Chị An và các học sinh trường Xanh Tuệ Đức đã có nhiều hoạt động hỗ trợ Quỹ vùng cao xây trường. (Ảnh: Tú Anh) |
Tôi gặp An thật tình cờ, khi chị có cuộc hẹn trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), còn tôi thì đến nhà Đài để liên hệ công việc. Trong quán cà phê yên tĩnh thuộc khuôn viên của VTV, chúng tôi có cuộc trò chuyện, tuy ngắn ngủi, nhưng chứa đựng những điều thú vị về hành trình làm thiện nguyện bền bỉ của người phụ nữ quê Thái Bình, xuất thân từ nghèo khó.
Động lực từ tuổi thơ
Cách nói chuyện của An khiêm tốn, giản dị như chính cái tên của chị. Dù đang cùng lúc đảm nhiệm nhiều vai trò trong cả lĩnh vực kinh doanh và công tác xã hội, cộng đồng, nhưng vai trò làm người vợ đảm trong gia đình và làm mẹ của bốn công chúa nhỏ luôn được chị đặt lên hàng đầu. Nội lực ấy của chị có lẽ có được từ những tháng năm tuổi thơ gian khó, nhưng đầy ắp yêu thương.
Chị chia sẻ: “Tôi còn nhớ như in những ngày Đông thuở nhỏ, gió rét căm căm, nhưng mẹ vẫn phải đi cấy thuê để nuôi chị em tôi ăn học. Trong khi bạn bè đồng trang lứa, đa số đều được bố mẹ cho tiền ăn trưa, thì chị em tôi phải đi mò cua, bắt ốc, xé lá chuối bán cho hàng bánh… để kiếm tiền ăn trưa lúc đi học xa nhà. Dịp lễ, Tết, tôi tranh thủ cất hoa về bán lấy tiền nộp học phí. Những “nghề vặt” đó đã theo tôi đến cả khi lên học Đại học, giúp tôi trang trải cuộc sống nơi đô thành. Vừa học vừa làm, tôi chả chê công việc gì, miễn là có thể kiếm tiền một cách chân chính”.
Nghe An chia sẻ, tôi thấy rất đồng cảm, vì đó là cảnh sống của không ít các sinh viên nghèo khi phải vật lộn với cuộc sống đắt đỏ nơi phố thị. Những công việc làm thêm đó không chỉ mang lại cho cô sinh viên Trần Thị An nguồn tài chính ổn định mà còn rèn luyện cho chị sự tự lập, kiên trì và lòng yêu thương.
“Khi tốt nghiệp Đại học cũng là lúc tôi sắm đủ cho bố mẹ hết các đồ dùng, vật dụng trong nhà như tivi, tủ lạnh, máy giặt, điều hoà… Chỉ bấy nhiêu thôi nhưng tôi rất tự hào. Những ngày học cấp hai, tôi được vào đội ôn luyện để đi thi học sinh Giỏi cấp tỉnh. Vì vài vấn đề bất tiện mà sáng nào mẹ cũng chở tôi lên huyện bằng chiếc xe đạp duy nhất của gia đình, rồi chiều lại lóc cóc lên đón con về. Nhà có hai chị em gái, trong khi bố tôi là trưởng nam, luôn chịu nhiều sự gièm pha, khích bác của họ hàng trọng nam, khinh nữ, nhưng bố tôi chưa bao giờ tạo áp lực cho mẹ và luôn dành cho ba mẹ con tình yêu thương vô bờ bến. Những điều đó đã làm nên tuổi thơ hạnh phúc tuyệt vời cho chị em tôi” , chị Trần Thị An chia sẻ.
Có lẽ, tất cả những ký ức đẹp đẽ ấy đã luôn nhắc nhở An về tình yêu thương vô điều kiện của gia đình và là nguồn động lực để chị phấn đấu vươn lên. Điều đó cũng đã nuôi dưỡng một trái tim nhân ái trong chị.
