tiêu chính phủ cho thiết bị quân sự là "vốn" thay vì "chi tiêu thường xuyên", thế nên ngân sách quốc phòng tăng mạnh trong thập kỷ qua sẽ khiến tốc độ tăng trưởng GDP cải thiện thêm một chút.

Một khác biệt nữa có thể đã thổi phồng tăng trưởng ở Mỹ so với Châu Âu thuộc về ngành bất động sản và dịch vụ tài chính. Sản lượng ngành tài chính là một trong những con số khó tính toán nhất vì phần lớn các dịch vụ tài chính đều không được định giá công khai. Cũng rất khó xác định thế nào là một đơn vị sản lượng: doanh số một cổ phiếu hay doanh số một block cổ phiếu? Tài chính, bảo hiểm và bất động sản đóng góp 1/4 tăng trưởng GDP Mỹ trong giai đoạn 1995-2009 và con số tăng trưởng năng suất trong các ngành này được tính toán là 38%. Còn năng suất các ngành này ở Châu Âu trong thời gian tương đương lại giảm 9%. Thật đáng ngờ!

Có lẽ hoạt động tài chính ở Mỹ còn phản ánh cả lợi nhuận do giao dịch, vốn không nên được tính là thu nhập. Cũng có thể giá trị bất động sản tại Mỹ tăng và kéo theo đó là tăng trưởng trong các ngành dịch vụ có liên quan tới nhà ở đã bị thổi phồng. Bù lại một nửa thu nhập của khu vực tài chính là từ dịch vụ trung gian cho các doanh nghiệp phi tài chính. Nếu giá trị của các dịch vụ này đã bị thổi phồng tại Mỹ thì cần điều chỉnh giảm tăng trưởng giá trị gia tăng thực trong ngành tài chính nhưng lại điều chỉnh tăng tăng trưởng giá trị gia tăng thực của các ngành phi tài chính, nhờ thế mà nhìn chung không ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP.

Nhiều tính toán cho rằng chính phủ Mỹ đang "sơn phết" cho đất nước mình. Thực tế thì nhiều nhà thống kê tại IMF và OECD đã đưa ra các dữ liệu so sánh với các quy tắc đều được tiêu chuẩn hóa. Hãy là nhà đầu tư thông minh, chỉ có ai không nhận ra số liệu thống kê chính thức vốn đã được "phẫu thuật thẩm mỹ" có thể đã khiến nền kinh tế Mỹ "quyến rũ" hơn nhiều so với thực tế sẽ là người thua thiệt.

Hương Vy (The Economist)