📞

EU?

15:30 | 19/09/2010
Liên minh châu Âu (EU) đang tiến dần đến sự suy vong, không phải một cái chết bất thình lình mà là một sự ra đi từ từ. Nhiều nhà phân tích đã đưa ra nhận định đáng lo ngại như vậy khi xem xét các nhân tố kinh tế, chính trị.

Vấn đề đáng lo ngại nhất không phải là những hậu quả nặng nề của khủng hoảng kinh tế mà là sự trở lại của việc "quốc gia hóa" đời sống chính trị châu Âu: Từ London, Berlin cho đến Warsaw, chính quyền các nước đang dần khôi phục những chủ quyền mà đã có thời họ sẵn sàng từ bỏ để phục vụ cho ý tưởng về một tập thể châu Âu thống nhất. Tại Đức, việc Thủ tướng Merkel không chịu ra tay giải cứu Hy Lạp khỏi khủng hoảng nợ trong một thời gian dài đã cho thấy sự miễn cưỡng của Đức đối với vấn đề này, thái độ trên cũng đã phá vỡ tinh thần "thịnh vượng chung" - vốn là một trong những khẩu hiệu của châu Âu thống nhất.

Việc trỗi dậy trở lại của quá trình "quốc gia hóa" nền chính trị châu Âu đang diễn ra trên khắp "cựu lục địa". Trong quá khứ, năm 2005, cử tri Pháp và Hà Lan cũng đã bác bỏ bản dự thảo Hiến pháp châu Âu, một văn bản pháp luật có mục đích cố kết châu lục này về mặt chính trị và luật pháp. Còn mới đây, trong cuộc bầu cử hồi tháng 5, cử tri Anh đã dành sự ủng hộ của mình cho liên minh cầm quyền dưới sự thống lĩnh của đảng Bảo thủ - vốn được nhiều người biết đến với học thuyết Europhobia chống lại tiến trình nhất thể hóa châu Âu.

Bên cạnh đó, những nhu cầu của thị trường thế giới và khủng hoảng tài chính đang gây nên những gánh nặng cho hệ thống phúc lợi các nước châu Âu. Và khi khó khăn chồng chất, nhiều người quay ra đổ lỗi cho mô hình liên minh của châu lục này. Tại Pháp, các chiến dịch chống lại tiến trình nhất thể hóa châu Âu đã trút sự giận dữ của mình vào cái gọi là cuộc xâm lăng của các giá trị "Anglo - Saxon" vào hệ thống phúc lợi xã hội và vào những "người thợ hàn Ba Lan" - tiếng lóng dùng để chỉ dân lao động nhập cư đã giành mất việc làm của lao động địa phương - hệ quả tiêu cực của chính sách mở cửa thị trường lao động châu Âu.

Việc can dự của các nước châu Âu vào chiến tranh Iraq và Afghanistan cũng là một nguyên nhân khiến cho châu lục này kiệt sức. Tại Đức, 2/3 số người tham gia trưng cầu ý kiến chống lại việc nước này duy trì quân đội tại Afghanistan - một tin tức không hề tốt lành đối với tham vọng muốn có một tiếng nói thống nhất trên trường quốc tế của EU.

Sáu thập niên trước, thế hệ những nhà lãnh đạo như Jean Monnet, Robert Schuman và Konrad Adenauer đã trở thành những công thần sáng lập ra EU. Giờ đây, Liên minh này đang cần một thế hệ lãnh đạo mới có đủ khả năng để thổi hồn vào một tiến trình nhất thể hóa có vẻ như đang hấp hối. Nhưng có lẽ những yếu nhân đó chưa lộ diện, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.

Trung Nguyên