Chị An trong hoạt động từ thiện tặng chăn ấm tại tỉnh Sơn La. (Ảnh: Tú Anh) |
Lan toả việc thiện
“Thiện nguyện” – hai tiếng ngắn gọn ấy lại chứa cả hành trình dài của An từ khi là sinh viên đến giờ. Lúc còn vật lộn với gánh nặng kinh tế khi ngồi trên ghế nhà trường, An đã tích cực tham gia các hoạt động như Hiến máu nhân đạo, hay các hoạt động thiện nguyện của Hội sinh viên. Chị tâm sự: “Hồi đó, chưa có khả năng về kinh tế nên tôi chỉ có thể đóng góp công sức. Sau khi ra trường, đi làm rồi, tôi vẫn duy trì hoạt động từ thiện một cách tự phát, theo khả năng của bản thân như quyên góp đồ dùng cũ… Khi công việc kinh doanh bắt đầu có những thành quả thì tỷ lệ thuận với những khoản đóng góp mà tôi có thể dành cho xã hội”.
An có một hoạch định riêng trong tài chính của mình, đó là chị sẽ trích một phần riêng ra trong thu nhập hằng ngày để làm thiện nguyện, bên cạnh những phần tài chính dành cho nuôi dạy con cái, chăm sóc bố mẹ, tiết kiệm phòng khi ốm đau... Không chỉ duy trì hoạt động thiện nguyện với tư cách cá nhân, Trần Thị An còn lan toả tinh thần đẹp đẽ ấy thành văn hóa của An Nhiên Prodezi – công ty xây dựng mà chị sáng lập và điều hành.
An Nhiên Prodezi triển khai những chương trình thiện nguyện như “Đổi nội thất cũ lấy nội thất mới” - một chương trình hỗ trợ cho các hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt từ nhiều năm nay.
Theo đó, các nhân viên của công ty sẽ mang các đồ dùng nội thất cũ nát của các gia đình về tu sửa, làm mới miễn phí – song song với việc trao tặng nội thất hoàn toàn mới. Công ty cũng tặng nội thất cho các “lớp học hạnh phúc” ở Bệnh viện K, các dự án xã hội của Hội Phụ huynh học sinh trường Xanh Tuệ Đức…
Bên cạnh đó, công ty tham gia hỗ trợ nội thất mới cho các dự án xây nhà tình nghĩa, xây trường ở vùng cao…
Với vai trò là Hội trưởng Hội cha mẹ học sinh tại hệ thống Trường Xanh Tuệ Đức, chị Trần Thị An cùng các phụ huynh và các thầy cô triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa cho cộng đồng như “xây trường học hạnh phúc cho trẻ em vùng cao” hay là “cứu trợ cho đồng bào gặp thiên tai lũ lụt”, “trao tặng học bổng cho các em nghèo vượt khó”, tổ chức các “đêm nhạc 0 đồng”… để quyên góp quỹ từ thiện xây trường học vùng cao. “Năm vừa rồi, Trường Xanh Tuệ Đức đã xây một ngôi trường ở Cát Lình (Sơn La) với tổng chi phí lên đến gần một tỷ đồng, với các phòng học được trang bị hiện đại, có khu nội trú cho giáo viên”.
Hành trình lan toả yêu thương |
Gieo mầm yêu thương
Không chỉ ở khía cạnh doanh nghiệp, An còn lan tỏa tinh thần thiện nguyện đến từng thành viên trong gia đình. Ông xã của chị luôn là người bạn đồng hành và hỗ trợ mọi chuyến đi. Đặc biệt, các con của chị, từ nhỏ đã cùng mẹ đi đến các vùng cao lạnh giá, cùng chị chia sẻ những manh áo ấm áp với những người kém may mắn hơn. Với An, đó là niềm tự hào lớn nhất - khi tình thương đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, văn hoá trong gia đình, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
“Tôi dạy các con cách nuôi dưỡng lòng biết ơn. Khi các con biết ơn mẹ thiên nhiên thì các con sẽ có ý thức bảo vệ môi trường. Khi các con biết ơn bố mẹ ông bà, thì các con học được cách hiếu thảo. Khi có sự hiếu thảo, các con sẽ có động lực để học tập và cố gắng trong cuộc sống để báo đáp công ơn sinh thành của ông bà và bố mẹ”, chị chia sẻ.
