Tuy nhiên, chính phủ dân sự đầu tiên ở Myanmar cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Chính những thuận lợi và thách thức này sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới chính sách của chính phủ Myanmar trong 5 năm tới.
Tân Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar Aung San Suu Kyi (giữa) được cho là sẽ thu hút được nhiều đầu tư cũng như viện trợ của nước ngoài. (Nguồn: Ibtimes) |
Nền tảng vững chắc
Việc NLD chiến thắng nhờ vào sự ủng hộ của đa số người dân Myanmar là thuận lợi căn bản nhất cho chính phủ mới được thành lập. Đây thực sự là nền tảng quan trọng để chính phủ mới thực hiện các cải cách như lãnh đạo và các thành viên NLD đã đấu tranh trong suốt hơn 10 năm qua cũng như trong tám điểm mà đảng này chỉ ra đầu năm 2015 nhằm phê phán những cải cách chưa được thực hiện dưới thời Tổng thống Thein Sein.
Chính phủ dân sự mới được lập với đa số người của NLD hoặc thân NLD nắm giữ những vị trí quan trọng đều là những người được đào tạo bài bản hoặc nhận được sự ủng hộ rộng rãi của dân chúng và các nước phương Tây. Tổng thống Htin Kyaw đã học về kinh tế ở Anh. Bộ trưởng Thương mại Than Myint được đào tạo về kinh tế và có bằng tiến sĩ ở Mỹ. Bộ trưởng Kế hoạch và Tài chính Kyaw Win có bằng tốt nghiệp đại học về kinh tế và có kinh nghiệm 20 năm làm việc trong Bộ Kế hoạch Quốc gia trước đây.
Hơn nữa, việc bà Aung San Suu Kyi-lãnh đạo NLD đảm nhận vai trò Bộ trưởng Ngoại giao là cơ sở để Myanmar có thêm sự ủng hộ của phương Tây không chỉ trong chính sách đối ngoại mà còn giúp đất nước thu hút được nhiều đầu tư cũng như viện trợ từ nước ngoài. Những nhân vật quan trọng khác trong nội các như Tổng thống Htin Kyaw thuộc về hai sắc tộc Môn-Miến, Phó Tổng thống thứ hai Henry Van Thio đến từ bang Chin, Bộ trưởng các vấn đề dân tộc Nai Thet Lwin đến từ Đảng Dân tộc Môn (MNP), Bộ trưởng Thông tin Pe Myint là người Arakan sẽ là những nhân tố giúp cho vấn đề hòa giải giữa chính phủ và các nhóm sắc tộc có vũ trang ở Myanmar thuận lợi hơn.
Thất bại trong cuộc bầu cử 2015 nhưng đảng Đoàn kết và Phát triển liên bang (USDP) vẫn có được các vị trí quan trọng trong nội các như Bộ trưởng các vấn đề Tôn giáo và Văn hóa (Thura Aung Ko) và Bộ trưởng Lao động và Nhập cư (Thein Swe). Quân đội vẫn có được vị trí Phó Tổng thống thứ nhất cùng ba bộ quan trọng trong chính phủ là Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và Bộ các vấn đề Biên giới. Như vậy, ở một khía cạnh khác, việc các bên thống nhất được vấn đề chia sẻ quyền lực là thuận lợi cơ bản giúp chính phủ mới ở Myanmar tiếp tục con đường cải cách.
Bên cạnh đó, những di sản cải cách được thực hiện dưới thời Tổng thống Thein Sein cầm quyền từ tháng 3/2011 đến nay cũng là yếu tố thuận lợi lớn cho chính phủ mới do NLD đứng đầu. Myanmar đã có những cải cách trên nhiều lĩnh vực lớn của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Những cải cách theo hướng tự do, dân chủ, minh bạch, khả năng giải trình cao… thực sự là nền tảng quan trọng để NLD hiện thực hóa giấc mơ dân chủ hóa của mình. Sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế là yếu tố quan trọng để Myanmar có thêm các nguồn lực từ bên ngoài để kiên trì với những cải cách trong nước cũng như tận dụng tốt nhất nguồn lực bên trong, nhất là tài nguyên thiên nhiên phong phú của Myanmar để phát triển đất nước.
...nhưng thách thức không nhỏ
Bên cạnh những thuận lợi lớn như kể trên, chính phủ mới ở Myanmar đang và sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ trong nước cũng như từ bên ngoài.
Thứ nhất, niềm tin và hy vọng lớn mà người dân Myanmar đặt vào chính phủ mới chính là sức ép lớn nhất mà Tổng thống Htin Kyaw và nội các của ông phải vượt qua. Với những hạn chế về tiềm lực kinh tế và tiến bộ xã hội cùng với vai trò lớn của quân đội trong nền chính trị, kinh tế, những bất ổn do vấn đề xung đột, ly khai mang lại, rõ ràng, Myanmar sẽ gặp rất nhiều thách thức để đáp ứng được kỳ vọng của người dân.
Thứ hai, trong số nội các gồm 21 thành viên thì đa số đều chưa có kinh nghiệm quản lý nhà nước. Kinh nghiệm của Phó Tổng thống thứ hai trong lĩnh vực công nghiệp, Bộ trưởng Giao thông và Viễn thông Thant Zin Maung trong lĩnh vực quản lý đường sắt, Bộ trưởng Thương mại Than Myint trong lĩnh vực tài chính, Bộ trưởng Kế hoạch và Tài chính Kyaw Win trong lĩnh vực kế hoạch thực sự có ý nghĩa nhưng rõ ràng là chưa đủ để vận hành chính phủ và các bộ ngành trong bối cảnh mới. Nói cách khác, một chính phủ mới với nhiều vị trí được đào tạo bài bản nhưng ít kinh nghiệm điều hành thực tế, chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn trong điều hành đất nước.
