Hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung Cheongung của Hàn Quốc. Seoul sẽ thúc đẩy phát triển đa dạng nền tảng phóng các phương tiện vào không gian từ cả trên không và trên biển. (Nguồn: AFP) |
Trong một báo cáo trình Quốc hội ngày 31/5, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết: “Để tăng cường năng lực quốc phòng sau khi các hạn chế về tên lửa chấm dứt, chúng tôi sẽ bổ sung và phát triển các hệ thống quân sự của mình".
Theo đó, Hàn Quốc "sẽ phát triển đa dạng nền tảng vận hành hệ thống phóng phương tiện vào không gian từ trên không và trên biển”.
Dù vậy, nước này khẳng định sẽ tuân thủ quy định không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế kể cả khi các hạn chế về tên lửa được dỡ bỏ.
Trước đó, trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và người đồng cấp Mỹ Joe Biden, hai bên đã quyết định dỡ bỏ hướng dẫn song phương năm 1979 nhằm cấm Seoul phát triển hoặc sở hữu tên lửa có tầm bay tối đa lớn hơn 800 km.
Việc dỡ bỏ các hạn chế này được các nhà nghiên cứu nhận định là một phần trong chiến lược của Mỹ nhằm chống lại Trung Quốc. Tuy nhiên, Seoul cho biết họ đã duy trì liên lạc chặt chẽ với Bắc Kinh và nước này đã không đưa ra bất kỳ phản đối nào.
Cùng ngày, Triều Tiên đã có phản ứng mạnh mẽ đối với động thái này, gọi đó là một lời nhắc nhở rõ ràng về chính sách thù địch của Mỹ đối với Triều Tiên.