📞

EU đạt thỏa hiệp cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga - Có hay không một cuộc cạnh tranh công bằng?

Chu Văn 14:56 | 31/05/2022
Thỏa hiệp cho phép hoạt động xuất khẩu dầu bằng đường ống của Nga sang EU tạm thời tiếp tục, trong khi các chuyến hàng bằng đường biển bị chặn vào cuối năm. Câu hỏi được đặt ra lúc này là làm thế nào để đảm bảo cạnh tranh công bằng, nếu một số thành viên EU tiếp tục nhận được dầu giá rẻ, trong khi các quốc gia còn lại thì không?
EU đạt thỏa hiệp cấm nhập khẩu dầu Nga - Có hay không một cuộc cạnh tranh công bằng?

Cuối cùng, sau nhiều tranh cãi, một thỏa hiệp đã đạt được trong 27 thành viên Liên minh châu Âu (EU), giữa một số nước phản đối lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga và phần còn lại, nhằm gây sức ép tối đa lên Moscow, bằng cách cắt giảm nguồn tài chính khổng lồ cho cỗ máy chiến tranh nhờ xuất khẩu năng lượng.

Trên mạng xã hội Twitter, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, sau ngày đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh bất thường (30-31/5) tại thủ đô Brussels (Bỉ), các lãnh đạo EU cuối cùng đã đồng ý về một lệnh cấm ngay lập tức, áp dụng đối với hơn 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga. Thỏa hiệp sẽ cho phép hoạt động xuất khẩu dầu bằng đường ống của Nga sang EU tạm thời tiếp tục, trong khi các chuyến hàng bằng đường biển bị chặn vào cuối năm. Thông tin này tương tự như thông báo của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đưa ra vào đầu tháng này.

Quyết định làm rung chuyển sự thống nhất của EU

Khối 27 quốc gia đã trải qua nhiều tuần mặc cả về đề xuất cấm vận toàn bộ đối với dầu mỏ Nga, nhưng đã vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ từ Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Budapest cảnh báo việc ngừng nguồn cung dầu từ Nga sẽ phá hủy nền kinh tế của nước này.

Một nhà ngoại giao châu Âu ước tính: “Mọi chuyện có thể được giải quyết trong 2-3 giờ nếu có ý chí chính trị. Nhưng Thủ tướng Viktor Orbán không muốn thảo luận”. Vấn đề phức tạp hơn vì Hungary cũng đang yêu cầu tài trợ. Bởi vì họ cũng sẽ phải điều chỉnh để các nhà máy lọc dầu sử dụng một loại dầu khác.

Một giải pháp sẽ là đạt được thỏa thuận chính trị của khối 27 nước để ban hành lệnh cấm vận với quyền miễn trừ tạm thời cho đường ống Druzhba, đồng thời dành thời gian để EC hoàn tất "thỏa thuận tốt" với ông Orban. Dù không phải quá vinh quang nhưng một thỏa thuận cuối cùng có thể khiến phương Tây thông qua gói trừng phạt thứ 6, đồng thời cứu lấy sự thống nhất của châu lục.

Một số quan điểm chỉ ra rằng, thời gian không quá gấp gáp. EC đã lên kế hoạch loại bỏ dần dần trong 6 tháng đối với dầu thô của Nga và trong 8 tháng đối với các sản phẩm tinh chế. Nhưng gói lệnh trừng phạt này không chỉ liên quan đến dầu. "Danh sách đen" của những nhân vật Nga đã được mở rộng. Ba ngân hàng sẽ lần lượt bị ngắt kết nối với nền tảng thanh toán quốc tế SWIFT. Truyền thông nhà nước Nga cũng sẽ bị cấm ở EU và các hạn chế thương mại mới đã được lên kế hoạch.

Hội nghị thượng đỉnh lần này là lần gặp thứ tư của các nhà lãnh đạo EU, kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine - ngày 24/2. Sự bất lực dai dẳng trong việc không được Hungary “bật đèn xanh” đối với các lệnh cấm vận dầu mỏ Nga đã khiến tâm trạng của lãnh đạo 27 nền kinh tế thành viên bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nhưng đó không phải là tất cả. Mục tiêu của những nhà lãnh đạo hàng đầu EU nhằm đạt được sự nhượng bộ từ phía Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng có nguy cơ khiến các nước Baltic và nhiều nước ở Trung và Đông Âu khó chịu. Ngay trước thềm Hội nghị bất thường, Đại sứ của các quốc gia thành viên EU vẫn thất bại trong việc thuyết phục Hungary. Nếu không có “cú lội ngược dòng”, vấn đề Hungary sẽ khó mà giải quyết triệt để.

