📞

Đừng tự mãn về bình đẳng giới!

06:00 | 22/06/2016
Quan điểm truyền thống “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” vẫn tồn tại trong nhiều gia đình. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ đã từ bỏ sự nghiệp để nhận về mình không ít trái đắng.

Trong cuốn sách “Tư duy và chia sẻ” (NXB Trẻ, tháng 2/2015), bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cho rằng, Việt Nam vẫn còn những bước dài phải đi trong lĩnh vực này. Bà đã nhắc tới những “định kiến ngọt ngào” cùng những “bức trần vô hình” như rào cản kìm hãm sự phát triển của phụ nữ.

Là người theo đuổi việc thúc đẩy nữ quyền từ lâu, bà Ninh đi đến kết luận là “chúng ta đang tự mãn về bình đẳng giới”. Phụ nữ lúc xưa có thể số đông ở nhà làm nội trợ, nhưng giờ đa số đã làm việc như nam giới. Nếu so với nhiều nước mà phụ nữ đang chịu sự kìm hãm của tôn giáo thì họ thua mình. Nhưng nhìn lên thì thấy nước ta mới chỉ trên trung bình, chưa đạt đến cái đích mà chúng ta phải đạt được.

Những “bức trần vô hình”

Thực tế, người phụ nữ có thể tận tụy làm việc cả ngày lẫn đêm, vẫn có thể nuôi dưỡng và giáo dục con cái mà không phải hy sinh hết nhu cầu riêng của mình, trong đó có nhu cầu làm việc và phát triển sự nghiệp. Thế nhưng, sau khi kết hôn, nhiều người chấp nhận cuộc sống bó hẹp với việc nội trợ khiến cho tiếng nói của mình bị thu hẹp dần.

Nhiều phụ nữ đang giam mình trong những "bức trần vô hình". (Nguồn: Baomoi)

Chị Hải Yến (Ba Đình, Hà Nội) kể, sau một thời gian nghỉ hẳn ở nhà để lo việc nội trợ, chị cảm thấy bị phụ thuộc về kinh tế và dần mất tiếng nói của mình trong gia đình lúc nào không hay. Hậu quả của những trận cãi vã là vợ chồng chị quyết định ra tòa ly hôn. Chị chia sẻ: “Nếu được quyết định lại, tôi sẽ không hy sinh sự nghiệp để lo cho gia đình thế này nữa. Ban đầu tôi cứ nghĩ rằng thiên chức của người phụ nữ là làm cho căn bếp luôn đỏ lửa, ấm áp. Nào ngờ từ sau khi tôi nghỉ việc hẳn thì tổ ấm lại trở thành tổ lạnh".

Cũng có người phụ nữ chấp nhận vì hy sinh vô điều kiện, từ bỏ mọi thú vui và những sở thích cá nhân để chăm lo chu toàn cho chồng con. Như lý do mà chị Vân (37 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) đưa ra: “Sau khi lập gia đình rồi có con nhỏ, tôi buông bỏ sự nghiệp để toàn tâm toàn ý chăm sóc con, dọn dẹp nhà cửa. Đứa đầu lớn rồi lại đến sinh đứa thứ hai, tôi quên luôn việc đi làm trở lại. Một phần vì thu nhập của chồng khá cao, phần khác vì nghĩ thôi thì phụ nữ cứ làm tròn vai của người vợ, người mẹ thì đời nào chồng phụ, rồi khi con cái lớn thì mình đi làm sau cũng chưa muộn”.

Và hậu quả chị Vân phải chịu đựng: “Có đôi lúc tôi khủng hoảng trầm trọng chỉ vì nghỉ làm để ở nhà chăm sóc gia đình. Chồng tôi tự quyết mọi vấn đề trong gia đình nên rất ít khi anh hỏi ý kiến tôi, kể cả việc mua sắm đồ đạc, con học trường nào đều do chồng tôi quyết định. Tôi chợt nhận ra mình từ bỏ sự nghiệp, chuyên tâm lo cho gia đình là tự giam hãm mình”.

Sao phải tự “trói chân”?

Kết quả một cuộc khảo sát do trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ, Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương thực hiện đối với các đối tượng là tri thức mới đây cho thấy, khoảng 1/3 số người được hỏi trả lời rằng, cả hai vợ chồng cùng làm các công việc nhà.

Đối với công việc nội trợ trong các gia đình trí thức thì trên một nửa do người vợ quyết định và trực tiếp thực hiện tới 84,1%, còn chồng chiếm tỷ lệ rất thấp (khoảng 3% - 5%). Cùng với đó, số nữ trí thức đánh giá mình là người quyết định các công việc liên quan đến sự phát triển kinh tế gia đình lại rất thấp, chỉ chiếm chưa đến 1/10 số nữ trí thức được khảo sát.

Cũng theo khảo sát trên, gần 1/3 số người được hỏi cho rằng, nữ trí thức phải là người sẵn sàng từ bỏ công danh, sự nghiệp để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Trên một nửa số người được khảo khảo sát yêu cầu rằng, dù ở cương vị nào, trình độ học vấn ra sao, nữ trí thức vẫn phải thực hiện chức năng sinh con, nuôi dạy con, hy sinh cho chồng con. Hầu hết những người được hỏi trong cuộc khảo sát trên đều cho rằng, nữ trí thức muốn thành đạt thì trước hết phải làm tròn trách nhiệm với gia đình.

Năm 2016, Liên hợp quốc kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ với chủ đề “Hành tinh 50-50 đến năm 2030: Thúc đẩy vì bình đẳng giới”, với những cam kết mới trong chương trình sáng kiến thúc đẩy của Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women). Điều này có nghĩa, người vợ cần phải tiếp tục làm việc dù đã lập gia đình để duy trì cuộc sống độc lập. Làm việc sẽ giúp người phụ nữ không còn cảm giác lệ thuộc. Duy trì sự độc lập về kinh tế tức là chị em đang cứu lấy sự tự do của mình và cứu chính hạnh phúc của gia đình.

Theo Bloomberg, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra chương trình nhằm tăng tỉ lệ lãnh đạo nữ ở các bộ trong chính phủ (từ 11% lên 15%), lãnh đạo nữ ở doanh nghiệp nhà nước (từ 14% lên 18,5%) vào năm 2017. Seoul đưa ra chương trình này vì có tới 46% người thi đậu công chức là phụ nữ nhưng số lãnh đạo nữ còn thấp.

Tại Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe cũng coi việc đưa phụ nữ tham gia đội ngũ lao động là trọng tâm trong chính sách kinh tế “Abenomics” của mình. Mục tiêu của ông là để 30% lãnh đạo ở Nhật sẽ là phụ nữ vào năm 2020. Tỉ lệ lãnh đạo là nữ ở Nhật hiện chiếm 10% trong khi tỉ lệ này ở Singapore (31%), tại Đức (38%) và Mỹ (43%).