Quang cảnh bên ngoài trụ sở của ECB tại thành phố Frankfurt am Main, miền trung Đức. (Nguồn: AFP) |
Trong một phán quyết gây sốc cùng ngày, BVG đã yêu cầu ECB trong ba tháng phải làm rõ các yếu tố chính trong gói hỗ trợ Eurozone có tên Chương trình Mua trái phiếu khu vực công (PSPP) của ngân hàng này. PSPP thực chất là chương trình nới lỏng định lượng (QE) của Liên minh châu Âu (EU) nhằm đối phó với tình trạng giảm phát và kích thích tăng trưởng.
Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) sẽ bị cấm tham gia chương trình này sau thời hạn ba tháng nêu trên trừ khi ECB có thể cho thấy khoản mua nợ từ các chính phủ là phù hợp.
Phán quyết của BVG chỉ liên quan đến PSPP, không liên quan tới gói kích thích trị giá 750 tỷ euro (815 tỷ USD) có tên Chương trình mua trái phiếu khẩn cấp vì đại dịch (PEPP) vừa được ECB thông qua tháng trước, nhằm thúc đẩy nền kinh tế Eurozone đang chịu tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Trong thông báo đưa ra sau cuộc điện đàm giữa hội đồng quản trị, ECB cho biết, họ vẫn giữ nguyên cam kết thực hiện mọi điều cần thiết để duy trì sự ổn định giá trong khu Eurozone, đồng thời đảm bảo các hành động chính sách tiền tệ của họ sẽ tác động được đến nền kinh tế thực.
Phán quyết của BVG cũng đưa ra một thách thức chưa từng có đối với Tòa án Công lý Liên minh châu Âu (CJEU) khi cho rằng phán quyết trước đó của tòa án EU này về kế hoạch QE là “không rõ ràng” và không ràng buộc về mặt pháp lý.
Với việc mua vào lượng trái phiếu chính phủ có tổng trị giá khoảng 2.200 tỷ Euro (khoảng 2.383 tỷ USD) tính đến hiện tại, QE sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư tư nhân “đổ” tiền mặt vào các khoản đầu tư rủi ro hơn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và qua đó đưa lạm phát hướng tới mức mục tiêu ngay sát 2% do ECB đề ra.
Nhưng BVG lưu ý, chính sách này cũng có tác dụng phụ. Theo tòa án Đức, QE có khả năng ảnh hưởng đến các khoảng nợ công, tiết kiệm cá nhân, lương hưu và chế độ hưu trí, giá bất động sản và việc duy trì hoạt động cho các công ty mất khả năng kinh doanh.
CJEU cho rằng, các “tác dụng phụ” như vậy có thể chấp nhận được khi ECB theo đuổi các mục tiêu bao trùm, qua đó nhất trí với những đánh giá của ngân hàng trung ương này trong việc xác định biện pháp can thiệp nào là cần thiết để đạt được mục tiêu.
Ngược lại, các thẩm phán Đức lập luận phán quyết của tòa án châu Âu cho phép ECB mua tài sản ngay cả trong trường hợp mục tiêu chính sách tiền tệ về cơ bản cấu thành chương trình nghị sự chính sách kinh tế và tài chính, như giảm chi phí vay cho từng quốc gia thành viên Eurozone. BVG cho rằng cách lý giải như vậy sẽ chuyển thẩm quyền về chính sách kinh tế và tài khóa từ cấp quốc gia sang cấp châu Âu.
Nhiều nhà quan sát cảnh báo rằng, phán quyết của tòa án Đức đối với QE có thể cản trở hoạt động của ECB trong tương lai.