EU chính thức đặt lệnh cấm với kim cương Nga. (Nguồn: AFP) |
Mới đây nhất, Hội đồng châu Âu (EC) thông báo: “EU chính thức áp đặt lệnh cấm nhập khẩu, mua hoặc chuyển giao kim cương trực tiếp hoặc gián tiếp từ Nga”.
Theo “quy trình”, từ ngày 1/3/2024, việc nhập khẩu gián tiếp kim cương tự nhiên có nguồn gốc từ Moscow nhưng được gia công ở nước thứ ba cũng sẽ bị EU cấm.
Và từ ngày 1/9/2024, lệnh cấm sẽ mở rộng đối với việc nhập khẩu kim cương tổng hợp của Nga được gia công trong nước, đồ trang sức và đồng hồ đính kim cương của Nga xuất khẩu từ nước thứ ba.
EU, G7 hợp sức
EC lưu ý, Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) cũng sẽ tham gia vào lệnh cấm vận này. Giờ đây, kim cương từ Nga chỉ có thể được nhập khẩu vào châu Âu cho mục đích sử dụng cá nhân của khách du lịch và như một phần của hoạt động trao đổi văn hóa với Moscow.
Tin liên quan |
EU 'đánh thẳng' vào yếu điểm của kinh tế Nga, chặn đứng mọi khả năng lách luật, Moscow sẽ 'có câu trả lời'? |
Vấn đề nằm ở chỗ Điện Kremlin chủ yếu xuất khẩu kim cương thô, còn việc chế tác thành đồ trang sức hoặc đính lên đồng hồ được tiến hành ở quốc gia khác.
Nga là nước sản xuất kim cương thô lớn nhất thế giới, trong khi khách hàng mua kim cương thô chính trên thế giới (khoảng 80%) là Antwerp của Bỉ - nơi được mệnh danh là thủ đô kim cương của thế giới.
Đó là lý do tại sao Bỉ từng kiên quyết phản đối việc áp đặt lệnh trừng phạt đối với kim cương của Nga.
Theo dữ liệu tính đến cuối năm 2022 (không có dữ liệu gần đây hơn), các nhà nhập khẩu kim cương chủ yếu từ Nga là UAE (1,64 tỷ USD), Bỉ (1,46 tỷ USD) và Ấn Độ (1,08 tỷ USD). Mục tiêu của EU khi thông qua lệnh cấm nhập khẩu kim cương là làm giảm nguồn thu ngân sách của Nga.
Tuy nhiên, chuyên gia Olga Belenkaya, người đứng đầu bộ phận phân tích kinh tế vĩ mô của Tập đoàn tài chính Finam nhận định, xuất khẩu kim cương chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Nga và rủi ro chính từ những hạn chế này liên quan đến công ty Alrosa của Nga.
Doanh thu của Alrosa năm 2022 đạt 4,5 tỷ USD, chưa bằng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu 590 tỷ USD của Nga.
Việc mất quyền tiếp cận trung tâm kim cương ở Antwerp có thể khiến Alrosa mất khoảng 1/3 lợi nhuận.
Và để công ty không bị mất toàn bộ thị phần, họ sẽ phải tìm cách lách các lệnh trừng phạt và có thể cung cấp kim cương cho UAE và Ấn Độ, hoặc tìm các điểm “trung chuyển” mới dành cho kim cương của Moscow.
Nga đã có lựa chọn khác?
Đáp trả tuyên bố mới của EC, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố, đất nước có các lựa chọn khác để tránh lệnh trừng phạt và nước này sẽ thực hiện các lựa chọn của mình.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết, nước này sẽ chuyển hướng thị trường bán hàng và nói thêm rằng, những lệnh trừng phạt này sẽ không mang lại lợi ích cho những người áp đặt chúng.
Chuyên gia Belenkaya nói: “Trong một thời gian dài, Bỉ phản đối lệnh cấm nhập khẩu kim cương của Nga, vì sợ nước này sẽ mất thị phần đáng kể. Dòng chảy thương mại có khả năng chuyển sang các trung tâm khác, như Ấn Độ hay Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE)”.
