📞

Đường biên rõ ràng, hợp tác thuận tiện

08:00 | 09/01/2016
Thống nhất phương án khai thác tài nguyên thiên nhiên và phát triển du lịch ở khu vực cửa sông Bắc Luân và thác Bản Giốc với Trung Quốc, hoàn thành tăng dày và tôn tạo cột mốc giới với Lào và hoàn thiện “cột xương sống” biên giới với Campuchia là những dấu ấn khó quên trong công tác biên giới lãnh thổ năm 2015.

Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn phát biểu tại buổi lễ khánh thành cột mốc biên giới 275, cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (Tịnh Biên, An Giang) - Phnom Denk  (Takeo, Campuchia).

Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia với TG&VN về công tác phân giới cắm mốc trên đất liền trong năm qua. Ông cho rằng có đường biên giới rõ ràng thì việc giao lưu qua lại dễ dàng hơn, có cơ sở hợp tác và giữ gìn đường biên tốt hơn.

Thứ trưởng có thể cho biết dấu ấn lớn nhất trong công tác phân giới cắm mốc trên đất liền năm 2015 là gì?

Về biên giới Việt Nam – Trung Quốc, từ năm 2008, hai bên đã hoàn thành việc phân giới cắm mốc trên đất liền. Tuy nhiên, còn hai khu vực mà hai bên vẫn tiếp tục trao đổi ý kiến, bàn cách hợp tác là khu vực cửa sông Bắc Luân và thác Bản Giốc. Tại khu vực cửa sông Bắc Luân, hai bên thỏa thuận theo hướng hợp tác, cho tàu thuyền tự do qua lại. Tại khu vực thác Bản Giốc, nơi có cảnh quan thiên nhiên rất đẹp, hai bên bàn bạc để cùng bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và hợp tác phát triển du lịch.

Việc đàm phán ở hai khu vực này được hai bên bắt đầu từ năm 2010 và đến năm nay mới kết thúc. Nhân chuyến thăm Việt Nam mới đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng Bí thư hai nước đã chứng kiến lễ ký kết Hiệp định khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc và Hiệp định về tự do đi lại của tàu thuyền ở cửa sông Bắc Luân. Như vậy, với Trung Quốc, chúng ta không những đã hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc mà còn tiến hành “hợp tác cùng phát triển” ở hai khu vực vì lợi ích chung của hai nước là phát triển kinh tế, văn hóa, giao lưu nhân dân khu vực biên giới.

Về biên giới Việt – Lào, hai nước đã hoàn thành công tác phân giới cắm mốc từ năm 1987 sau 10 năm đàm phán song phương. Tuy nhiên, thời điểm đó, do nhiều lý do như điều kiện kinh tế, khoa học kỹ thuật nên các cột mốc biên giới được xây dựng còn tương đối thưa thớt. Đường biên giới giữa hai nước dài khoảng 2.337 km thì trung bình 12 km đường biên giới mới có một cột mốc, thậm chí có những đoạn các cột mốc cách nhau 40 km.

Năm 2008, Chính phủ hai nước quyết định cùng nhau “chấn chỉnh” lại đường biên giới cho rõ ràng hơn, dễ nhận biết hơn với những mốc giới hiện đại thông qua Dự án Tăng dày tôn tạo mốc giới trên biên giới đất liền. Đến nay toàn bộ Dự án đã cơ bản hoàn thành. Từ 199 vị trí, mốc biên giới ban đầu, đến nay đường biên giới giữa hai nước có hơn 900 mốc với mật độ trung bình khoảng 2,5 km một mốc giới. Giữa các mốc chính, hai nước còn bổ sung các mốc phụ. Từ đó đường biên giới giữa hai nước rất dễ dàng nhận biết, tạo điều kiện để hai bên tuần tra biên giới thuận lợi và bà con vùng biên giới giao lưu, qua lại dễ dàng hơn, đồng thời giữ gìn và quản lý đường biên giới tốt hơn.

Bên cạnh tăng dày, hai bên cũng tiến hành tôn tạo các cột mốc hiện đại, chính quy hơn, theo hệ thống quy chuẩn chung như các cột mốc biên giới với Trung Quốc, để những “phên dậu” quốc gia này có thể bền bỉ, trường tồn. Năm 2014, hai bên đã cơ bản hoàn thành dự án tăng dày, tôn tạo mốc biên giới trên bộ - phần thứ nhất của công tác phân giới cắm mốc. Năm 2015, hai nước đã hoàn thiện hồ sơ pháp lý – phần còn lại của công tác phân giới cắm mốc. Hồ sơ này bao gồm nghị định thư về phân giới cắm mốc, ghi lại tọa độ mốc giới, hướng đi của đường biên giới và kèm theo là bộ bản đồ để đưa đường biên giới trên thực địa lên trên bản đồ, từ đó xây dựng một số quy chế như quy chế quản lý biên giới, quy chế quản lý cửa khẩu. Sắp tới đây, bộ hồ sơ pháp lý đường biên giới Việt – Lào sẽ được đệ trình lên Quốc hội hai nước phê chuẩn. Dự kiến, đầu năm tới, hai bên sẽ tổ chức lễ tổng kết Dự án, tuyên bố công tác tăng dày và tôn tạo mốc giới giữa Việt Nam và Lào đã hoàn thành.

