Để chiến thắng của ông Macron không vô nghĩa
Với 66,1% số phiếu bầu chọn trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, ông Emmanuel Macron - một người chủ trương ôn hòa - đã giành chiến thắng vang dội trước đối thủ Le Pen. Mặc dù chủ trương ủng hộ mạnh mẽ chương trình nghị sự của EU, song ông Macron cảm thấy vẫn phải chỉ trích khối này vì "hoạt động trì trệ", đồng thời ông kêu gọi cải cách “sâu rộng” liên minh này. Đây cũng chính là suy nghĩ của các cử tri EU.
EU đang thay đổi để thích nghi với những yêu cầu mới, song tốc độ thay đổi còn quá chậm và không thuyết phục được dân chúng. Liên minh cần phải nỗ lực hơn nữa để chiến thắng của ông Macron không vô nghĩa.
EU cần phải nỗ lực hơn nữa để chiến thắng của ông Macron không vô nghĩa. (Nguồn: AP) |
Kết quả cuộc thăm dò ý kiến của 28.000 người dân châu Âu, do nhóm nghiên cứu Kantar Public tiến hành hồi tháng 3 vừa qua, cho thấy quan điểm ủng hộ châu Âu đang quay trở lại bằng với mức của năm 2007, sau một thời gian "tuột dốc" do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Khoảng 57% số người được hỏi cho rằng việc đất nước của họ là thành viên của EU là "một điều tốt”. Chỉ có 14% cho rằng đó là một điều tồi tệ. Ý kiến tích cực đã tăng lên 4% kể từ năm ngoái. Tuy nhiên, có một điều đáng chú ý là khoảng 50% người dân châu Âu vẫn nghĩ rằng EU đang đi sai hướng (ít hơn 4% với cuộc thăm dò hồi tháng 9/2016, song vẫn chiếm đa số; chỉ có 25% cho rằng liên minh này đang đi đúng hướng).
EU thường bị cáo buộc áp đặt hàng loạt quy tắc đối với công dân và các công ty châu Âu. Chẳng hạn, đảng Mặt trận Quốc gia của bà Le Pen cho biết, 80% điều luật của Pháp là do Brussel áp đặt. Trên thực tế, tỷ lệ này là khoảng 30%, mặc dù EU tự ước tính là khoảng 20%. Ở Anh, tỷ lệ này nằm trong khoảng từ 13% đến gần 70%. Ông Jean-Claude Juncker, người đứng đầu Ủy ban châu Âu (EC), đã nỗ lực giảm tỷ lệ này. Năm 2013, trước khi ông Juncker được bầu làm Chủ tịch EC, EU đã đưa ra 2.209 đạo luật. Năm 2016, con số này đã giảm xuống còn 2.049 đạo luật, song vẫn còn khá nhiều quy định.
Một chỉ trích lớn khác đối với EU là khối này không thể bảo vệ được các đường biên giới của mình. Tuy nhiên, sau đó, nhờ các nỗ lực chung của châu Âu, trong đó có việc kêu gọi sự hỗ trợ của Libya và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như tiến hành tuần tra ở Địa Trung Hải, những lời chỉ trích này đã được dập tắt. Sau giai đoạn cao điểm năm 2015-2016, số người di cư bằng đường biển đã giảm hẳn so với mức của năm 2014.
Hành động để níu giữ "màu hồng"
Ngoài ra, trong cuộc thăm dò ý kiến của Kantor, nhiều người châu Âu cảm thấy tiếng nói của họ không được lắng nghe tại EU. Cụ thể, 43% cho rằng tiếng nói của họ được Brussels lắng nghe, còn 53% không cho là như vậy. Cán cân tỷ lệ này đang dần thay đổi theo hướng có lợi cho EU, mặc dù người dân châu Âu vẫn cho rằng nền dân chủ đang vận hành tốt hơn ở chính đất nước họ.
EU cần phải nỗ lực hơn nữa để chiến thắng của ông Macron không vô nghĩa. (Nguồn: CLEPA) |
Gần đây ông Juncker đã cho công bố sách trắng về tương lai của EU, bày tỏ hy vọng rằng các nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên sẽ khuyến nghị với ông về những việc cần làm tiếp theo. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra rằng ai sẽ là người đảm trách nhiệm vụ đó khi Thủ tướng Đức Angela Merkel không muốn đề ra các chính sách chung của EU. Thái độ chống Đức đang trở nên lớn mạnh tại miền Nam và miền Đông EU. Trong khi đó, ông Emmanuel Macron sẽ bị bao vây bởi một Quốc hội Pháp "cứng đầu", có khả năng làm cho ông bị vô hiệu hóa.
Ông Juncker đã trải qua nửa nhiệm kỳ Chủ tịch EC. Người kế nhiệm ông Juncker sẽ phải đề xuất một kế hoạch cho phép khối này can thiệp nhiều hơn vào những vấn đề mà cử tri mong muốn. Theo cuộc thăm dò của Kantar, những vấn đề đó bao gồm tình trạng thất nghiệp, nạn gian lận thuế, khủng bố và di cư. Ông Pierre Moscovici, cao ủy phụ trách các vấn đề về kinh tế của EU, gần đây đã đề xuất thành lập Bộ tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu và ngân sách đến năm 2021 - một kế hoạch sẽ giúp EU có được vai trò hữu hình hơn trong việc giải quyết các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, bất kỳ động thái nào như vậy cũng sẽ cần phải đi kèm với việc giảm mạnh các quy định không cần thiết, và có thể phải giảm mạnh nhân lực tại những khu vực mà cử tri không muốn Liên minh có một vai trò nổi trội.
EU đang giành được động lực từ Brexit, nó đã giúp các chính trị gia thân châu Âu từ Hà Lan đến Bulgaria thắng cử. Chiến thắng của các nhân vật chủ trương ôn hòa - và đặc biệt của ông Macron bởi tầm quan trọng của Pháp đối với khối này - sẽ làm gia tăng thái độ ủng hộ châu Âu. Mọi việc sẽ "màu hồng" trong vài tháng. Tuy nhiên, EU cần phải hành động để duy trì động lực này. Các chính trị gia theo đường lối ôn hòa có lẽ sẽ khó giành chiến thắng trong lần tiếp theo nếu họ không nhận được sự "đỡ đầu" ý nghĩa từ Brussels.