Giới quan sát không ít người cho rằng, sự “thống nhất” của EU vẫn có vẻ gì đó không ổn, liên quan đến việc cấm vận dầu mỏ Nga. Bởi 2/3 lượng dầu của Nga đến EU bằng tàu biển và 1/3 được vận chuyển bằng đường ống. Hungary cũng như Slovakia, Cộng hòa Czech, Bulgaria đều không có đường ra biển để tiếp nhận các tàu chở dầu, trong khi Budapest phụ thuộc vào nguồn cung hoàn toàn độc quyền từ đường ống Druzhba, vận chuyển “vàng đen” của Nga tới các quốc gia này qua Ukraine.

Câu chuyện vô tận sau mục tiêu tẩy chay dầu mỏ Nga

Hội nghị thượng đỉnh bất thường của EU chắc sẽ không công bố các quyết định lớn, mà sẽ đợi tới Hội nghị thượng đỉnh định kỳ của khối diễn ra vào ngày 23-24/6. Tuy nhiên, lãnh đạo 27 quốc gia thành viên sẽ còn phải xem xét vấn đề cực kỳ nhạy cảm về tư cách thành viên EU không chỉ đối với Ukraine, mà còn đối với Moldova và Georgia.

Do đó, ngoài vấn đề tẩy chay dầu mỏ của Nga, Hội nghị còn có sứ mệnh trao đổi về hàng loạt vấn đề mang tính quyết định cho tương lai, mà không vấn đề nào dễ đồng thuận, bởi những ràng buộc mong manh và nhạy cảm. Tờ Le Soir của Bỉ bình luận, "trên tất cả, châu Âu lo sợ sẽ thấy mình giống như “thất bại” với tư cách là nước láng giềng hoặc một “người ủy nhiệm” của Điện Kremlin".

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ukraine có nhu cầu tài chính cấp bách để duy trì sự phát triển của đất nước với 5 tỷ Euro mỗi tháng, trong khi EC đang chuẩn bị một khoản hỗ trợ tài chính vĩ mô mới, trị giá 9 tỷ Euro cho nước này. EC sẽ phải đưa ra quyết định với các đối tác G7 về vấn đề này vào tháng 6 tới.

Dự thảo kết luận của Hội nghị cũng dự kiến trình bày những cách thức mới để hỗ trợ việc tiếp nhận hàng triệu người tị nạn, nhưng trong khuôn khổ ngân sách 2021-2027 hiện có.

Và một câu hỏi nữa, đó là làm thế nào để tài trợ cho việc tái thiết Ukraine trong giai đoạn hậu xung đột. Hội nghị thượng đỉnh dự kiến sẽ tuyên bố rằng, nỗ lực khổng lồ này, được thực hiện với “các đối tác quốc tế”, sẽ gắn với việc thực hiện các cải cách phù hợp với quỹ đạo châu Âu.

Vấn đề tịch thu tài sản “đóng băng” của các nhà tài phiệt bị EU trừng phạt cũng nằm trong chương trình nghị sự. Tuần trước, EC đã đề xuất với các quốc gia thành viên EU điều chỉnh luật của họ để cho phép thu giữ tài sản của những người bị xét xử vì các hoạt động tội phạm hoặc vì muốn lách lệnh trừng phạt. Các Bộ trưởng sẽ được kêu gọi kiểm tra chi tiết việc này. Hội nghị hướng đến việc phải "tìm được các lựa chọn, phù hợp với luật pháp châu Âu và quốc tế", đối với vấn đề phức tạp hơn về tài sản bị đóng băng thuộc khu vực công của Nga, chẳng hạn như dự trữ của Ngân hàng trung ương Nga (BoR). Vấn đề là tài sản này có thể bị thu giữ để tài trợ cho việc tái thiết không?

Chính phủ của 27 thành viên EU sẽ xem xét các kho dự trữ ngũ cốc bị phong tỏa ở Ukraine vào thời điểm mà các hầm chứa sẽ được giải phóng để đáp ứng cho vụ thu hoạch năm 2022.

Hội nghị thượng đỉnh cũng sẽ xem xét kế hoạch lớn “RepowerEU”, được EC trình bày vào ngày 18/5. Theo một nhà ngoại giao châu Âu, đây sẽ là “một đống giấy tờ và đề xuất khổng lồ” được cho là nhằm nhanh chóng giảm thiểu sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung năng lượng của Nga. Giá năng lượng cao gây căng thẳng cho ngân sách hộ gia đình và doanh nghiệp. Tuy nhiên, giải pháp vẫn chưa được tìm ra và cuộc tranh luận sẽ vẫn còn lâu dài và khó khăn.

Cuối cùng, Hội nghị thượng đỉnh sẽ tiếp tục công việc đang diễn ra về vấn đề quốc phòng châu Âu, phù hợp với Hội nghị thượng đỉnh bất thường được tổ chức tại Versailles hồi tháng 3, trong đó có việc chờ đề xuất của EC về việc miễn thuế VAT cho một số dự án vũ khí chung.

(theo France24, Le Soir)