Chị Đỗ Sông Hương – Giáo viên dự án giảng dạy tiếng Nhật tại Việt Nam, thuộc Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản (Japan Foundation), vừa là thành viên Quỹ trò nghèo vùng cao - "Cơm có thịt", đã chia sẻ quan điểm cá nhân với TG&VN về chuyện làm từ thiện nên cho “cần câu” hay “con cá”…
Các em bé tại Pa Cheo - Bát Xát - Lao Cai nhận quà từ thiện 10/2014. (Ảnh: Đỗ Sông Hương) |
Thời gian gần đây có nhiều tranh cãi xung quanh câu chuyện từ thiện. Chị có nghĩ rằng, thay vì cho “con cá” thì chúng ta nên cho “cần câu” sẽ thiết thực hơn?
Tôi nghĩ thế này, nếu chúng ta trao cần câu cho một người đang đói run chân, liệu người đó có đủ sức ngồi câu và chờ đợi đến khi con cá cắn câu không? Ngoài ra, đa số chúng ta đều không có đủ điểu kiện và khả năng để trao cần câu. Vậy không lẽ chúng ta đành lòng vô cảm trước những bĩ cực trong khi hoàn toàn có thể trao con cá?
Theo tôi, vấn đề nằm ở chỗ con cá đó được trao như thế nào, trao cho ai, để làm gì và sẽ đạt hiệu quả ra sao? Còn việc trao cần câu thuộc về một ai đó có thẩm quyền, có trách nhiệm và nghĩa vụ ở tầm cao hơn. Cá nhân tôi, khi không thể trao cần câu, tôi vẫn muốn được đem con cá đến cho trẻ em nghèo, vì con cá đó sẽ góp phần cùng nhiều con cá khác giúp các em no bụng, ấm vai, đặc biệt là đến trường. Chiếc cần câu, rồi sẽ có một ai đó phải trao cho các em, hoặc thậm chí, chính các em, sau khi được ăn học, sẽ biết cách tự tạo cần câu cho đời mình. Như vậy, con cá mà tôi trao, hẳn sẽ không hề lãng phí.
Không ít người cho rằng, “thật vô ích và vô nghĩa khi tặng quần cho bọn trẻ, vì chúng đâu có mặc. Chúng thích cởi truồng hơn”. Là một cô giáo và cũng là người tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, theo chị thì quan điểm này có phải là biểu hiện của sự vô cảm?
Bạn nghĩ sao nếu có ai đó quan niệm rằng: “Đứa trẻ này hư lắm, dốt lắm, thật tốn công và vô ích khi dạy bảo nó, vì nó có nghe lời đâu?”.
Theo tôi, đó là biểu hiện tột cùng của sự vô trách nhiệm. Đứa trẻ càng hư, càng dốt thì càng cần đến sự dạy bảo, giáo dục của cha mẹ và thầy cô. Chẳng có đứa trẻ nào thích hư, thích dốt cả, mà chỉ có đứa trẻ chưa nhận thức được đúng sai hư - ngoan, chưa biết làm thế nào để có thể học giỏi. Tôi nghĩ thế này, nếu ngày bé chúng ta hư, dốt mà không có người bỏ công dạy dỗ, thì sau này chúng ta sẽ thế nào? Và một đất nước mà nhiều người hư, dốt thì đất nước đó sẽ ra sao?
Đứa trẻ “cởi truồng” cũng vậy, chẳng phải chúng thích cởi truồng hơn, mà chỉ vì chúng chưa biết được rằng mặc quần sẽ ấm hơn, vệ sinh hơn, văn minh hơn. Vì vậy mới cần có người mặc quần cho chúng, rèn cho chúng thói quen đó. Nếu cho rằng “thật vô ích và vô nghĩa khi tặng quần cho bọn trẻ, vì chúng đâu có mặc. Chúng thích cởi truồng hơn” thì chúng sẽ cởi truồng từ mùa Đông này đến mùa Đông khác. Tôi nghĩ, cần thức tỉnh ý thức về nhu cầu cho bọn trẻ, để từ đó chúng dần dần thoát khỏi thói quen sống và sinh hoạt như thú hoang, biết mặc quần, biết đánh răng, và quan trọng hơn cả là cần đến trường. Cái chữ sẽ là cầu nối đưa chúng đến một tương lai sáng hơn.
