📞

EU khó đồng thuận về trừng phạt hành vi khoan dầu của ‘hàng xóm khó chiều’ Thổ Nhĩ Kỳ

07:22 | 13/07/2019
Ngày 12/7, các nhà ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) cho biết, họ chưa thể thống nhất trong việc đưa ra các biện pháp cần thực hiện để trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì hoạt động khoan dầu ngoài khơi Cộng hòa Cyprus, bất chấp nhiều cảnh báo được EU đưa ra.    
Tàu khoan dầu của Thổ Nhĩ Kỳ trên đường đến Địa Trung Hải. (Nguồn: Reuters)

Sau 3 ngày thảo luận, các đại sứ tại Brussels đã không đưa ra được một thỏa thuận về các biện pháp cần thực hiện, điều này cho thấy luôn tồn tại các quan điểm khác nhau về cách đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ - một nước láng giềng quan trọng nhưng "khó chiều" đối với EU.

Việc phát hiện ra trữ lượng khí đốt khổng lồ ở phía Đông Địa Trung Hải đã gây nên tình trạng tranh chấp giữa CH Cyprus - một nước thành viên của EU – với Thổ Nhĩ Kỳ, khi nước này đã gửi hai tàu để thực hiện khoan thăm dò và tuyên bố sẽ tiếp tục các hành động tương tự.

Hồi tháng trước, EU đã cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nếu nước này không chấm dứt hoạt động được gọi là khoan "bất hợp pháp" trong vùng đặc quyền kinh tế của CH Cyprus và các nhà ngoại giao bắt đầu thảo luận từ ngày 10/7 về các biện pháp sẽ được khối này áp dụng. Các bước trừng phạt đang được xem xét bao gồm tạm dừng các cuộc đàm phán cấp cao với Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như cắt giảm hỗ trợ tài chính cho quá trình tiền gia nhập EU của nước này và đình chỉ đàm phán đối với một thỏa thuận về hàng không.

Một nhà ngoại giao cho hay, các đại sứ phải xem xét bối cảnh rộng hơn khi Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và việc Ankara có một thỏa thuận với EU về vấn đề người tị nạn. Tất cả những yếu tố này phải được tính đến và cần có sự cân bằng.

Gói biện pháp dự kiến được các đại sứ quyết định trước cuộc họp của các Ngoại trưởng vào ngày 15/7, nhưng nếu không thể tìm được sự đồng thuận thì có thể chính các Ngoại trưởng sẽ là người đưa ra quyết định.

(theo Reuters)