Về biên giới Việt Nam - Campuchia, năm nay công tác phân định biên giới giữa hai bên có những tiến triển đáng ghi nhớ. Trên cơ sở Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Campuchia ký ngày 27/12/1985 (Hiệp ước 1985) và Hiệp ước bổ sung Hiệp ước 1985 (ký ngày 10/10/2005), hai bên đã triển khai phân giới cắm mốc suốt từ năm 2006 đến nay.

 Có thể nói, qua chín năm, đến thời điểm này, công tác phân giới cắm mốc biên giới giữa Việt Nam và Campuchia đã hoàn thành gần 90%. Biên giới giữa hai nước dài 1.137 km nay chỉ còn khoảng hơn 100km chưa hoàn thành công tác chuyển từ bản đồ ra thực địa để tiến hành phân giới cắm mốc. Hai bên vẫn đang tiếp tục trao đổi, đàm phán để đi đến thống nhất đối với các khu vực này. Điểm sáng của năm 2015 là qua nhiều năm cố gắng, hai bên đã thống nhất xây dựng hai mốc giới ở hai cửa khẩu quốc tế là mốc 30 ở tỉnh Gia Lai và mốc 275 ở tỉnh An Giang. Thủ tướng hai nước Việt Nam và Campuchia đã đích thân đến thực địa cắt băng khánh thành hai cột mốc này vào ngày 26/12/2015. Hai cột mốc này có ý nghĩa quan trọng bởi đây là hai mốc đại cuối cùng trên tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia. Theo quy định, mốc đầu biên giới hai nước là mốc đại và mốc cuối - mốc 314 cũng là mốc đại, còn lại ở giữa điểm đầu và điểm cuối, mỗi cửa khẩu quốc tế đều phải có một mốc đại. Việc xây dựng hai mốc đại 30 và 275 đánh dấu việc hai nước đã có một hệ thống mốc đại – “cột xương sống” của đường biên giới hoàn chỉnh từ điểm đầu đến điểm cuối.

Tóm lại, trong năm 2015, năm đất nước có rất nhiều ngày lễ lớn, công tác biên giới đã có  nhiều thành tựu, góp phần vào thành công của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là đóng góp của tất cả các lực lượng làm công tác biên giới.

Thứ trưởng có thể cho biết điều khó khăn nhất trong công tác phân giới cắm mốc năm qua?

Có thể nói cái khó nhất trong công tác phân giới cắm mốc năm 2015 là việc phân giới cắm mốc với Campuchia. Mặc dù trước đó hai nước đã hoàn thành phân giới cắm mốc được gần 90% đường biên giới nhưng để con số này nhích lên được là một quá trình rất khó khăn.

Đơn cử như việc xây dựng mốc 30 và 275 nói trên, hai mốc này nằm trong một “gói” gồm ba mốc là 30, 275 và 314 đã được hai bên xác định rõ vị trí và nhất trí xây dựng đồng thời trên thực địa. Tuy nhiên do phía Campuchia có “khó khăn nội bộ” nên hai bên chỉ có thể xây mốc 314 trước trong năm 2012. Mãi đến cuối năm 2015, hai bên mới nhất trí xây dựng hai mốc đại 30 và 275. Hiện nay vẫn còn khoảng 100km đường biên giới ý kiến hai bên rất khác nhau. Đây là những khu vực phức tạp, rất nhạy cảm đối với nội bộ mỗi bên nên việc giải quyết hết sức khó khăn.

Ngoài ra, công tác quản lý biên giới giữa hai nước cũng có một số vấn đề. Theo quy định tại Điểm 8 Thông cáo báo chí chung ký ngày 17/01/1995 thì “trong khi chờ đợi giải quyết những vấn đề còn tồn tại về biên giới thì duy trì sự quản lý hiện nay, không thay đổi, xê dịch các cột mốc biên giới, giáo dục không để nhân dân không xâm canh, xâm cư và hợp tác giữ gìn trật tự an ninh biên giới”. Quy định như vậy là rất rõ ràng, nhưng khi thực thi thì không phải lúc nào cũng suôn sẻ.

Tóm lại, khó khăn vẫn còn nhiều, nhưng với Campuchia, chúng ta luôn xuất phát từ tinh thần hữu nghị, bàn bạc để cùng nhau làm tốt công tác phân giới cắm mốc và quản lý biên giới; phấn đấu sớm hoàn thành việc xây dựng đường biên giới đất liền giữa hai nước thành đường biên giới ổn định, hòa bình, hữu nghị và hợp tác.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Trong năm 2015, công tác biên giới đã có nhiều thành tựu, góp phần vào thành công của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là đóng góp của tất cả các lực lượng làm công tác biên giới.
(thực hiện)