Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, đến tháng 9/2012, các thành viên ASEAN mới chỉ hoàn thành 30% chỉ tiêu kết nối và 70% chỉ tiêu kinh tế cho việc hội nhập hoàn toàn về kinh tế vào năm 2015. Trong bối cảnh khó khăn chung, việc thực hiện các cam kết như lộ trình đã đặt ra gặp vô vàn khó khăn. Nhưng các cam kết quan trọng vẫn đang được các thành viên ASEAN tích cực triển khai nhằm tận dụng tối đa vị trí địa - chiến lược quan trọng ở khu vực, cùng với những chính sách rộng mở và đóng góp to lớn, ASEAN đã và đang hướng tới vị thế đối tác không thể thiếu của các nước lớn và các trung tâm lớn trên thế giới.
Hội nhập AFTA – không thể trì hoãn
Cho dù còn rất nhiều vấn đề cần tiếp tục được làm sáng tỏ, nhưng Hiệp định Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) đã thể hiện một bước chuyển đổi chiến lược đúng đắn của sự hợp tác kinh tế ASEAN. AFTA là cơ sở để xây dựng khu vực mở và là một đóng góp quan trọng vào tiến trình tự do hoá thương mại toàn cầu. Bản thân AFTA là bước mở đầu để đưa các thành viên ASEAN đi từ liên minh thương mại đến các liên minh về thuế quan, liên minh tiền tệ và liên minh kinh tế.
AFTA đã tạo cơ sở cho hội nhập và phát triển kinh tế khu vực, từ 2010, tất cả các biểu thuế trong thương mại nội khối đã được dỡ bỏ. ASEAN đang xây dựng một thị trường liên kết và cơ sở sản xuất chung rộng lớn thông qua một loạt các sáng kiến như Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA)… Việc triển khai Sáng kiến Hội nhập ASEAN giai đoạn 2 (2009 -2015) tiếp tục là nỗ lực ưu tiên trong việc hội nhập khu vực và thu hẹp khoảng cách vốn bị coi là lỗ hổng lớn trong ASEAN. Ngoài ra, với khu vực Đông Á, ASEAN đã thúc đẩy liên kết khu vực Đông Á cả về chiều rộng và chiều sâu với việc xây dựng, ký kết và triển khai nhiều Hiệp định hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, dịch vụ. ASEAN đã hoàn tất các FTA với 6 trong 8 nước Đông Á là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Không thể phủ nhận những FTA này đã góp phần quan trọng giúp các nền kinh tế ASEAN vượt qua thách thức và khó khăn của cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính, nợ công trên thế giới hiện nay.
Với Việt Nam, việc tham gia AFTA đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp ASEAN sẽ có cơ hội thâm nhập một thị trường rộng lớn với khoảng 500 triệu dân. Và việc giảm thuế hàng nhập khẩu từ các nước ASEAN giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, qua đó hạ được giá thành sản xuất. Việc mở cửa còn giúp họ cọ xát với các doanh nghiệp khác trong khu vực, làm tăng tính cạnh tranh của sản phẩm Việt.
Tuy nhiên, tham gia AFTA cũng tạo ra không ít thách thức, đặc biệt là sự cạnh tranh gay gắt đến từ hàng giá rẻ, chất lượng tốt của Thái Lan, Malaysia hay Indonesia
Sau khi gia nhập ASEAN và bắt đầu thực hiện các cam kết AFTA, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và ASEAN đã không ngừng tăng. Mặc dù giá trị nhập khẩu hàng hóa từ các nước ASEAN luôn lớn hơn giá trị hàng xuất khẩu trong nhiều năm qua, nhưng tốc độ tăng giá trị hàng xuất khẩu lại cao hơn hàng nhập nhẩu (trung bình 19,5%/năm so với 16%/năm).
Tuy rằng doanh nghiệp gặp phải không ít thách thức khi Việt Nam dần thực hiện các cam kết, nhưng không thể phủ nhận các lợi ích do AFTA mang lại. Hơn nữa, cũng không thể mãi bảo hộ các ngành sản xuất trong nước để một mình đứng ngoài nhìn các nước khác tham gia vào dòng chảy hội nhập. Một số ngành càng được bảo hộ nhiều lại càng thêm kém hiệu quả. Do đó, hội nhập càng sớm thì sẽ càng mau chữa được căn bệnh trì trệ và ỷ lại của nhiều doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung, việc bảo hộ bằng thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt kéo dài và chưa chọn lọc khiến chúng ta không thể hình thành được cách ngành công nghiệp như mong muốn, như ngành mía đường, xe hơi, hàng điện tử... Chính điều này đã hạn chế tính chủ động của các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ và nâng cao sức cạnh tranh. Trong khi đó, những doanh nghiệp biết chuẩn bị, đề ra được chiến lược kinh doanh hợp lý, vẫn sống được và có tiềm năng phát triển.