Nụ cười của các em bé tại Pa Cheo - Bát Xát - Lao Cai 10/2014. (Ảnh: Đỗ Sông Hương) |
Đến hẹn lại lên, hằng năm có rất nhiều chuyến thiện nguyện lên vùng cao hẻo lánh. Vậy chúng ta phải làm từ thiện như thế nào cho đúng và hiệu quả nhất?
Tôi không rõ người khác làm thiện nguyện như thế nào, còn cách làm của tôi thì cũng đơn giản thôi. Tôi tạo được mối liên lạc mật thiết với nơi mà tôi đến, nên tôi nắm chắc được họ cần gì, họ thiếu gì. Từ đó, tôi lên kế hoạch vận động quyên góp. Do vậy, những gì mà tôi và các bạn cùng nhóm đưa tới cho họ chắc chắn không thừa, chắc chắn cần thiết. Chúng tôi cũng không gửi qua một tổ chức trung gian mà mang đến tận nơi, trao tận tay nên đảm bảo tránh được nguy cơ thất thoát hay lãng phí những gì mà cộng đồng gửi gắm. Theo tôi, minh bạch và nghiêm túc là tiêu chí hàng đầu giúp hoạt động thiện nguyện đạt hiệu quả và đi đúng hướng.
Nhiều người cứ thấy vận động, hô hào là sẵn sàng giúp đỡ nhưng chưa hiểu chút gì về đối tượng. Như vậy có khiến cho vấn đề từ thiện trở nên rối ren hơn như nhiều nhận định được đưa ra lâu nay không, thưa chị?
Tôi nghĩ, việc có nhiều người sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ một cách vô điều kiện như vậy là điều thật đáng mừng. Họ rất đáng trân trọng. Mặc dù họ chưa hiểu chút gì về đối tượng cũng như không có điều kiện về mặt thời gian, sức khỏe để trực tiếp tham gia các hoạt động thiện nguyện. Nhưng họ có niềm tin, có lòng nhân ái, mà những cái đó thật đáng quý ở thời buổi này. Họ tuy đứng sau các phong trào thiện nguyện, nhưng lại là những nhân tố không thể thiếu, quyết định sự sống còn của thiện nguyện.
Vấn đề thiện nguyện trở nên rối ren không phải lỗi tại họ mà phần lớn nằm ở những người trực tiếp thực hiện các kế hoạch. Những người thực hiện với vai trò cầu nối, phải suy nghĩ và hành động sao cho vẹn toàn sứ mệnh của mình, sao cho xứng đáng với hai chữ “thiện nguyện”.
Xin cảm ơn chị!
Nhiều tổ chức từ thiện trên thế giới đang áp dụng việc mang đến cơ hội học hành, đào tạo và hỗ trợ việc làm cho những người có hoàn cảnh không thuận lợi. Đây là một trong những cách thức “trao cần câu” thu được hiệu quả lớn. Ở Việt Nam, một trong những chương trình vừa trao "cần câu" vừa cho "con cá" được nhiều người biết đến là “Cơm có thịt” của Tiến sĩ Trần Đăng Tuấn. Cụ thể, Quỹ giúp các trường có đươc bữa trưa đủ dinh dưỡng cho học sinh, trao áo ấm, ủng, mũ, sách giáo khoa cho các em... Một tổ chức phi chính phủ khác đang hoạt động ở Việt Nam là “Saigon Children’s Charity” (SCC) cũng có những mô hình hỗ trợ thiết thực, đúng cách. Với học sinh, sinh viên - quỹ hỗ trợ đồ dùng học tập, gạo, sữa, học phí theo tháng, học kỳ với các chuyên viên theo dõi sát sao tình hình của từng em. Thậm chí với những em học kém, họ sẵn sàng tìm kiếm gia sư dạy kèm và trả thù lao trực tiếp cho gia sư. |