Phó Giáo sư Tatyana Skryl thuộc Khoa Lý thuyết kinh tế, Đại học Kinh tế Nga đánh giá: “Với thực tế Nga là nước sản xuất kim cương lớn nhất thế giới, chiếm 35% tổng số kim cương được khai thác trên toàn cầu vào cuối năm 2022. Trong thời gian tới, lệnh cấm nhập khẩu sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt trên thị trường và kết quả là đẩy giá kim cương tăng cao”.
Điều này đồng nghĩa với việc chính người châu Âu sẽ phải chi nhiều tiền hơn để mua sắm đồ trang sức và đồng hồ đính kim cương.
Theo Bộ trưởng Tài chính Siluanov, Moscow chia sẻ khoảng 50% thị trường kim cương thế giới với De Beers, một công ty quốc tế khai thác, chế biến và bán kim cương.
De Beers được thành lập ở Nam Phi và thuộc sở hữu của công ty khai thác mỏ Anglo American của Anh (85%) và chính phủ Botswana (15%).
Phó Giáo sư Skryl lập luận: “Nếu các biện pháp trừng phạt có hiệu quả, Alrosa sẽ không dễ dàng khôi phục hoặc tìm kiếm các kênh bán hàng thay thế. Nhưng mặt khác, thế giới hiện nay vẫn chưa xây dựng được hệ thống nhận dạng đầy đủ kim cương thô từ nơi khai thác cho đến các tủ kính trong cửa hàng.
Do đó, trên đường đến tay người tiêu dùng cuối cùng, một viên kim cương của Nga có thể trở thành một sản phẩm trung gian với việc bổ sung một số yếu tố, chẳng hạn như ở Ấn Độ hoặc Trung Quốc, sau đó nó có thể nhận được nhãn hiệu của một thương hiệu trang sức nổi tiếng”.
Không chỉ Ấn Độ và Trung Quốc, mà cả UAE, Israel và các nước khác cũng có thể mua kim cương của Nga với giá chiết khấu như trường hợp của dầu mỏ.
Chuyên gia kim cương Leonid Khazanov cũng không loại trừ việc người châu Âu nhìn chung sẽ nhắm mắt làm ngơ trước nguồn gốc của những những viên kim cương vì “các nhà chức trách EU thực sự mạo hiểm với nguy cơ phá hủy ngành công nghiệp trang sức của chính mình, vốn mang lại thu nhập tốt cho ngân khố của họ”.
| Nga 'ngó lơ' lệnh cấm của G7, bán dầu theo giá thị trường, Moscow không còn cấm xuất khẩu dầu diesel Ngày 6/10, chính phủ Nga thông báo dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel tới các cảng biển qua đường ống, loại bỏ phần ... |
| Xuất khẩu ngày 13-20/10: Xuất nhập khẩu hàng hoá vượt mốc 500 tỷ USD; hơn 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt bán trên Amazon Xuất nhập khẩu hàng hoá chính thức vượt mốc 500 tỷ USD; Việt Nam muốn thành trung tâm xuất khẩu thuốc giá trị 1 tỷ ... |
| EU quyết định Nga phải chi trả cho tái thiết Ukraine, đề xuất chia lợi nhuận từ 211 tỷ Euro 'cầm' của Moscow Ngày 27/10, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen thông báo, EC đang nghiên cứu đề xuất chia một số lợi ... |
| Trừng phạt Nga: EU sắp 'ra tay' với kim cương, LNG? Đan Mạch nhắm tới dầu mỏ, danh sách của Czech thêm dày Ngày 15/1, các nhà ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) cho hay, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất lệnh cấm nhập khẩu ... |
| Xuất khẩu ngày 4-8/12: Rau quả kiếm 'bộn tiền'; xuất nhập khẩu Việt Nam – Hoa Kỳ vượt mốc 100 tỷ USD Xuất nhập khẩu Việt Nam – Hoa Kỳ vượt mốc 100 tỷ USD; rau quả kiếm "bộn tiền"; 10 tháng đầu năm 2023, cua ghẹ ... |