Còn về cá nhân An, mỗi ngày, chị đều trích ra ít nhất 100.000 đồng từ thu nhập của mình để đưa vào quỹ từ thiện cá nhân. Với chị, đây là cách để luôn sẵn sàng trước mọi hoàn cảnh khó khăn. Chỉ cần ở đâu có người cần giúp, có nỗi đau cần được xoa dịu, chị có thể ngay lập tức hỗ trợ trong khả năng của mình. Việc tích lũy đều đặn này không chỉ là một thói quen, mà còn là biểu hiện của trái tim luôn rộng mở, sẵn lòng chia sẻ và lan tỏa yêu thương đến cộng đồng.
Trước mỗi chuyến đi tình nguyện, An không bao giờ vội vàng. Chị luôn tìm hiểu nhu cầu của người dân địa phương để chắc chắn rằng mình mang đến sự giúp đỡ thiết thực nhất. An hiểu rằng, những điều tưởng chừng đơn giản như nước sạch, thuốc men, hay chăn ấm trong mùa Đông lạnh có thể trở thành niềm hy vọng cho người dân. Sự chuẩn bị chu đáo giúp An trao đi những gì người dân cần nhất, chứ không phải là những gì chị nghĩ họ cần. Chính những chuyến đi ấy đã giúp An nhận ra giá trị thực sự của sự sẻ chia. Đó là mang đến hy vọng và niềm tin cho những ai cần được chạm đến nhất.
Sau cơn bão Yagi vừa qua, An cùng đoàn từ thiện của mình ngay lập tức có mặt tại vùng bị tàn phá nặng nề và đau thương nhất ở Làng Nủ - Lào Cai, Lạng Sơn, Yên Bái. Với chị, đó là một chuyến đi mà xúc cảm của nó sẽ không thể tả bằng lời.
“Cho đi là còn mãi, trao yêu thương, nhận yêu thương. Mọi chuyện rồi cũng sẽ qua, chỉ tình thương là ở lại”. Chị Trần Thị An tin rằng, chỉ có tình người mới giúp con người ta vượt qua những nỗi đau lớn lao nhất. Với chị, những chuyến đi thiện nguyện không chỉ là trách nhiệm, mà còn là cơ hội để kết nối, để trao đi và nhận lại yêu thương.
Hành trình ấy sẽ không dừng lại, bởi tình thương luôn là điều còn mãi, trong mỗi chúng ta.
| Giới trẻ Thủ đô lan tỏa hình ảnh Việt Nam tươi đẹp và hạnh phúc Người dân Hà Nội hào hứng tham gia và truyền tải thông điệp cuộc thi “Việt Nam hạnh phúc - Happy Vietnam 2024” trên nhiều ... |
| Chi đoàn Báo Thế giới và Việt Nam lan tỏa yêu thương tới điểm trường vùng cao sau bão lũ Ngày 20/9, Chi đoàn Báo Thế giới và Việt Nam cùng lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đầu tư Thương mại Hanuel Vina đã đến ... |
| Động Thiên Hà (Ninh Bình): Vẻ đẹp kỳ vĩ của 'dải ngân hà' trong lòng núi Thiên Hà được cho là hang động đẹp nhất trong quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình, nơi có hàng vạn khối nhũ đá ... |
| Tấm lòng của những người con xa xứ gửi về vùng lũ lụt ở quê nhà Trước những mất mát và thiệt hại nặng nề do lũ lụt ở các tỉnh phía Bắc, cộng đồng người Việt Nam ở các nước ... |
| Hoạt động thiện nguyện của Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania Chuyến thăm từ thiện Làng trẻ em Human Dreams nằm trong chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại ... |