📞

“Đường lưỡi bò” của Trung Quốc ra tòa

14:44 | 09/07/2015
Trong khi Philippines tự tin rằng Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sẽ ra phán quyết có lợi cho mình thì Trung Quốc luôn tìm cách tránh tham gia vụ kiện.
Người dân Philippines biểu tình phản đối những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Philippines đang đứng trước giai đoạn cực kỳ quan trọng trong cuộc chiến pháp lý với Trung Quốc, khi Manila bước vào phiên điều trần trong vụ kiện Bắc Kinh về chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông tại PCA ở The Hague (Hà Lan) từ 7-13/7. Theo đó, yêu sách "đường lưỡi bò" phi lý của Trung Quốc đối với hầu như toàn bộ Biển Đông lần đầu tiên được soi xét kỹ lưỡng về mặt pháp lý quốc tế.

Nỗ lực quốc gia

Theo Reuters, Philippines đã cử một phái đoàn hùng hậu, bao gồm các luật sư cố vấn, quan chức hàng đầu ngành ngoại giao, quốc phòng và tư pháp của nước này sang Hà Lan tham gia tranh tụng. Phó Tổng thống Abigail Valte nhấn mạnh đây là "nỗ lực quốc gia" của Philippines và phản ánh "sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ" đối với vụ kiện.

Từ đầu năm 2013, Philippines đã đệ đơn lên PCA, yêu cầu Tòa ra phán quyết khẳng định quyền được khai thác các khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của nước này ở Biển Đông theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Tuy nhiên, đến tháng 12/2014, Chính phủ Trung Quốc ra văn bản cho rằng về bản chất, vụ kiện của Philippines là để khẳng định chủ quyền và vượt ngoài quyền hạn của PCA.

Trong bối cảnh đó, PCA đã chấp thuận kháng nghị của Trung Quốc, tuyên bố sẽ tổ chức cuộc tranh tụng về thẩm quyền của Tòa từ ngày 7-13/7. Động thái này của PCA, theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose, "là bước đi đầu tiên hướng đến một giải pháp hòa bình, dựa trên pháp luật về vấn đề Biển Đông".

Chủ trương giải quyết song phương

Theo Manila Bulletin, ngày 6/7, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Kiến Hoa khẳng định Bắc Kinh vẫn bảo lưu quan điểm không tham gia vụ kiện, đồng thời nhắc lại đề xuất giải quyết bất đồng một cách riêng rẽ với Philippines. "Chúng tôi vẫn để ngỏ cho khả năng đàm phán song phương và cánh cửa này sẽ luôn luôn mở", ông nói. Bên cạnh đó, Đại sứ khẳng định Bắc Kinh sẽ không gây chiến với Manila chỉ vì những tranh chấp lãnh thổ.

Truyền thông quốc tế cho hay, dù không tham gia vụ kiện nhưng Trung Quốc đã tìm mọi cách để vận động chống lại một phán quyết bất lợi. Theo Reuters, các quan chức ngoại giao và chuyên gia pháp lý quốc tế Trung Quốc luôn theo dõi sát sao vụ kiện. Đại sứ quán Trung Quốc tại The Hague thậm chí lập đường dây liên lạc chính thức với PCA, qua đó PCA sẽ cập nhật thông tin về tiến trình xử lý và cơ hội để Bắc Kinh tham gia. "Các thẩm phán đang phải chịu sức ép đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc", chuyên gia Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) bình luận.

Sàn đấu công bằng

Đối với Philippines, kết quả của phiên tranh tụng đang diễn ra tại The Hague được đánh giá là rất quan trọng, bởi nếu PCA tuyên bố không đủ thẩm quyền xét xử yêu cầu của Manila, vụ kiện sẽ bị hủy bỏ. Tuy nhiên, kể cả khi PCA ra phán quyết có lợi cho Philippines, Liên hợp quốc cũng không có cơ chế nào đảm trách việc thực thi phán quyết.

Bên cạnh đó, phiên tòa có thể kéo dài qua thời điểm nhiệm kỳ của Tổng thống Benigno Aquino kết thúc vào tháng 6/2016. Ông Aquino là nhân vật trụ cột của chiến dịch đấu tranh pháp lý với Trung Quốc, khi Chính phủ Philippines chuyển giao, quan điểm cứng rắn chống Trung Quốc mà ông Aquino đưa ra cũng có thể sẽ thay đổi.

Về phần mình, Trung Quốc chắc chắn sẽ bác bỏ bất kỳ phán quyết nào của PCA có lợi cho Philippines. GS. Tra Đạo Huỳnh (Đại học Bắc Kinh) tuyên bố: "Không có sự tham gia của Trung Quốc, bất cứ phán quyết nào cũng chỉ là một ý kiến mà thôi". Tuần trước, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói: "Phiên tòa đơn phương này là hành vi khiêu khích chính trị đội lốt luật pháp nhằm bác bỏ chủ quyền quốc gia của Trung Quốc trên biển".

Bất chấp lo lắng rằng phán quyết của PCA sẽ không thể khiến Trung Quốc "chùn tay", cây viết Carrie Gracie (BBC) nhận định hành động pháp lý vẫn ít nguy hiểm và tốn kém hơn so với chạy đua vũ trang, đồng thời là "sàn đấu công bằng" để một nước nhỏ như Philippines chống lại gã khổng lồ trong khu vực. "Lớn hay nhỏ không là vấn đề. Thẩm phán của PCA sẽ quyết định vụ kiện dựa trên UNCLOS mà hai nước đều tham gia ký kết", bà Gracie nói.

Trong bối cảnh hành vi đơn phương của Trung Quốc làm căng thẳng gia tăng trên Biển Đông thời gian gần đây, các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế theo dõi chặt chẽ diễn biến vụ kiện này. Dù chưa biết kết quả sẽ nghiêng về bên nào nhưng vụ kiện được dư luận đánh giá là thất bại ngoại giao của Trung Quốc, đòn đánh mạnh vào uy tín quốc tế của chính quyền Bắc Kinh và có thể thúc đẩy các bên yêu sách khác ở Biển Đông có hành động tương tự.

Quang Chinh