Như vậy, AFTA dù ít hay nhiều mang ý nghĩa quan trọng đối với tương lai kinh tế Việt Nam. Thách thức của AFTA yêu cầu phải nâng cao tính năng động và hiệu quả của cả nền kinh tế, con đường tham gia AFTA đòi hỏi tiêu chuẩn hiệu quả phải đưa lên hàng đầu trong các lĩnh vực quản lý, hoạch định chính sách của Nhà nuớc, trong hoạt động sản xuất kinh doanh của chính các doanh nghiệp, buộc Việt Nam phải có nỗ lực lớn về cải cách kinh tế và hành chính, cải cách doanh nghiệp Nhà nước theo hướng hiệu suất hoá.
“Một cửa ASEAN” - những bước đầu tiên
Không nằm ngoài xu hướng phát triển chung của thế giới, đồng thời là một phần trong tiến trình tự do hóa thương mại nội khối, các nước ASEAN nhận thấy cần phải xây dựng cơ chế một cửa cho cộng đồng các nước ASEAN nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa khu vực ASEAN trên trường quốc tế. Tại Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Canada, Australia… cơ chế một cửa được xây dựng và vận hành trên cơ sở hệ thống thông tin tự động của cơ quan hải quan và cơ quan quản lý giao thông vận tải kết nối với các cơ quan quản lý khác trong mô hình kết nối tổng thể của hệ thống một cửa quốc gia (National Single Window- NSW). Việc thực hiện NSW đã đem lại lợi ích to lớn cho hoạt động thương mại quốc tế, hoạt động quản lý nhà nước và là động lực quan trọng để thương mại điện tử đi vào cuộc sống.
Theo Hiệp định về xây dựng và thực hiện cơ chế một cửa ASEAN (ASEAN Single Window– ASW), đây là một môi trường trong đó các NSW hoạt động và kết nối với nhau. NSW là một hệ thống cho phép xuất trình dữ liệu và thông tin một lần; xử lý thông tin và dữ liệu một lần và đồng thời; và ra quyết định một lần cho việc giải phóng và thông quan hàng hoá. Việc ra quyết định một lần được hiểu rằng cơ quan hải quan là một cơ quan ra quyết định duy nhất đối với việc giải phóng hàng hoá trên cơ sở quyết định của các bộ ngành chức năng được kịp thời gửi tới hải quan.
Như vậy, ASW sẽ là một môi trường kết nối bảo mật. Nhưng thay vì kết nối thương nhân, cộng đồng vận tải với các cơ quan chính phủ như cơ chế một cửa tại từng quốc gia, ASW sẽ kết nối tất cả các hệ thống cơ chế một cửa của các nước thành viên. Theo đó, thông tin về thương nhân, đơn vị vận tải, hàng hóa, tình trạng quản lý của các cơ quan chính phủ sẽ dễ dàng được chia sẻ, tham khảo, đối chiếu tại tất cả các nước thành viên.
Theo cam kết tại Nghị định thư về thực hiện và triển khai ASW, việc thực hiện ASW sẽ được tiến hành theo lộ trình, kết nối từng quốc gia thành viên dựa trên tiến độ thực hiện NSW tại từng nước. Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore (ASEAN 6) sẽ thực hiện NSW muộn nhất vào năm 2008. Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam sẽ thực hiện NSW không muộn hơn năm 2012.
Đến thời điểm hiện tại, về mặt kỹ thuật, việc phát triển mô hình dữ liệu ASEAN phiên bản 2.0 với các tài liệu chủ yếu là tờ khai hải quan và giấy chứng nhận xuất xứ; Phát triển các quy trình trao đổi thông tin đối với các tài liệu trong mô hình dữ liệu ASEAN trên môi trường ASW; Triển khai dự án thử nghiệm nhằm xây dựng mô hình ASW tại một số nước thành viên; Chuẩn bị điều kiện để hình thành các chuẩn mực kỹ thuật, nghiệp vụ phục vụ xây dựng ASW đã được hoàn tất. Về mặt pháp lý, ASEAN đã thông qua Bản ghi nhớ để triển khai dự án thử nghiệm nhằm xây dựng mô hình ASW và chuẩn bị cơ sở để xây dựng hệ thống pháp lý cho ASW sau này; Xây dựng dự thảo Nghị định thư về khung pháp lý đảm bảo cho xây dựng, thực hiện ASW; Phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tiến hành một số Dự án phân tích khoảng cách pháp lý tại các quốc gia thành viên ASEAN.
Như vậy, việc thực hiện ASW vẫn đang ở những bước đầu tiên. Những kết quả trên đây cũng là một thành công lớn của các nhóm làm việc, dù việc thực hiện cơ chế một cửa tại các quốc gia thành viên cũng chưa đáp ứng tiến độ đề ra.
Riêng với Việt Nam, theo đánh giá của Tổng cục Hải quan (cơ quan đầu mối giúp việc Ban Chỉ đạo ASW), đến nay, tất cả các hoạt động nhằm triển khai NSW và ASW của Việt Nam đều được thực hiện theo đúng lộ trình. Hy vọng ASW sớm trở thành hiện thực.
Minh Anh