Thứ ba, với sáu trong tổng số 11 thành viên của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia, phe quân đội ở Myanmar vẫn có vai trò rất lớn trong các quyết định an ninh quốc gia và phần nào đó là đối ngoại. Thêm nữa, việc quân đội có 25% tổng số ghế trong hai viện quốc hội và có quyền phủ quyết đối với việc sửa đổi hiến pháp có thể cản trở nhiều nỗ lực cải cách chính trị của chính phủ.
Thứ tư, hòa giải dân tộc sẽ tiếp tục là gánh nặng đối với chính quyền mới ở Myanmar. Cho đến nay, mới chỉ có tám trong số nhiều nhóm sắc tộc có vũ trang ký Thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc (NCA) với chính phủ. Sự khác biệt trong quan điểm sử dụng lực lượng vũ trang của các nhóm sắc tộc giữa quân đội Myanmar và các nhóm sắc tộc sẽ tiếp tục làm cho tiến trình hòa giải thêm phần khó khăn. Bên cạnh đó, việc NLD muốn người của họ giữ vị trí đứng đầu tất cả các cơ quan lập pháp của 14 bang, khu vực đang làm trầm trọng thêm mâu thuẫn giữa chính phủ với một số nhóm vũ trang, các đảng chính trị của các sắc tộc như Arakan và Shan, nơi NLD không giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng Mười Một năm ngoái. Mối quan hệ không lấy gì làm tốt đẹp giữa người Rohingya theo Hồi giáo và một bộ phận người Miến theo Phật giáo và tương lai mù mịt về khả năng có quyền công dân Myanmar cho người Rohingya sẽ làm cho vấn đề hòa giải dân tộc gặp không ít trở ngại.
Cuối cùng, kỳ vọng và sự thôi thúc của các nước phương Tây liên quan đến tiến trình dân chủ hóa chính trị và tự do hóa đời sống kinh tế ở Myanmar đặt ra cho chính quyền dân sự nhiều thách thức, đặc biệt trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á cần thêm thời gian và sự kiên nhẫn để đạt được các mục tiêu đề ra. Hơn nữa, Myanmar còn gặp “khó” trong việc cân bằng ảnh hưởng giữa các nước, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ngoại giao linh hoạt nhưng có nguyên tắc
Sau khi lên nắm quyền vào tháng 3/2011, chính quyền bán dân sự ở Myanmar dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Thein Sein đã có những điều chỉnh lớn về ngoại giao, trong đó phải kể đến chính sách xích lại gần hơn với phương Tây và điều chỉnh theo hướng bình đẳng hơn, ít lệ thuộc hơn trong quan hệ với Trung Quốc.
Lãnh tụ của NLD Aung San Suu Kyi vốn là người ủng hộ chính sách đối ngoại thân phương Tây, nhiều lần lên tiếng phản đối các dự án đầu tư lớn của Trung Quốc ở Myanmar, cũng đã có sự điều chỉnh nhất định khi bà có chuyến thăm tới nước láng giềng phía Bắc vào tháng 6/2015.
Khi đóng vai trò lãnh tụ của đảng đối lập, Aung San Suu Kyi có không gian để chỉ trích chính quyền Thein Sein trong quan hệ với Trung Quốc nhưng rõ ràng, khi NLD lên cầm quyền, thực tế đã buộc Bộ trưởng Ngoại giao kiêm cố vấn quốc gia có cách tiếp cận khác.
Chính phủ mới ở Myanmar đang đứng trước những bài toán khó trong ứng xử với quốc gia đông dân nhất thế giới. Liệu chính phủ mới với NLD chiếm đa số có đủ dũng khí để đình chỉ vĩnh viễn dự án thủy điện khổng lồ Myitsone hay dự án đường sắt nối Trung Quốc với vịnh Bengal trong bối cảnh Trung Quốc hiện vẫn đang là nước có FDI chiếm tới 25% tổng nguồn vốn FDI ở Myanmar? Không những thế, Trung Quốc có ảnh hưởng lớn đối với các nhóm sắc tộc có vũ trang như người Wa, người Kokang ở bang Kachin, nhân tố có tác động lớn đến tiến trình hòa giải dân tộc vốn là một trong những ưu tiên của chính phủ mới ở Myanmar.
ASEAN, cánh cửa giúp Myanmar bước ra thế giới khi nước này còn nằm trong vòng bao vây cấm vận của Mỹ và phương Tây, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Myanmar. 8/10 số hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Myanmar đang tham vấn, đàm phán hoặc đã ký kết nằm trong khuôn khổ của ASEAN hoặc giữa ASEAN với các đối tác ngoài khu vực. Singapore, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam nằm trong số 10 nước có đầu tư FDI lớn nhất vào Myanmar. Với tư cách là một nước thành viên ASEAN, Myanmar ngày càng chủ động và tích cực hơn.
“Một Myanmar có trách nhiệm trong gia đình toàn cầu thông qua các tổ chức quốc tế và khu vực” mà Tổng thống Thein Sein khẳng định năm 2012 chắc chắn sẽ được minh chứng thêm trong 5 năm cầm quyền của chính phủ mới.