Ủy viên châu Âu phụ trách tư pháp Vera Jourova cho biết, được thảo luận trong suốt hơn hai năm qua với Washington, "Lá chắn cá nhân" sẽ bảo vệ các dữ liệu cá nhân của các công dân châu Âu và đảm bảo an ninh pháp lý cho các doanh nghiệp trong bối cảnh dữ liệu được chuyển sang Mỹ.
Trước đó, đầu tháng 2 vừa qua, EC đã tuyên bố đạt được thỏa thuận chính trị với Mỹ về phác thảo chương trình "Lá chắn cá nhân" và được tiếp tục hoàn thiện sau đó. Trên thực tế, EC đã chính thức thông qua hôm 12/7 quyết định có đầy đủ hiệu lực để bảo vệ 28 thành viên của mình cũng như phía Mỹ trong quá trình truyền tải dữ liệu khổng lồ giữa hai bờ Đại Tây Dương.
EC nhấn mạnh quyết định này sẽ được thông báo cho các quốc gia thành viên và sẽ có hiệu lực ngay lập tức. Giới chức Mỹ sẽ phải nhanh chóng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp liên quan phải cam kết tuân thủ quy định mới.
"Lá chắn" mới sẽ đưa ra những nghĩa vụ của các doanh nghiệp phải làm và thiết lập một cơ chế thanh tra tại Bộ Ngoại giao Mỹ nhằm theo dõi các khiếu nại của các công dân châu Âu liên quan đến việc lạm dụng dữ liệu của họ.
Hiện nay, hàng nghìn doanh nghiệp, từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho đến những người khổng lồ internet, truyền các dữ liệu bao gồm tất cả các thông tin cho phép xác định danh tính một cá nhân theo cách trực tiếp như tên, họ hoặc ảnh, hoặc theo cách gián tiếp (số bảo hiểm xã hội hoặc số khách hàng) trên đất châu Âu tới các trung tâm dữ liệu ở Mỹ. Tháng 10/2015, cơ quan tư pháp châu Âu tuyên bố chấm dứt hiệu lực các khuôn khổ pháp lý trước đó chi phối việc truyền dữ liệu xuyên Đại Tây Dương - "Bến cảng an toàn" bởi cho rằng chương trình này không thể bảo vệ công dân châu Âu trước chương trình theo dõi của Mỹ - đã được Edward Snowden tiết lộ phần nào. Kể từ đó, các cá nhân và doanh nghiệp châu Âu phải đối mặt với tình huống không chắc chắn về mặt pháp lý khi truyền tải dữ liệu sang Mỹ. |